Dấu hiệu tích cực về Omicron
Các nhà khoa học nói lý do khiến họ lạc quan là Omicron đang cho thấy khả năng lây nhiễm mạnh mẽ đến nỗi nó có thể đã không còn vật chủ để tiếp tục lan truyền, chỉ sau một tháng rưỡi kể từ khi được báo cáo lần đầu tiên ở Nam Phi.
"Nó sẽ lụi tàn nhanh như khi nó bùng phát", Ali Mokdad, giáo sư khoa học đo lường sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, Mỹ nhận định.
Các bác sĩ và nhà khoa học đã nhận thấy những dấu hiệu làn sóng Omicron chạm đỉnh ở Anh và sắp tới đây là Mỹ. Tiến sĩ Ashok Rai, giám đốc điều hành tập đoàn y tế Prevea tại bang Wisconsin của Mỹ, cho biết sóng Omicron ở bang này sẽ chạm đỉnh vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Hiện ca nhiễm Omicron vẫn gia tăng ở Wisconsin, với kỷ lục 13.000 trường hợp vào ngày 13/1.
"Omicron lây lan ra sao, tốc độ nhanh như thế nào, lây cho bao nhiêu người, điều đó đã được dự đoán và thể hiện ở các quốc gia khác. Một số bang của chúng tôi cũng nhận thấy nó sẽ tăng và giảm nhanh chóng", Rai nói.
Người dân đeo khẩu trang trên một con phố ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York, Mỹ hồi tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.
Giới chuyên gia cho biết ca nhiễm Omicron tăng đáng kể là do tính chất dễ lây lan của biến chủng này. Omicron lần đầu tiên được báo cáo ở Nam Phi vào cuối tháng 11/2021 và lập tức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách biến chủng đáng lo ngại.
Omicron mang 50 đột biến, phần lớn trong số đó nằm trên protein gai, phần giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các đột biến này có thể cho phép Omicron dễ dàng lây nhiễm cho những người chưa tiêm chủng và có thể tránh né một phần phản ứng kháng thể, có được nhờ vaccine hoặc hậu nhiễm.
Mô hình Covid-19 có mức độ uy tín cao nhất của Đại học Washington dự báo Mỹ sẽ ghi nhận 1,2 triệu ca nhiễm vào ngày 19/1 và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm mạnh, "đơn giản vì tất cả những ai có thể bị nhiễm đều đã nhiễm", theo Mokdad.
Tuy nhiên, ông thêm rằng theo những tính toán phức tạp hơn của Đại học Washington, số ca nhiễm mới thực sự ở Mỹ, gồm cả những người chưa bao giờ xét nghiệm, ước tính chạm ngưỡng cao nhất 6 triệu vào ngày 6/1.
Trong khi đó tại Anh, số ca nhiễm mới đã giảm xuống khoảng 140.000 mỗi ngày vào tuần trước, sau khi tăng vọt lên 200.000 mỗi ngày hồi đầu tháng này, theo dữ liệu chính phủ.
Dữ liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) tuần trước cho thấy tỷ lệ nhập viện ở người trưởng thành bắt đầu giảm, cùng với xu hướng giảm tỷ lệ nhiễm ở tất cả các độ tuổi.
Kevin McConway, giáo sư về thống kê ứng dụng đã nghỉ hưu tại Đại học Mở của Anh, nói dù số ca Covid-19 vẫn tăng ở một số vùng như đông nam nước Anh và West Midlands, đợt bùng phát mới có thể đã đạt đỉnh ở London.
Những dữ liệu này làm dấy lên hy vọng rằng Mỹ và Anh sắp trải qua tình huống tương tự như Nam Phi, nơi làn sóng mới gia tăng kỷ lục và sau đó giảm đáng kể trong vòng 1 tháng.
"Chúng tôi đang chứng kiến số ca bệnh giảm rõ rệt ở Anh, nhưng tôi muốn thấy chúng giảm nhiều hơn nữa trước khi biết liệu những gì đã xảy ra ở Nam Phi có diễn ra ở đây hay không", tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa Đại học East Anglia, Anh, nói.
Tiến sĩ David Heymann, người từng phụ trách về các bệnh truyền nhiễm của WHO, nói Anh tiến gần đích thoát dịch hơn bất kỳ quốc gia nào khác và thêm rằng Covid-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu.
Những điểm khác biệt giữa Anh và Nam Phi, gồm dân số già và xu hướng người dân thường ở nhà nhiều trong mùa đông của Anh, có thể đồng nghĩa dịch có thể bùng phát mạnh hơn ở quốc gia này và các nước có đặc điểm giống vậy.
Mặt khác, quyết định chỉ áp dụng những hạn chế tối thiểu của Anh cũng có thể cho phép virus lây lan nhanh trong dân số và đốt cháy quá trình lây nhiễm của virus hơn các nước áp đặt biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, như Pháp, Tây Ban Nha hay Italy.
Shabir Mahdi, trưởng khoa khoa học sức khỏe Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, cho biết lệnh phong tỏa ở các quốc gia châu Âu không thể giúp giảm số ca nhiễm của làn sóng Omicron, mà chỉ có thể kéo dài thời gian lây lan của chúng.
Hồi đầu tuần, WHO nói châu Âu tuần trước ghi nhận 7 triệu ca nhiễm mới và mô tả đây là "sóng thủy triều quét qua khu vực này". Cơ quan y tế LHQ trích dẫn mô hình của nhóm Mokdad, trong đó cho biết nửa triệu dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong vòng 8 tuần.
Tuy nhiên, Hunter và nhiều chuyên gia khác hy vọng thời điểm đó cũng chính là lúc thế giới vượt qua làn sóng Omicron.
"Có thể sẽ chứng kiến những đợt tăng giảm trong giai đoạn này, nhưng tôi hy vọng đến Lễ Phục sinh (17/4), chúng ta sẽ thoát khỏi nó", Hunter nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng chưa thể chắc chắn về giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Làn sóng dịch gia tăng hay suy giảm ở các nơi không xảy ra cùng lúc và với cùng tốc độ. Hệ thống chăm sóc y tế có thể sẽ đối mặt với nhiều tuần căng thẳng phía trước.
"Vẫn sẽ có nhiều người nhiễm bệnh khi chúng tôi đã đi qua phía bên kia con dốc", Lauren Ancel Meyers, giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 thuộc Đại học Texas, Mỹ cho hay.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Hartlepool, Anh hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.
Đầu tuần trước, Janet Woodcock, quyền Ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói với quốc hội rằng khả năng lây nhiễm cao của Omicron sẽ khiến "hầu hết mọi người" nhiễm bệnh và chính phủ nên chuyển trọng tâm sang các dịch vụ quan trọng để mọi thứ không bị gián đoạn.
"Tôi nghĩ khó có thể xử lý những gì đang diễn ra. Hầu hết mọi người sẽ nhiễm nCoV. Những gì chúng ta cần là đảm bảo bệnh viện vẫn có thể hoạt động, trong khi giao thông vận tải và các dịch vụ thiết yếu khác không bị gián đoạn", bà nói.
Meyers cho rằng một ngày đó, Omicron có thể được coi là bước ngoặt của đại dịch. Khả năng miễn dịch có được từ tất cả những người từng nhiễm cùng với các loại thuốc điều trị mới và chiến dịch tiêm chủng có thể khiến Covid-19 trở nên dễ dàng sống chung hơn.
"Omicron rất có thể là điểm khởi đầu để chúng ta biến Covid-19 từ mối đe dọa toàn cầu thảm khốc thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn nhiều", Meyers nói, nhưng cũng không loại trừ khả năng một biến chủng tồi tệ hơn có thể xuất hiện.
Giới chuyên gia nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là biện pháp tốt nhất để giúp mọi người tránh nguy cơ nhập viện và cung cấp một số khả năng bảo vệ chống lại biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai.
"Mỗi biến thể mới sẽ cần có những lợi thế chọn lọc nếu muốn trở thành chủng trội và thay thế chủng cũ. Khả năng lây nhiễm là một trong số đó. Một yếu tố khác có thể giúp biến chủng có lợi thế là nó có sự kết hợp của nhiều đột biến cho phép thoát khỏi kháng thể của con người", Ajay Seithi, chuyên gia về Khoa học Y tế Dân số tại Đại học Y khoa và Sức khỏe Cộng đồng U.W, chia sẻ.
Seithi thêm rằng điều khiến ông lo lắng nhất về làn sóng hiện tại là "một biến thể khác có xác suất xuất hiện cao hơn rất nhiều chúng ta từng thấy trong các đợt bùng phát trước".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chay-qua-nhanh-omicron-co-the-som-lui-tan-4416571.html