Con đường Brexit của nước Anh vẫn chìm trong “màn sương mù” không rõ lối đi

18:01' 27-05-2019
Sau gần 3 năm vất vả ngược xuôi, đối mặt với hết vách đá cheo leo” này sang vách đá cheo leo khác, ước nguyện của Thủ tướng Theresa May dẫn dắt nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã phải bỏ dở khi bà tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6, mở đường cho một cuộc chạy đua vào ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là chủ nhân của nhà số 10 phố Downing.


    Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới, tại London ngày 24/5/2019.
    Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới, tại London ngày 24/5/2019.

    Dẫu quyết định của bà May đã được báo trước, song cái cảnh “người đàn bà thép” thứ hai của nước Anh tuyên bố ra đi trong nghẹn ngào cũng phần nào gợi lên một sự cay đắng và bất lực, bởi những nỗ lưc không mệt mỏi của bà May chỉ đổi lại bằng những cái lắc đầu bất hợp tác từ cả đối thủ lẫn đồng minh.

    Vậy là tiến trình Brexit ngổn ngang của nước Anh lại đứng trước khúc ngoặt mới với nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Mặc dù lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, và cũng là tân thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May, được cho nhất định sẽ giữ đúng cam kết đưa nước Anh rời EU, tuy nhiên con đường này hoàn toàn vẫn chìm trong “màn sương mù” không rõ lối.

    Tính đến ngày 26/5, đã có 8 nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố tham gia tranh cử ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ, người đồng thời sẽ làm Thủ tướng Anh. Trên thực tế, không một nghị sĩ nào ra tranh cử để thay thế bà May lại muốn đảo ngược quyết định Brexit hay tiến hành trưng cầu dân ý lần hai.

    Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và cựu Bộ trưởng đàm phán Brexit Dominic Rabb là hai ứng cử viên hàng đầu đều nói họ sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 10 năm nay bất kể là có thỏa thuận hay không. Hai quan chức này đặt mình vào phe những người có quan điểm Brexit bằng mọi giá trong cuộc chạy đua ngôi vị lãnh đạo đảng. Ông Raab thậm chí còn cho rằng mình có thể sẽ phớt lờ ý nguyện của Hạ viện để thực hiện Brexit.

    Trái lại, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, ứng cử viên sáng giá khác thì mô tả mình là một người ủng hộ việc Anh rời EU, nhưng sẵn sàng thỏa hiệp về thỏa thuận này nhằm kéo đảng Bảo thủ xích lại đoàn kết với nhau. Ông Gove cũng giống như hầu hết các ứng cử viên khác trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, nói ông vẫn giữ Brexit không thỏa thuận là một lựa chọn đặt trên bàn đàm phán với EU, nhưng không coi thời gian 31/10 là thời hạn bắt buộc phải rời EU.

    Trong khi đó, bà Andrea Leadsom, người từng đứng đầu phe đảng Bảo thủ tại Hạ viện, có cùng quan điểm với hai ông Rabb và Johnson về việc nhất định Anh sẽ rời EU vào 31/10.

    Trong khi đó, một ứng cử viên nữ khác là cựu Bộ trưởng Esther McVey, người được cho là cứng rắn nhất trong số các ứng cử viên, thẳng thừng tuyên bố bà muốn Anh dứt khoát hoàn toàn không dính dáng gì tới EU, do vậy sẽ là Brexit không thỏa thuận và cũng không cần thiết phải đàm phán lại với EU về thỏa thuận rút khỏi.

    Ứng cử viên Jeremy Hunt, Ngoại trưởng Anh cho biết ông sẽ giữ Brexit không thỏa thuận như một lựa chọn trong khi sẽ dùng kinh nghiệm thương mại của mình để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn cho Anh.

    Chỉ có ứng cử viên Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock là chính thức lên tiếng sẽ không theo đuổi một Brexit không thỏa thuận và nhấn mạnh họ ủng hộ việc đàm phán tìm kiếm thỏa hiệp chung. Ông Hancock cho rằng người kế nhiệm bà May phải là người "cực kỳ thẳng thắn trung thực" đối với vấn đề "mặc cả đổi chác" để thỏa thuận này được thông qua tại Hạ viện. Ông Stewart thì tuyên bố Brexit không thỏa thuận sẽ không thể thực hiện được, là không cần thiết và sẽ gây thiệt hại cho nước Anh.

    Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (thứ 3 trái - trên) và các ứng cử viên có thể thay thế Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

    Liệu một người lãnh đạo mới có cơ hội đạt được thỏa thuận Brexit tại Hạ viện hơn bà May không? Câu trả lời là có lẽ là có. Lãnh đạo mới của nước Anh sẽ chắc chắn bị EU phản đối nếu như người này muốn mở lại thỏa thuận rút khỏi của Anh, trong đó có cả việc đàm phán lại về cái gọi là giải pháp "chốt chặn" nhằm ngăn chặn không để xảy ra một đường biên giới cứng trên đảo Ireland. Biện pháp cuối cùng này đã bị đa số những nghị sĩ Bảo thủ theo phái hoài nghi châu Âu phản đối vì lo ngại sẽ khiến Anh bị kẹt trong bẫy liên minh thuế quan với EU.

    Cho đến nay, EU khăng khăng sẽ không có chuyện xem xét sửa đổi lại bản thỏa thuận đã ký với bà May. Ngay sau khi Thủ tướng May tuyên bố từ chức, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã lên tiếng "thỏa thuận rút khỏi sẽ không mở ra và bàn lại nữa - không thể đàm phán lại nữa". Tuy nhiên, thủ tướng mới của Anh có thể tuyên bố "chiến thắng" sau khi đàm phán lại về phần không phải là chính yếu trong thỏa thuận của bà May: đó là tuyên bố chính trị không ràng buộc, vốn dùng làm khuôn khổ cho quan hệ thương mại Anh - EU trong tương lai. Các nhà lãnh đạo EU và Ủy ban châu Âu đều nhiều lần nhấn mạnh họ sẵn sàng xem xét sửa lại phần này của thỏa thuận.

    Liệu sự nghiệp chính trị tiêu tan của Thủ tướng May có làm gia tăng cơ hội Brexit không thỏa thuận? Hiện nay chỉ có 2/8 nghị sĩ ra ứng cử là nghiêng về lựa chọn Brexit không thỏa thuận. Đa số các ứng cử viên đều để ngỏ khả năng Brexit không thỏa thuận chỉ nhằm có sức mạnh hơn khi mặc cả với EU, chứ thực sự họ hiểu khó mà có chuyện Brexit không thỏa thuận xảy ra.

    Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ngày 26/5 đã cảnh báo những ứng cử viên đăng ký chạy đua ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ rằng họ sẽ không thể tại vị lâu trên cương vị thủ tướng nếu theo đuổi đường lối Brexit không thỏa thuận, ngụ ý ông và các đảng viên trong đảng Bảo thủ khác có thể chuẩn bị tình huống bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận xảy ra.

    Mối lo ngại về hàn gắn những chia rẽ sâu sắc, tìm kiếm sự đoàn kết tạo ra sức mạnh mới cho đảng Bảo thủ cũng là câu hỏi bỏ ngỏ. Những gì xảy ra trong 3 năm qua khiến không ai tin bất cứ chính trị gia Anh nào khi những người này nói "chắc chắn". Các nghị sĩ sẽ kỳ vọng các ứng cử viên đưa ra được những kế hoạch đàm phán với EU hơn là chỉ đơn giản mỗi việc có hay không rời EU không thỏa thuận.

    Ngoài ra, vấn đề liệu Anh có tiếp tục đề xuất lùi lại thời điểm rời EU sau ngày 31/10 hay không, còn tùy thuộc vào ai là thủ tướng mới của nước Anh. Tuy nhiên, khả năng này là không cao vì phía EU, đặc biệt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai tuyên bố không ủng hộ việc tiếp tục gia hạn thêm cho Anh vì điều này sẽ có tác động xấu đến lợi ích của cả EU và Anh đứng trên góc độ kinh doanh thương mại.

    Hiện nay, người đang nổi lên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào chức chủ tịch đảng Bảo thủ là ông Boris Johnson. Đảng Bảo thủ đang phải cân nhắc 3 câu hỏi lớn về ông Johnson, đó là liệu ông có thực sự đàm phán được một thỏa thuận Brexit tốt hơn so với thỏa thuận của bà May hay không. Thứ hai, liệu ông Johnson có thể điều hành được chính phủ với tính cách thất thường của mình không, và ông có khả năng kết nối các vùng của Anh khi mối liên kết với Scotland đang bị lỏng dần.

    Các cuộc vận động tranh cử ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ chính thức khởi động sau ngày 7/6 và sẽ phải qua vòng chọn lựa của các nghị sĩ Bảo thủ, nên sẽ có nhiều kịch tính xuất hiện trên sân khấu chính trị Anh từ nay đến cuối tháng 7.

    Một thách thức đang chờ đợi đảng Bảo thủ là nếu việc chia rẽ nước Anh tiếp tục xảy ra thì nguy cơ lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn có thể bước vào số 10 phố Downing là điều có thực. Đây cũng sẽ là yếu tố đáng để đảng Bảo thủ phải cân nhắc khi đưa ra lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng May.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2545361


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ