Đạo diễn Pawo Choyning Dorji: "Bằng cách thần kỳ nào đó, chúng tôi đã được đề cử Oscar"
Khi ê-kíp gồm 35 người thực hiện bộ phim ở thung lũng Lunana xa xôi của Bhutan vào năm 2018, họ phải đối mặt với những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua.
Thung lũng không có điện. Để đến được đây, đoàn phim phải cuốc bộ 8 ngày vì thiếu đường dành cho ôtô. Những học sinh xuất hiện trong phim chẳng biết gì về diễn xuất hay điện ảnh.
"Bọn trẻ thậm chí còn không rõ camera trông như thế nào", Namgay Dorji, giáo viên của làng, nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times.
Đạo diễn Pawo Choyning Dorji trò chuyện với Pem Zam. Cô bé sống ở vùng nông thôn Bhutan bỡ ngỡ vì lần đầu được đóng phim. Ảnh: New York Times. |
Ngày 8/2 (giờ Mỹ), Viện Hàn lâm chính thức công bố danh sách đề cử Oscar năm nay, và Lunana: A Yak in the Classroom bất ngờ xuất hiện ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, trở thành tác phẩm Bhutan đầu tiên làm được điều này.
Pawo Choyning Dorji - đạo diễn của phim - cho biết quá trình quay tác phẩm có kinh phí vỏn vẹn 300.000 USD thực sự là thử thách lớn. Dorji gọi đây là “cuộc hành trình bất trắc” khi phải làm việc tại ngôi làng trên dãy Himalaya cao gần 5.000 m so với mực nước biển.
Đạo diễn 39 tuổi đến từ vùng nông thôn của Bhutan, phía đông Lunana, bày tỏ: "Bằng cách thần kỳ nào đó, chúng tôi đã được đề cử Oscar. Tôi không thể tin nổi và liên tục nói với bạn bè rằng: 'Tôi phải làm sao nếu ngày mai thức dậy và nhận ra tất cả chỉ là giấc mơ?'".
"Thung lũng tối tăm"
Lunana: A Yak in the Classroom xoay quanh câu chuyện của chàng giáo viên trẻ Ugyen (Sherab Dorji đóng). Ugyen sống ở thủ đô Thimphu của Bhutan. Anh nuôi ước mơ sang Australia định cư và làm ca sĩ, nhưng sau đó phải gác lại hoài bão vì bị buộc phải đi đến ngôi trường xa xôi nhất thế giới nằm trên dãy Himalaya để dạy học.
Vì điều kiện vật chất thiếu thốn, Ugyen chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh để rời khỏi Lunana. Nhưng rồi tình yêu thương dành cho bọn trẻ, người dân nơi đây đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của anh.
Ugyen có ấn tượng đặc biệt với Pem Zam, 9 tuổi, cô học trò luôn tỏ ra lạc quan dù hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cảm động trước câu chuyện của Zam, anh đã làm việc một cách nghiêm túc hơn trong những tháng tiếp theo. Vùng đất hẻo lánh đã dần níu chân chàng trai thành thị.
Theo New York Times, trong quá trình viết kịch bản cho tác phẩm dài 109 phút, Pawo Choyning Dorji đã chọn một giáo viên làm nhân vật chính sau khi truyền hình đưa tin có nhiều thầy cô giáo ở Bhutan bỏ việc.
Choyning Dorji cho rằng đó là hành động thể hiện sự bất mãn ở đất nước nghèo, bị cô lập, nơi mà quá trình toàn cầu hóa đã gây ra những thay đổi xã hội sâu sắc.
Lunana: A Yak in the Classroom miêu tả chân thật cuộc sống khó khăn của người dân sống ở thung lũng Lunana. Ảnh: New York Times. |
Bhutan tự hào là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với dân số chỉ hơn 750.000 người. Nhưng Choyning Dorji cho biết những người trẻ Bhutan tin rằng sự hạnh phúc ngày nay chỉ có thể cảm nhận được khi sống ở nước ngoài, chẳng hạn như Australia, châu Âu hay thành phố New York.
Đạo diễn 39 tuổi quyết định chọn thung lũng Lunana làm bối cảnh phim vì nơi đây phản ánh sự tương phản ấn tượng với những thành phố ánh sáng của thế giới. Trong ngôn ngữ Dzongkha, Lunana có nghĩa là "thung lũng tối tăm".
"Ý tưởng của tôi là: Chúng ta có thể nào khám phá những gì trong bóng tối như cách đang tìm kiếm nơi ánh sáng hay không?", vị đạo diễn chia sẻ trong cuộc phỏng vấn từ Đài Bắc.
Mang củi, pin, 75 con la đi quay phim
New York Times đánh giá những thước phim Lunana: A Yak in the Classroom là sự ngoạn mục ngoài sức tưởng tưởng. Hình ảnh người dân nhỏ bé được bao phủ bởi dãy núi hùng vĩ điểm tô thêm những ngọn cây xanh bạt ngàn tạo cho khán giả cảm giác khó tả.
Thung lũng Lunana giáp với vùng viễn tây Trung Quốc, có các hồ băng và một số đỉnh núi cao nhất thế giới. Năm 2021, nhân viên y tế phải di chuyển bằng trực thăng và đi bộ từ làng này sang làng khác, băng qua núi tuyết mới đến được thung lũng để tiêm vaccine cho người dân.
Cuối năm 2018, đoàn phim của Choyning Dorji phải chuẩn bị củi, pin, 2.000 lít nhiên liệu, bộ sạc năng lượng mặt trời, lương thực và các thiết bị cần thiết khác cho hai tháng ghi hình ở Lunana. 75 con la được huy động để làm nhiệm vụ vận chuyển.
Ê-kíp mang theo các khẩu phần ăn không dễ hỏng như bí ngô và nấm vì trên núi không có tủ lạnh. Đến nơi, họ phải tự dựng nhà ở tạm.
"Chỉ có đủ năng lượng mặt trời để quay phim trên một máy ảnh duy nhất. Do vậy, Dorji không dám xem lại những cảnh đã quay vì sợ tốn pin. Vị đạo diễn ghi lại cảnh phim bằng bản năng và chỉ biết hy vọng vào điều tốt nhất", New York Times tiết lộ.
Đạo diễn Pawo Choyning Dorji chụp ảnh cùng dàn diễn viên nhí trong phim. Ảnh: New York Times. |
Như được kể, tuyển diễn viên cũng là thử thách với Dorji. Ba vai chính do các gương mặt nghiệp dư đến từ Thimphu đảm nhận. Các nhân vật còn lại đều là người dân ở Lunana - nơi con người chỉ biết sống bằng nông nghiệp tự cung tự cấp, chưa bao giờ thưởng thức qua bộ phim nào.
"Họ coi máy quay như thể một con bò Tây Tạng, vừa sợ sệt nhưng cũng rất thú vị", đạo diễn cho biết.
Namgay Dorji, 35 tuổi, giáo viên ngoài đời thực ở thung lũng Lunana đã truyền cảm hứng cho Pawo Choyning Dorji hoàn thành kịch bản. Anh chia sẻ: "Tôi không hào hứng lắm khi đứng trước ống kính. Thế nhưng, sau khi nghe cuộc trò chuyện của bọn trẻ, tôi nhận ra rằng cộng đồng của chúng ta đã phải vượt qua bao nhiêu là khó khăn".
Vì lần đầu đóng phim, các diễn viên gần như không cần phải hóa thân vào nhân vật, mà đơn giản chỉ kể lại câu chuyện đời mình. Ví dụ, cô bé lớp trưởng Pem Zam đã mang cảm xúc về cuộc sống không mẹ, phải sống với người cha nghiện rượu từ đời thực vào phim.
Dorji muốn mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên, biểu cảm của nhân vật cũng đều là những phản ứng chân thật nhất. Và vì thế, từ bộ phim điện ảnh, Lunana: A Yak in the Classroom lại có thể mang đến "hơi thở trong lành và chân thật như một tác phẩm tài liệu" - theo nhận xét của đạo diễn Lý An.
Nhà làm phim từng giành giải Oscar bày tỏ: "Lunana: A Yak in the Classroom chứa đựng những giá trị đáng quý, tuy đơn giản nhưng rất cảm động. Cảm ơn bạn (Choyning Dorji) vì đã vượt qua tất cả khó khăn để truyền tải những hình ảnh tuyệt vời về văn hóa và con người Bhutan".
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/bo-phim-co-kinh-phi-300000-usd-duoc-de-cu-oscar-post1298410.html