Cựu Tổng Giám đốc IMF kêu gọi giải quyết bất trắc mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt
Cựu Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: ndtv)
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP của Pháp, bà Lagarde cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp với nhau để tìm cách giảm các nguy cơ bị tổn hại và giải quyết bất trắc mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Bà chỉ trích về những tổn thương do con người tự gây ra, trong đó nhấn mạnh những vấn đề như Brexit và mâu thuẫn thương mại "là do con người gây ra và chỉ con người mới giải quyết được."
Theo bà Lagarde, các ngân hàng trung ương đã rất cố gắng để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính không diễn biến tồi tệ hơn, nhưng giới chức hoạch định chính sách của các chính phủ cần mạnh tay hơn.
Bà Lagarde là lãnh đạo nữ đầu tiên của IMF và dự kiến sẽ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối năm nay.
Nhận định trên của bà được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng ngày nhận định các căng thẳng thương mại trên thế giới đang hủy hoại tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã hủy hoại đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đúng lúc đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm dần.
Theo đó, OECD giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, từ mức dự báo trước đó là 3,2% xuống còn 2,9%.
Bà Lagarde cho biết trên cương vị mới ở ECB, bà sẽ tập trung tạo công ăn việc làm mới và tăng cường sự ổn định.
Bà Lagarde sẽ đảm nhận cương vị mới lãnh đạo ECB trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những động thái cứng rắn đối với Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm buộc ngân hàng này cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Trump cũng chỉ trích Chủ tịch ECB sắp mãn nhiệm Mario Draghi tìm cách làm yếu đồng euro để giành lợi thế thương mại một cách không công bằng. Ông Draghi bác bỏ cáo buộc này.
Ở châu Âu, ông Draghi cũng bị chỉ trích vì chính sách cắt giảm lãi suất. Về việc này, theo bà Lagarde, kinh nghiệm cho thấy các trường hợp chính khách can dự vào sự độc lập của ngân hàng trung ương "không đem lại kết quả tốt."
Bà nhấn mạnh: "Đã có quá đủ bất trắc khắp thế giới, không cần thêm một bất trắc nữa đối với một lãnh đạo ngân hàng trung ương".
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/cuu-tong-giam-doc-imf-tang-truong-toan-cau-mong-manh-va-bi-de-doa/596285.vnp