Cuộc chiến của 190 nghị sĩ Hàn Quốc để dỡ thiết quân luật
Khoảng 22h30 đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ xuất hiện trên truyền hình, thông báo thiết quân luật từ 23h để "bảo vệ trật tự tự do và hợp hiến", cáo buộc phe đối lập lợi dụng tiến trình quốc hội để đẩy đất nước vào khủng hoảng.
Lệnh thiết quân luật của Tổng thống khiến người dân, các quan chức Hàn Quốc, thậm chí là đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, sửng sốt vì nó dường như không tuân thủ quy trình dân chủ nào, và cũng không được ông Yoon giải thích thỏa đáng.
Coi đây là một động thái có thể đe dọa đến nền dân chủ, hàng loạt nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập và cả đảng PPP cầm quyền đều lên tiếng chỉ trích, đồng thời khởi động tiến trình đấu tranh tại nghị trường để dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.
Theo quy định trong hiến pháp, sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo lập tức cho quốc hội. Nếu đa số nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc phải tuân thủ.
Họ tìm cách tập trung tại nhà quốc hội tại đường Yeouido, quận Yeongdeungpo, thủ đô Seoul để tổ chức phiên họp và bỏ phiếu theo lời kêu gọi từ Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik nhằm đảo ngược tình hình.
Cùng lúc, giới chức Hàn Quốc cũng triển khai cảnh sát, binh sĩ đến nhà quốc hội để thực hiện quy định "cấm mọi hoạt động chính trị", ngăn cản các nghị sĩ hội họp giữa thiết quân luật, dẫn đến cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai bên.
"Người dân xin hãy đến tòa nhà quốc hội", lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung phát lời kêu gọi.
Thành viên đảng Dân chủ đối lập dùng ghế chặn lối vào tòa nhà quốc hội Hàn Quốc ngày 4/12. Ảnh: AFP
Quang cảnh tại quốc hội Hàn Quốc trở nên hỗn loạn. Bên ngoài cổng chính, cảnh sát tìm cách chặn những người muốn vào trong tòa nhà, dẫn đến xô xát. "Chúng tôi là thành viên quốc hội. Tại sao chúng tôi không thể vào trong? Tại sao các anh lại chặn chúng tôi", các nghị sĩ nói.
Những người dân tập trung tại đó hô "mở cổng", "bỏ thiết quân luật", "mở cửa quốc hội cho người dân". Trước sức ép, cảnh sát chấp thuận "chỉ cho các nghị sĩ và nhân viên quốc hội vào trong" sau khi họ xuất trình được giấy tờ hợp lệ.
Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik vào được bên trong tòa nhà lúc 23h14. Khoảng 23h20, các phóng viên cũng được phép vào trong để đưa tin. Theo Chosun Ilbo, việc Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật quá bất ngờ đã phần nào khiến cảnh sát bối rối về nhiệm vụ của họ, giúp các nghị sĩ có thể vào được bên trong.
Đến 23h45, lực lượng an ninh được tăng cường quanh nhà quốc hội và phong tỏa mọi lối ra vào, đóng chặt các cổng để ngăn người dân và nghị sĩ tiếp tục vào bên trong.
Một số nghị sĩ bắt đầu trèo qua hàng rào để vào trong. Ông Lee Jae-myung còn phát trực tiếp hành động này của mình trên kênh YouTube cá nhân.
"Các binh sĩ, súng, gươm và sức mạnh các bạn đang nắm giữ đều là từ người dân. Người dân là chủ nhân của đất nước này. Họ là bên mà các bạn phải phục vụ, không phải Tổng thống Yoon", ông Lee Jae-myung kêu gọi.
Nhân viên, trợ lý chặn cửa vào phòng họp của quốc hội Hàn Quốc ngày 4/12. Ảnh: Yonhap
5 trực thăng bay tới tòa nhà quốc hội, đưa theo các binh sĩ đặc nhiệm đổ bộ xuống đây lúc 23h47. Các xe buýt có dòng chữ "cảnh sát" và "lục quân Hàn Quốc" cũng xuất hiện trên các tuyến đường quanh khu vực.
Không phải nghị sĩ nào cũng tìm được đường vào bên trong, khi cảnh sát và binh sĩ tăng cường kiểm soát an ninh. Nghị sĩ đối lập Lee Jun-seok bị các cảnh sát chặn lại ở tất cả lối vào, khiến ông phải đứng ngoài.
"Các anh đang cản trở một nghị sĩ thi hành công vụ", ông Lee hét lớn trước mặt nhóm cảnh sát, nhưng vẫn không thể vào trong.
Đến nửa đêm, số nghị sĩ tìm được cách vượt qua hàng rào an ninh để có mặt tại nhà quốc hội đã vượt 150 người, đáp ứng mức quá bán cần thiết để có thể tổ chức phiên họp và bỏ phiếu về nghị quyết gỡ thiết quân luật. Quốc hội Hàn Quốc có 300 ghế, trong đó đảng Dân chủ đối lập kiểm soát 170 ghế, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền chỉ có 105 ghế.
Để có thể tổ chức phiên họp, các nghị sĩ quyết định chặn mọi cửa ra vào nghị trường, gia cố bằng bàn ghế từ bên trong. Trong lúc đó, trực thăng quân đội tiếp tục đổ quân xuống khuôn viên tòa nhà. Hình ảnh quân phục cho thấy họ là Đơn vị đặc nhiệm 707 tinh nhuệ.
Lính đặc nhiệm tìm cách xông vào tòa nhà lúc 0h27. Một số mang súng có gắn băng đạn, số khác thì không. Họ đụng độ với các trợ lý nghị sĩ, nhân viên quốc hội đang dàn hàng đứng gác tại cửa chính và bị đẩy ra ngoài.An Gwi-ryeong, nữ phát ngôn viên đảng Dân chủ, đã tìm cách đoạt khẩu súng trong tay một binh sĩ, khiến đụng độ nổ ra trong khoảng 10 giây. Khi An buông tay, binh sĩ này đã chĩa khẩu súng trường vào cô. "Các anh không thấy hổ thẹn à", An hét lên.
Nữ trợ lý này sau đó cho biết cô không còn lựa chọn nào khác ngoài ngăn binh sĩ tiến vào bên trong nghị trường, bởi đó là lúc dự thảo nghị quyết ngăn thiết quân luật đang được đệ trình để bỏ phiếu.
"Lúc đó tôi cũng lo sợ cho tính mạng của mình", An kể. "Nhưng tôi phải ngăn họ lại bằng mọi giá, phải không để những binh sĩ vũ trang tận răng đó đặt được chân vào phòng họp".
Phiên họp quốc hội bắt đầu lúc 0h48. Nhận thấy không thể vào bằng cửa chính, đặc nhiệm Hàn Quốc phá cửa sổ và tiến vào tầng hai, nơi có hội trường. Họ ném hơi cay để mở đường tới phòng họp chính, nơi nhóm trợ lý nghị sĩ thứ hai đang bảo vệ.
Một số lính đặc nhiệm đã chĩa súng vào các trợ lý nghị sĩ, nhưng họ tỏ ra không sợ hãi và tiếp tục chất bàn ghế lên chặn cửa. "Về nhà đi, lũ khốn", một trợ lý hô lớn. Một số lấy bình cứu hỏa xịt vào các binh sĩ.
Các binh sĩ còn tản ra kiểm tra bên trong quốc hội. Cho Seung-rae, phát ngôn viên đảng Dân chủ, nói với Dong A rằng hình ảnh từ camera an ninh trong tòa nhà cho thấy nhóm đặc nhiệm dường như muốn tìm bắt Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik, lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung và ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân.
Nhận thấy binh sĩ đang xuất hiện ngày càng nhiều bên ngoài, các nghị sĩ trong hội trường kêu gọi Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik nhanh chóng bỏ phiếu. "Chúng ta đã có kế hoạch, hãy tuân thủ đúng quy trình", ông Woo Won-shik trấn an.
Khoảng 1h, dự thảo nghị quyết bác bỏ thiết quân luật được thông qua với sự ủng hộ của toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt. Tiếng vỗ tay và reo mừng vang lên khắp hội trường.
"Quyết định ban thiết quân luật đã bị vô hiệu", ông Woo Won-shik thông báo khi gõ búa kết thúc phiên bỏ phiếu. "Tôi kêu gọi cảnh sát và quân đội lập tức rời quốc hội, trở về vị trí của mình. Tôi hy vọng người dân có thể yên tâm".
Theo luật, Tổng thống phải tuân thủ nghị quyết quốc hội. Sau thông điệp của ông Woo, các binh sĩ bắt đầu lên trực thăng và ôtô rời đi. Trong khi đó, nhân viên và trợ lý quốc hội vẫn chặn cửa vào phòng họp của cơ quan.
Quân đội cố gắng tiến vào hội trường chính của quốc hội ở Seoul ngày 3/12 sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Ảnh: AFP
Binh sĩ rút hết khỏi tòa nhà quốc hội lúc 2h sáng 4/12, để lại phía sau cảnh tượng tan hoang với nhiều cửa kính bị đập vỡ, đồ đạc bị phá hỏng trong nghị trường, nhưng không một tiếng súng nào vang lên trong cuộc đối đầu.
Đến 4h30 ngày 4/12, Tổng thống Yoon thông báo chấp nhận gỡ thiết quân luật, kết thúc 6 giờ rối ren tại Hàn Quốc.
"Tôi đã tức giận đến mức không thể chợp mắt cả đêm qua", Kim Min-ho, một người dân 50 tuổi, nói khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Yoon bên ngoài tòa nhà quốc hội.
6 đảng đối lập Hàn Quốc, trong đó có đảng Dân chủ đang nắm đa số tại quốc hội, sáng nay cho biết đã nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống, với chữ ký của 191 nghị sĩ. Liên minh đối lập dự kiến công bố đề xuất trong phiên họp quốc hội Hàn Quốc ngày 5/12 và đưa ra bỏ phiếu ngày 6/12, cáo buộc ông Yoon "chủ mưu hành động sai phạm trong quản lý nhà nước, có tính chất phản quốc".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày khẳng định lệnh thiết quân luật do ông Yoon ban bố là "có lý do chính đáng và nằm trong khuôn khổ hiến pháp", đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng lực lượng thiết quân luật đã ngăn cản các nghị sĩ đến tòa nhà quốc hội.
Dù vậy, Chủ tịch đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền Han Dong-hoon đã kêu gọi Tổng thống lập tức sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người đã đề xuất ban bố thiết quân luật. Ông cảnh báo mọi quan chức chính phủ liên quan cuộc khủng hoảng sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng bản thân Tổng thống phải đưa ra lời giải thích chi tiết về sự việc.
"Làm sao một sự việc như vậy có thể xảy ra trong thế kỷ 21", Park Su-hyung, 39 tuổi, nói với AFP khi tham gia cuộc biểu tình nhằm "bảo vệ nền dân chủ".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-cua-190-nghi-si-han-quoc-de-do-thiet-quan-luat-4823517.html