Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt

03:00' 10-08-2022
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà virus gây bệnh vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, tiêm vaccine vẫn là phương thức bảo vệ an toàn nhất, trong đó có trẻ em.


    Vaccine phong COVID-19: Tam khien an toan trong phong chong dich hinh anh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

    Bước sang tháng 8/2022, lời cảnh báo của lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ trung tuần tháng 7 vẫn còn nguyên giá trị.

    Ngày 12/7, tại cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesu cảnh báo, đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà virus gây bệnh vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh này tiêm vaccine vẫn là phương thức bảo vệ an toàn nhất đối với nhân loại, trong đó có trẻ em.

    "Cuộc đua" chưa thấy hồi kết

    Hiện tại, “cuộc đua” giữa con người và virus gây dịch COVID-19 là SARS-CoV-2 vẫn chưa đến đích. Con người đang tích cực kiếm tìm những phương pháp điều trị mới trong khi virus vẫn không ngừng biến đổi, tiếp tục đe dọa cuộc sống con người.

    Ông Tedros Adhanom Ghebreyesu cho biết các ca mắc COVID-19 và nhập viện ngày một gia tăng trở lại, gây thêm áp lực lên hệ thống y tế vốn đã phải gồng mình để ứng phó với dịch bệnh lâu nay.

    Lời cảnh báo của Tổng Giám đốc WHO được đưa ra sau khi Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO vẫn xác định, bệnh dịch COVID-19 đang ở tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức báo động cao nhất từ trước tới nay.

    Theo Hội đồng Khoa học của WHO, sau một thời gian nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và dần trở lại cuộc sống bình thường mới, đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường khi số ca mắc đang gia tăng chủ yếu do hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron.

    WHO nhấn mạnh rằng thế giới đang đứng trước thách thức COVID-19 lây lan nhanh do tỷ lệ xét nghiệm giảm khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về dịch bệnh; các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng, chưa đến tay người dân tại các nước có thu nhập thấp; khả năng bảo vệ của vaccine suy yếu dần theo thời gian, thái độ chủ quan của chính quyền và người dân…

    Tính đến ngày 8/8, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 585 triệu người, trong đó 6,42 triệu bệnh nhân đã không qua khỏi.

    Trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19, WHO khuyến cáo cần duy trì những biện pháp ứng phó, nhất là tiêm vaccine tăng cường và nhắc lại. Theo tổ chức này, các loại vaccine đã được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của SARS-CoV-2.

    Đến thời điểm hiện tại, 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã sử dụng vaccine để phòng COVID-19 với 12,4 tỷ liều đã được tiêm. Tổng cộng có 5,31 tỷ người đã được tiêm vaccine, chiếm 67,15% dân số toàn cầu.

    Tỷ lệ người được tiêm vaccine cao nhất là ở châu Mỹ (79,52%), tiếp đến là châu Á (76,36%), châu Âu (68,98%), châu Đại Dương (65,28%) và cuối cùng là châu Phi (26,70%).

    Mười quốc gia có số liều vaccine được tiêm cao nhất là Trung Quốc (3,43 tỷ), Ấn Độ (2,06 tỷ), Mỹ (604,24 triệu), Brazil (465,32 triệu), Indonesia (429,16 triệu), Nhật Bản (302,43 triệu), Bangladesh (291,12 triệu), Pakistan (287,85 triệu), Việt Nam (241,48 triệu) và Mexico (209,67 triệu).

    Việt Nam cũng nằm trong tốp mười quốc gia có số người được tiêm vaccine cao nhất (87,72 triệu), xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản và Mexico.

    Kinh nghiệm các nước về tiêm vaccine cho trẻ em

    Từ giữa đến cuối năm 2021 Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước châu Âu (Anh, Áo, Đan Mạch, Pháp,...) đã bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 hay 17 tuổi.

    Đến đầu năm 2022 đã có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng tiêm vaccine cho trẻ vị thành niên.

    Trong số này có Cuba sử dụng vaccine nội địa Soberana cho lứa tuổi từ 2-18; Trung Quốc (vaccine nội địa bất hoạt Sinopharm và Sinovac, 3-11 tuổi); Israel (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Đức (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Singapore ((Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Ausralia (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Nhật Bản (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Malaysia (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Canada (Moderna, 6-11 tuổi); Ấn Độ (vaccine nội địa Bharat Biotech, dưới 12 tuổi); Mỹ (Pfizer/BioNTech 5-11 tuổi); Indonesia (Sinovac, 6-11 tuổi); Italy (Pfizer/BioNTech 5-11 tuổi); Séc (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Brazil (Sinovac, 6-17 tuổi); Philippines (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Anh (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi); Hàn Quốc (Pfizer/BioNTech, 5-11 tuổi.

    Hiện tại, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ vị thành niên trước thềm khai giảng năm học mới.

    Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thậm chí là một trong số ít các quốc gia tiêm vaccine cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

    Nước này tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho người dân, kịp thời phổ biến kiến thức khoa học, giải tỏa những lo lắng của người dân, hình thành nhận thức đúng đắn, khoa học đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; tận dụng triệt để các nền tảng, kết hợp cả tuyên truyền trên mạng và tuyên truyền trực tiếp như các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng điện thoại wechat, pano, áp phích, cán bộ tuyên truyền của địa phương...

    Vaccine phong COVID-19: Tam khien an toan trong phong chong dich hinh anh 2Bộ Y tế liên tục đốc thúc các địa phương đẩy nhanh công tác tiêm chủng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

    Việc tiêm vaccine cho trẻ em được thực hiện theo hướng hạ thấp dần độ tuổi và chủ yếu theo từng trường học; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan y tế và trường học.

    Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, tỷ lệ phản ứng bất thường là 1/1.000.000, trong đó tỷ lệ có phản ứng sau tiêm của nhóm đối tượng từ 3-11 tuổi còn thấp hơn nhiều so với thanh thiếu niên và người trưởng thành. Các phản ứng sau tiêm được ghi nhận chủ yếu là đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ.

    Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi từ tháng 2/2022. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) phê duyệt việc sử dụng vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi vào ngày 18/1.

    Quyết định phê duyệt được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và đánh giá của một hội đồng chuyên gia thuộc MHLW về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine đối với trẻ trong nhóm tuổi này.

    Sau đó, ngày 26/1, MHLW đã thành lập hội đồng để đánh giá những thuận lợi và khó khăn của việc tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tuổi. Đồng thời, cơ quan này đảm trách nhiệm vụ phổ biến những thông tin chính xác và cần thiết để các bậc phụ huynh có thể đưa ra những quyết định tốt nhất liên quan đến việc tiêm phòng cho con em.

    Trong khi đó, giới chức y tế các địa phương ở Nhật Bản đã không ngừng vận động để thuyết phục bố, mẹ/người giám hộ cho các em đi tiêm vaccine. Một số phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vaccine đối với trẻ nên cơ quan y tế của thành phố đã cố gắng giải thích thấu đáo để có được sự phối hợp tốt nhất từ phía gia đình. Nhiều tổ chức và chuyên gia y tế của Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc vận động này.

    Hội Nhi khoa Nhật Bản đã ra tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi tin rằng việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi cũng có ý nghĩa như việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.”

    Ban đầu, Nhật Bản chỉ triển khai trên quy mô nhỏ ở một số địa phương và tập trung chủ yếu ở các đối tượng có bệnh lý nền hoặc có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng nếu mắc COVID-19.

    Bên cạnh đó, để tránh tạo ra áp lực lên các em và gây ra tình trạng phân biệt đối xử giữa những người đã tiêm và chưa tiêm, MHLW khuyến nghị không tiêm chủng đại trà ở các trường học. Sau đó, vào đầu tháng 3/2022, Nhật Bản mới triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi trên diện rộng.

    Mỹ là quốc gia gần đây nhất quyết định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi. Vào trung tuần tháng 6/2022 Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phê duyệt vaccine Pfizer, Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Đây cũng là quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vaccine công nghệ mRNA cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

    Cụ thể, ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC phê duyệt vaccine mRNA về độ an toàn, tính hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19. Sau khi được FDA "bật đèn xanh," Chính phủ Mỹ đã bắt đầu phân phối hàng triệu liều vaccine cho trẻ em trên khắp đất nước.

    Theo kế hoạch của CDC, Chính phủ Mỹ đã đặt hàng 10 triệu liều vaccine của các hãng Moderna, Pfizer. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 21/6. Trong đợt tiêm này, thay vì tiêm chủng hàng loạt ở các phòng khám lưu động như trong những đợt dịch, phụ huynh sẽ đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi hoặc bác sĩ gia đình để tiêm cho trẻ.

    Tin vui từ Australia

    Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Monash của Australia vừa hoàn thành công trình nghiên cứu về nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 ở thanh, thiếu niên, với kết luận: Nguy cơ là rất nhỏ và lợi ích của tiêm chủng đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro khi không tiêm vaccine.

    Công trình nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Australia ngày 8/8 và được thực hiện dựa trên kết quả theo dõi 33 thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18. Những em này đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Monash với các triệu chứng điển hình của bệnh viêm cơ tim sau khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

    Chủ nhiệm nghiên cứu Suraj Varma, bác sĩ tim mạch nhi tại Bệnh viện Tim Monash và Bệnh viện Nhi đồng Monash, cho biết, đây là nghiên cứu lớn nhất về vấn đề trẻ em bị viêm cơ tim liên quan đến vaccine mà một bệnh viện nhi thực hiện. Varma và nhóm của cô cho biết, tất cả các bệnh nhân đều bình phục chỉ sau hơn 2 ngày.

    Cụ thể, nghiên cứu chỉ rằng viêm cơ tim do vaccine phòng OVID-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA khiến người bệnh có biểu hiện lâm sàng nhẹ, tự khỏi và trái ngược với các biến chứng và di chứng lâu dài liên quan đến COVID-19 đã được công bố, như hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và các dạng viêm cơ tim khác.

    Một nghiên cứu riêng biệt về các trường hợp bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA và được công bố trên tạp chí Nature Reviews Cardiology hồi tháng 12/2021, ước tính rằng chưa đầy 0,005% số người tiêm vaccine gặp phản ứng phụ này. Tỷ lệ mắc bệnh ở thanh niên dưới 35 tuổi cao hơn một chút so với mọi lứa tuổi.

    Nghiên cứu của Monash cho thấy, ngay cả trong trường hợp bị viêm cơ tim nghiêm trọng hoặc ở mức độ vừa phải thì người bệnh cũng tự khỏi.

    Bên cạnh đó, trước đây Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo rằng vaccine phòng COVID-19 và các vaccine khác nên tiêm cách nhau ít nhất 14 ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, CDC Mỹ đưa ra khuyến cáo mới nhất là có thể tiêm cùng thời điểm và tiêm ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.

    Như vậy, trẻ vừa tiêm vaccine khác có thể được tiêm ngay vaccine phòng COVID-19. Ngược lại, những trẻ mới tiêm vaccine phòng COVID-19 nên đợi ít nhất 14 ngày sau thì mới tiêm các vaccine khác. Mục đích là để tập trung theo dõi các tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, trẻ có thể được tiêm vaccine khác mà không chờ đến 14 ngày nếu việc tiêm là rất cần thiết./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/vaccine-phong-covid19-tam-khien-an-toan-trong-phong-chong-dich/810085.vnp


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ