Cô giáo phố núi Sơn La bên ngôi nhà ngập tràn sắc màu hoa cúc
Vốn là một người yêu hoa nên ngôi nhà của chị Phạm Phương (49 tuổi) luôn ngập tràn sắc hoa. Mỗi mùa phù hợp với một loại hoa khác nhau nên ngôi nhà của chị cũng rực rỡ, thay đổi hương sắc theo mùa.
Vào mùa thu đông, thời tiết lành lạnh là lúc các loại hoa cúc đủ điều kiện phát triển và nở rộ nên chị Phương dành chọn khoảng ban công và sân nhà để trồng loài hoa nhiều người yêu thích này.
Chị Phương hiện tại đang dạy ở một trường trung học cơ sở cách nhà mình 32km. Vì đặc thù công việc phải đi làm rất sớm và về nhà rất muộn nên chị chọn trồng các loại hoa dễ chăm sóc.
Cô giáo cấp 2 chia sẻ: "Mình bắt đầu trồng hoa cúc từ năm 2018, trước khi trồng cúc, mình đã trồng rất nhiều các loại hoa như lan, hồng, lan huệ… Tuy nhiên, trong các loài hoa ấy, mình dành tình cảm đặc biệt cho cúc vì đây là loài cây dễ chăm sóc, lại sai hoa và rất phong phú về chủng loại".
Ban công trên nóc nhà được chị Phương trồng khá nhiều cúc.
Hiện tại, chị sưu tầm được khoảng 14 loại cúc khác nhau.
Khoảng ban công ngập nắng và hoa.
Chị Phương hiện đang dạy tại một trường trung học cơ sở cách nhà khoảng 32km.
Cây cúc đầu tiên chị trồng đầu năm 2018 là một chậu cúc vàng rủ mua tại một shop hoa tại thành phố Sơn La và một cây cúc long tu xanh được một người bạn trong nhóm lan huệ mang từ Hà Nội lên tặng.
Do nhà chật không có vườn nên chị Phương chủ yếu trồng cúc ở ban công trên mái nhà. Bên cạnh đó, chị còn tận dụng cả nóc bể nước nhà mẹ để trồng cúc. Hiện tại, chị Phương sưu tầm và chăm sóc khoảng 14 loại cúc khác nhau.
Công việc đi sớm về muộn dù rất vất vả nhưng vì yêu hoa nên chị vẫn chọn trồng để có thể ngắm nhìn không gian sống của mình luôn rực rỡ.
Một góc nhỏ đẹp dịu dàng với cúc.
Các loại cúc chị trồng đều sai hoa, phát triển tươi tốt.
Những chùm cúc nở rộ nổi bật cả một góc nhà.
Vì nhà hẹp nên chị Phạm Phương thường tận dụng ban công trên mái và cả khu vực bể nước.
Chị Phương cho biết, cúc là loại cây khá dễ chăm sóc, khi trồng chỉ cần lưu ý trộn giá thể thật tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, tránh úng làm thối rễ cây. Thỉnh thoảng cần nhặt bỏ lá úa, lá sâu để cây được thoáng, đẻ nhiều nhánh và ra nhiều nụ. Khi cây trưởng thành, chị Phương thường pha loãng NPK 13 – 13 – 13 tưới tuần 1 lần.
Những chùm hoa nở rộ khiến không gian sống của chị đẹp lãng mạn hơn. Với cúc, chị Phương không cần chăm nhiều, chỉ cần chú ý một chút đến việc làm đất, tạo nên chất dinh dưỡng tơi xốp và tưới phân khi cây trưởng thành là đủ để sở hữu không gian tuyệt đẹp với hoa.
Theo kinh nghiệm của chị, để có những chậu cúc đẹp, phát triển tốt, sai bông cùng cần chú ý cách chăm sóc phù hợp. Đối với những loại cúc bông nhỏ như cúc tiểu thư, cúc chi rủ, vàng rủ…., khi cây cao khoảng 20cm nên ngắt ngọn lần đầu và nên ngắt ngọn vài lần trước khi cây ra hoa.
Mỗi lần ngắt cách nhau khoảng 2 tuần. Một lưu ý nữa, đó là muốn có những chậu cúc to, tán xum xuê thì nên trồng cúc sớm. Những chậu cúc nhà chị Phương thường được chị trồng trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Trong "khoảng vườn nhỏ" trồng cúc, chị Phương yêu nhất là cúc tiểu thư và cúc Ra bơ. Với chị đây là hai loại cúc thân rủ sâu và rất sai hoa.
Góc nhỏ dịu dàng với chậu cúc đỏ.
Những bông cúc như khuy áo xinh xắn tỏa nắng ở ban công.
Cúc có nhiều chủng loại khác nhau.
Các loại cúc hầu hết đều dễ chăm sóc.
Không gian ban công trên nóc nhà như bức tranh rực rỡ với hàng trăm, hàng nghìn bông cúc rực rỡ khoe sắc.
Hai cây cúc đầu tiên được chị Phương trồng vào năm 2018. Đây cũng là những cây cúc giúp chị thêm yêu loài hoa đặc biệt này, loài hoa dễ chăm sóc, nở nhiều hoa và rất bền màu.
Công việc hàng ngày của chị Phương luôn bận rộn, thêm việc chăm sóc gia đình nhỏ nhưng mỗi sáng thức dậy hay chiều muộn đi làm về, được ngắm nhìn những chậu cúc rủ bông khoe sắc, mọi mệt mỏi, áp lực của cuộc sống đều tan biến. Trồng hoa, trồng cúc luôn mang lại nhiều niềm vui ý nghĩa cho cô giáo phố núi Sơn La.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3000611