COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế toàn cầu
Chính cú sốc mang tính hệ thống do đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số vốn đã diễn ra nhanh. Khi đại dịch qua đi, một vấn đề được đặt ra là phải chuyển đổi số để xây dựng một thế giới bao trùm hơn, trong lúc vẫn luôn tồn tại những khoảng cách số.
Cú sốc COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã củng cố hơn nữa vị thế của một số doanh nghiệp có hoạt động trực tuyến, trong khi khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động qua các cửa hàng gặp khó khăn. Điều này cho thấy các doanh nghiệp và người tiêu dùng phụ thuộc nhiều hơn vào các nền tảng và các dịch vụ kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch.
Khi các chính phủ nỗ lực ngăn chặn dịch và giảm thiểu tác động về kinh tế, các công nghệ kỹ thuật số và các mô hình kinh doanh mới đã cho phép nhiều doanh nghiệp duy trì được hoạt động và có thể đẩy mạnh việc chuyển đổi hướng tới một tương lai kỹ thuật số.
Hồi tháng 4/2020, các bộ trưởng phụ trách kinh tế số của các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tiến hành cuộc họp trực tuyến bất thường để thảo luận về vai trò hỗ trợ của các công nghệ và chính sách về kỹ thuật số trong việc ứng phó với đại dịch và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tại cuộc họp này và cuộc họp sau đó vào tháng Sáu, các bộ trưởng đã nhất trí rằng kết nối và các công nghệ kỹ thuật số đã đóng một vai trò quyết định trong việc ứng phó và phục hồi sau cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm và can thiệp về chính sách của các nước.
Theo tổ chức nghiên cứu BloombergNEF (BNEF), Hàn Quốc, Singapore và Đức là những nước đứng đầu trong bảng xếp hạng về chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp năm 2020.
Các nước dẫn đầu trong danh sách chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Âu, với mỗi khu vực có bốn nước trong tốp 10. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ năm và Mỹ đứng ở vị trí thứ bảy. Kể từ lần đánh giá đầu tiên của BNEF vào tháng 7/2019, 21 quốc gia đã triển khai các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và 4 nước đã số hóa các sáng kiến sản xuất.
Hàn Quốc là nước đứng đầu danh sách, từ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng năm 2019. Sự thăng hạng này là nhờ những đổi mới chính sách như chiến lược AI quốc gia với việc xem số hóa và công nghệ xanh là những ưu tiên hàng đầu.
Xếp hạng hàng năm của BNEF nêu tên những quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số và phát triển công nghệ, dựa trên chính sách, công nghệ, đầu tư, mức độ giáo dục và nhiều yếu tố khác.
Số hóa đã trở thành trụ cột chính trong chính sách của chính phủ khi các quốc gia trên toàn cầu nỗ lực chống đỡ cho nền kinh tế chịu tác động của đại dịch. Chiến lược số của chính phủ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp và năng lực trong các công nghệ chủ chốt như AI và Internet Vạn vật (IoT).
AI vẫn là ưu tiên cao nhất về công nghệ khi các nước chạy đua để trở thành những quốc gia đi đầu. BNEF ghi nhận 21 nước đã thông qua các chiến lược AI quốc gia kể từ sau báo cáo năm 2019. Thêm một số nước Nam Mỹ và châu Phi dự kiến sẽ khởi động các chính sách AI trong năm 2020, nhưng tiến triển này đã gặp trở ngại do dịch.
Đại dịch đã khiến các sáng kiến công nghệ của các nước gia tăng. Pháp, Đức và các nước khác đã cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây của châu Âu, cạnh tranh với sự thống lĩnh của các tập đoàn công nghệ của Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản cũng hỗ trợ để các nhà sản xuất hàng hóa có giá trị cao chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Hàn Quốc đang cam kết phát triển chip AI.
Cạnh tranh sản xuất vẫn là ưu tiên của các chính sách kỹ thuật số ngành công nghiệp toàn cầu, với 14 quốc gia đã thông báo các sáng kiến số hóa sản xuất kể từ mùa Hè năm 2019. Nhiều chính phủ (14 kể từ báo cáo năm 2019) cũng đang số hóa các lĩnh vực điện, khai khoáng, nông nghiệp và dầu mỏ, với các chính sách và sáng kiến.
Chuyển đổi số để xây dựng một thế giới bao trùm hậu đại dịch
Theo ông Angel Gurria, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), điều ngày càng trở nên rõ ràng là cú sốc mang tính hệ thống do đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số vốn đã diễn ra nhanh. Các công nghệ kỹ thuật số đã cho phép các nền kinh tế tránh bị ngưng trệ hoàn toàn, khi hàng tỷ người phải làm việc hoặc học tập từ xa. Không phải là điều đáng ngạc nhiên khi một số nước có lượng truy cập Internet tăng 60% kể từ khi dịch bùng phát.
Nhiều chính phủ đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh. Trong khi các ứng dụng và kỹ thuật sinh trắc học đã góp phần truy vết sự lây lan của dịch, vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân cũng được đặt ra.
Các chính phủ phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng bảo mật dữ liệu phải được đặt ra trong các hệ thống mặc định và thông tin cá nhân chỉ được sử dụng khi cần thu thập thông tin.
Không phải mọi công việc đều có thể được thực hiện từ xa, không phải mọi cá nhân hay doanh nghiệp đều được trang bị các phương tiện và kỹ năng để sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Khoảng cách số vẫn tồn tại do sự khác biệt về địa lý, giới, thu nhập và kỹ năng.
Để giải quyết những thách thức đó, các chính phủ có một cơ hội duy nhất là cùng với xã hội dân sự, doanh nghiệp, nghiệp đoàn, cộng đồng kỹ thuật và những thành phần có liên quan khác hướng tới một sự phục hồi nhờ các công cụ kỹ thuật số, với khả năng gia tăng tính bao trùm và sức chống đỡ của nền kinh tế và lấy sự thịnh vượng của con người làm cốt lõi.
Đây là thời điểm thích hợp nhất để thu hẹp khoảng cách số, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kỹ năng, kết nối tất cả, nhờ đó mọi người, bất kể giới, tuổi tác hay chủng tộc, có thể được hưởng lợi từ những cơ hội mà các công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại.
Các chính phủ cũng cần cải thiện việc tiếp cận và chia sẻ dữ liệu cả trong và ngoài nước thông qua việc giải quyết các vấn đề về an ninh số, bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân, và đảm bảo rằng các hệ thống AI được thiết lập theo một cách tuân thủ quy định pháp luật, quyền con người, sự đa dạng, và đảm bảo công bằng xã hội như được nêu trong các nguyên tắc về AI mà OECD đặt ra.
Điều quan trọng là cần chuyển đổi số dựa trên những thay đổi hành vi do đại dịch như làm việc từ xa nhiều hơn và biến chuyển đổi số thành động lực cho sự phát triển bền vững hơn.
Các nước có thể cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nhờ chuyển đổi số, bao trùm hơn, bền vững hơn và mạnh mẽ hơn, để ứng phó được với các cú sốc mang tính hệ thống trong tương lai.
Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế, giá trị kinh tế của chuyển đổi số là trên 20.000 tỷ USD, tương đương trên 20% GDP toàn cầu, với đầu tư trực tiếp 8.200 tỷ USD, khi các tổ chức và các ngành công nghiệp chuyển đổi để cạnh cạnh trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo Statista, trong giai đoạn 2020-2023, đầu tư trực tiếp cho chuyển đổi số ước đạt tổng 6.800 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, số tiền được chi cho các công nghệ và dịch vụ cho việc chuyển đổi số trên toàn cầu dự kiến đạt 2.300 tỷ USD. Khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới việc trở thành một nền kinh tế số, khi 65% GDP toàn cầu được dự báo sẽ được số hóa vào năm 2022.
Chương trình Các chiến lược chuyển đổi số trên toàn cầu tập trung vào cách thức các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức ra quyết định bằng công nghệ, với tốc độ, quy mô, tạo ra các hoạt động bền vững trong nền kinh tế số, cùng với những thách thức mà các doanh nghiệp đối mặt trong quá trình chuyển đổi./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-toan-cau-huong-toi-mot-tuong-lai-ky-thuat-so-hau-dai-dich/697224.vnp