Đảng Dân chủ đang hoài nghi về cơ hội tái đắc cử của ông Biden

10:00' 13-07-2024
Thượng đỉnh NATO tại Washington có thể là cơ hội cuối để Tổng thống Biden thể hiện năng lực lãnh đạo, khi đảng Dân chủ ngày càng hoài nghi về cơ hội tái đắc cử của ông.


    Tổng thống Joe Biden ngày 9/7 chào đón các lãnh đạo NATO nhóm họp tại Washington để kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Với giọng hùng hồn, ông đọc diễn văn khai mạc hội nghị, tái khẳng định tinh thần đoàn kết của liên minh trong xung đột Ukraine, đồng thời nhấn mạnh cam kết sắt đá của Mỹ với NATO.

    Đây dường như là thông điệp của Tổng thống Biden nhằm thuyết phục cử tri và cả các thành viên đảng Dân chủ, trong bối cảnh nỗ lực tái tranh cử gặp nhiều khó khăn và triển vọng trở lại của đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump tăng dần, theo giới quan sát.

    Sau cuộc tranh luận với Trump cuối tháng trước, ít nhất 9 hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã công khai kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua tổng thống, nhường lại cơ hội cho ứng viên trẻ hơn, có cơ hội đánh bại Trump cao hơn.

    Nhiều thành viên, quan chức Dân chủ đang "nín thở", tin rằng hội nghị thượng đỉnh NATO là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Biden chứng minh năng lực của mình, trước khi mọi chuyện vượt tầm kiểm soát.

    "Chúng tôi cần thấy một ứng viên tràn đầy năng lượng hơn, quyết liệt hơn trên đường tranh cử, để thuyết phục cử tri rằng người ấy xứng đáng được trao niềm tin", thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray nói.

    Ông Biden đã chạy đua để xoa dịu cử tri và thuyết phục các nhà tài trợ rằng ông đã sẵn sàng trở lại sau cuộc tranh luận. Trong bức thư đầy thách thức gửi tới các nhà lập pháp Dân chủ và tại hội nghị NATO, ông Biden đang muốn thể hiện rằng ông sẽ vẫn tiếp tục ở Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.

    "NATO đang mạnh mẽ chưa từng thấy với 32 quốc gia hùng mạnh", ông Biden nói khi chào đón các lãnh đạo thế giới. "Thật tốt khi chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi có những thời khắc lịch sử đòi hỏi sức mạnh tập thể của chúng ta".

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington ngày 9/7. Ảnh: AP

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington ngày 9/7. Ảnh: AP

    Trong hội nghị kéo dài 3 ngày, ông Biden sẽ đối mặt với nhiều cuộc thảo luận khó khăn về an ninh toàn cầu. Song Nhà Trắng cũng đang tìm cách cho người dân Mỹ thấy rằng ông Biden có thể đủ sức khỏe cho lịch trình bận rộn với các cuộc họp chính thức, cuộc gặp bên lề, những bữa tối ngoại giao và họp báo kết thúc sự kiện.

    Lãnh đạo Mỹ ngày 9/7 thông báo các bước quan trọng mà Mỹ và các thành viên NATO đang tiến hành để tăng cường hệ thống phòng không cho Ukraine. Mỹ, Đức và Romania đã viện trợ thêm tổ hợp Patriot, trong khi Hà Lan và các đồng minh sẽ chuyển thêm các linh kiện cần thiết để lắp ráp một hệ thống phòng không này chuyển cho Ukraine. Italy cũng nhất trí gửi một hệ thống phòng không SAMP-T, phiên bản tương đương Patriot, cho Ukraine.

    Các đồng minh khác, trong đó có Canada, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh, sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không khác nhằm cải thiện khả năng phòng thủ của Kiev.

    "Đây là thời điểm then chốt cho châu Âu và cả liên minh xuyên Đại Tây Dương. Và tôi có thể đóng góp cho thế giới", ông Biden tuyên bố.

    Song điều bao trùm hội nghị thượng đỉnh là những khó khăn chính trị của chính ông khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách chưa đầy 4 tháng.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói trước khi rời Berlin tới Washington tham dự hội nghị là ông không có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe của ông Biden. "Thông qua các cuộc trao đổi giữa tôi và ông ấy, tôi biết Tổng thống Mỹ đã chuẩn bị rất tốt cho hội nghị này cùng với chúng tôi", ông nói.

    Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này cũng là lần đầu tiên ông Biden gặp mặt tân Thủ tướng Anh Keir Starmer. Tổng thống Mỹ tuần trước gọi cho Starmer để chúc mừng chiến thắng và gặp Thủ tướng Anh tại Nhà Trắng vào ngày 10/7 để nhấn mạnh hai bên là "đồng minh tốt nhất của nhau trên thế giới".

    Sau cuộc gặp, ông Biden đã phớt lờ các câu hỏi của phóng viên về những hoài nghi với việc ông tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Biden cũng dự kiến có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zekensky vào ngày 11/7.

    Hội nghị thượng đỉnh NATO được lên kế hoạch từ lâu để kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh, tìm cách đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Song không ai ngờ cuộc nhóm họp ở Washington tuần này sẽ trở thành bài kiểm tra công khai về sức khỏe và năng lực nhận thức của Tổng thống Biden.

    Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết các đối tác nước ngoài đến Mỹ để tìm kiếm sự đảm bảo về cả chính trị và chiến lược, cũng như vai trò lãnh đạo NATO của Mỹ trong tương lai. Họ lo ngại nếu ông Biden không thể tái tranh cử thành công và Trump trở lại, điều đó có thể đe dọa sự ủng hộ của Mỹ với NATO và hỗ trợ dành cho Ukraine.

    Đáp lại, ông Biden đã cố gắng tìm cách làm nổi bật cam kết với liên minh, đồng thời nhấn mạnh với cử tri rằng ông Trump sẽ quay lưng với NATO nếu trở lại Nhà Trắng.

    Cựu tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO không hoàn thành mục tiêu đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Nỗi lo lắng của châu Âu càng tăng cao khi hồi tháng 2, ông Trump dọa không bảo vệ các thành viên không đóng góp đủ ngân sách. Ông Trump cũng chỉ trích Tổng thống Biden vì cung cấp nguồn viện trợ "vô tận" cho Ukraine.

    Các trợ lý của ông Biden lưu ý đã có thêm 9 quốc gia đạt mục tiêu ngân sách 2% kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm 2021. Hiện tại 23 trong 32 thành viên NATO đã hoàn thành cam kết ngân sách. Ông Biden cũng nhận được nhiều tín nhiệm ở NATO sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.

    "Những kết quả đó không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là nhờ khả năng lãnh đạo và tổ chức, cũng như mối quan hệ với các đối tác trên toàn thế giới. Những gì tổng thống làm đã nói lên điều đó", John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

    Ông Biden coi hội nghị thượng đỉnh là bằng chứng về khả năng lãnh đạo và thành công của ông trên cương vị tổng thống Mỹ, tạo nên sự tương phản với nhiệm kỳ của ông Trump, theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN.

    "Phần còn lại của thế giới, các đồng minh của chúng tôi đang tìm kiếm sự lãnh đạo của Mỹ. Còn ai khác có thể ở đây và làm điều này nữa?", ông Biden nói với MSNBC.

    Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News tuần trước, ông Biden cũng tự nhận mình là người có vai trò thiết yếu đối với an ninh toàn cầu. "Tôi là người đã gắn kết NATO lại với nhau. Không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể mở rộng liên minh", ông Biden nói.

    Ian Brzezinski, thành viên cấp cao tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nói rằng Tổng thống Mỹ cũng cần hội nghị NATO lần này để "đảo ngược" những ấn tượng không tốt mà ông để lại sau màn tranh luận.

    "Đây là cơ hội lớn để ông ấy thể hiện khả năng lãnh đạo một cách sinh động và nhiều năng lượng, để nhấn mạnh cam kết của mình, cam kết của chính quyền, nhấn mạnh ông là người quyết tâm giúp NATO thành công như vậy", Brzezinski nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/canh-bac-cua-ong-biden-tai-thuong-dinh-nato-4768146.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ