Châu Âu nỗ lực đáp ứng cam kết viện trợ Ukraine

02:00' 23-05-2023
Châu Âu giờ đây mới rục rịch tăng cường sản xuất quốc phòng, khiến họ khó nhanh chóng đáp ứng cam kết viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine.


    Sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khép lại chuyến công du loạt nước châu Âu tuần qua, các cam kết viện trợ quân sự mới trị giá hàng tỷ USD mà Ukraine nhận được là minh chứng cho thấy sự ủng hộ của châu lục dành cho Kiev trong xung đột với Moskva.

    Ông Zelensky đã nói rõ trước các chuyến thăm Đức, Pháp và Anh rằng cuộc phản công được mong chờ của Ukraine không thể bắt đầu nếu họ chưa có thêm vũ khí, đạn dược.

    Lính Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga gần thành phố Bakhmut, miền đông nước này. Ảnh: AP

    Lính Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga gần thành phố Bakhmut, miền đông nước này. Ảnh: AP

    Anh sau đó thông báo chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, có thể tăng cường đáng kể khả năng tấn công của Ukraine. Nhưng các chuyên gia cho rằng phần lớn vũ khí mới nhất mà các lãnh đạo châu Âu hứa hẹn khó có thể đến được chiến trường trước khi Kiev mở chiến dịch phản công. Mặt khác, khả năng duy trì hỗ trợ ở quy mô lớn như vậy của châu Âu vẫn chưa rõ ràng.

    Theo giới phân tích, các nước châu Âu đã không hành động đủ nhanh để xoay chuyển chính sách công nghiệp quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine về đạn pháo, xe bọc thép và những loại vũ khí khác.

    Các kho vũ khí thời Liên Xô của Ukraine cũng như nguồn dự trữ khí tài phương Tây đang dần cạn kiệt, làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cho Kiev vào cuối năm nay, điều sẽ cản trở Ukraine tiến hành bất kỳ cuộc phản công nào khác.

    "Châu Âu cần đầu tư cho công nghiệp quốc phòng nếu muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine", Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, nhận xét. "Vấn đề đã trở nên quá rõ ràng từ tháng 4 năm ngoái nhưng họ vẫn không làm gì cả".

    Phương Tây đang ngày càng nhận thức rõ ràng hơn rằng việc hỗ trợ từng phần cho Ukraine là không đủ để giúp Kiev tạo thêm đột phá dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.400 km, nơi Nga đã dành nhiều tháng củng cố phòng tuyến.

    "Lực lượng Nga biết cách rút kinh nghiệm và hiểu rõ rằng cuộc phản công sắp diễn ra", tướng Richard Barrons, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân của quân đội Anh, cho biết. "Chiến dịch phản công sẽ có một số tác động nhất định, nhưng nó không thể đẩy hoàn toàn quân đội Nga ra khỏi Ukraine. Nói cách khác, đây sẽ không phải chiến dịch cuối cùng của Ukraine trong cuộc chiến, nếu họ vẫn muốn tiếp tục".

    Chiến dịch của Nga hồi tháng hai năm ngoái đã gây sốc cho châu Âu, khi lục địa này suốt nhiều thập kỷ qua chỉ tập trung vào phát triển kinh tế và chi tiêu xã hội mà lơ là đầu tư cho quân sự.

    "Các nước châu Âu trong những năm qua đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn có thể xảy ra", Camille Grand, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, viện nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, Đức, bình luận. "Đó không phải cốt lõi trong chính sách của họ và họ đã không dự trữ đủ số đạn dược cho tình huống này".

    Nhân viên tại nhà máy Les Forges de Tarbes ở Tarbes, Pháp, trong quá trình sản xuất đạn cho pháo Caesar đang được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng. Ảnh: AFP

    Nhân viên tại nhà máy Les Forges de Tarbes ở Tarbes, Pháp, đang sản xuất đạn cho pháo Caesar. Ảnh: AFP

    Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết liên minh đang "tích cực phối hợp" nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu hụt kho dự trữ đạn cũng như củng cố cơ sở công nghiệp xuyên Đại Tây Dương.

    "Một số đồng minh, trong đó có Mỹ, Anh, Na Uy và Pháp, đã ký các hợp đồng lớn với ngành công nghiệp quốc phòng, cho phép họ tăng cường năng lực sản xuất", ông nói, song từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng hai cảnh báo Ukraine đang tiêu thụ đạn nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất của các đồng minh và thời gian chờ để có đạn pháo cỡ lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng.

    "Quan trọng tương đương với việc hỗ trợ một chiến dịch phản công thành công là chính sách công nghiệp phù hợp với quy mô cuộc chiến, nhưng chúng ta chưa có điều đó", ông nói. "Điều đáng tiếc là chúng ta đã để lãng phí 13 tháng giao tranh trước khi bắt đầu phát triển công nghiệp quốc phòng".

    Ủy ban châu Âu tháng qua công bố một kế hoạch trị giá hơn 530 triệu USD nhằm thúc đẩy sản xuất các loại đạn pháo Ukraine cần. Giới chuyên gia quân sự nhận định sáng kiến này đánh dấu bước thay đổi quan trọng, nhưng việc triển khai đang diễn ra quá chậm chạp.

    EU đến giờ vẫn chưa công bố bất kỳ bản hợp đồng mới nào và các quốc gia thành viên đang tiếp tục tranh cãi về cách chi tiêu cho một chương trình riêng trị giá hơn một tỷ USD để mua thêm đạn pháo, tên lửa.

    Năm ngoái, quân đội Ukraine khai hỏa 180.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Trước xung đột, Mỹ sản xuất được khoảng 14.500 quả đạn pháo mỗi tháng và sản lượng của EU cũng gần tương tự.

    Nhưng Mỹ đã phản ứng nhanh hơn trước tình trạng cạn kiệt kho dự trữ, thúc đẩy sản xuất trong nước lên 20.000 quả đạn mỗi tháng và mạnh tay đầu tư để tăng sản lượng lên 90.000.

    Nhưng Ukraine hiện vẫn sử dụng 90.000 đến 140.000 quả đạn mỗi tháng, theo Watling, trong khi các khoản đầu tư vào sản xuất đạn dược của EU phải mất từ một đến hai năm mới có thể cho ra sản phẩm.

    "Bạn không cần phải là một nhà phân tích quân sự giỏi mới nhận ra rằng sau 13 tháng chiến sự, các nước châu Âu mới đầu tư lớn vào sản xuất đạn pháo là quá muộn", Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ, cho hay. "Mỹ đã tăng đáng kể năng lực sản xuất, nhưng châu Âu có công suất lớn hơn. Nhiệm vụ của họ là tận dụng ngành công nghiệp quốc phòng sẵn có và đầu tư".

    Dù vậy, một số người cho rằng thông báo về các gói viện trợ mới nhất của châu Âu cho Ukraine vẫn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga rằng họ sẽ ủng hộ Kiev lâu hơn khả năng Moskva kéo dài cuộc chiến.

    "Một cam kết kéo dài nhiều tháng sẽ là bằng chứng cho thấy EU vẫn đoàn kết và viện trợ vẫn tiếp diễn", một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu nói. "Số lượng đạn pháo không quan trọng, quan trọng là nó được duy trì".

    Nga cũng đang nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo dữ liệu được công bố gần đây trên trang web của Bộ Tài chính Nga, Moskva đã chi 26 tỷ USD cho quốc phòng chỉ riêng trong tháng một và tháng hai, tăng 282% so với cùng kỳ năm 2021.

    Bên trong Nhà máy Đạn dược Quân đội Scranton, Mỹ, hồi tháng hai. Ảnh: Washington Post

    Bên trong Nhà máy Đạn dược Lục quân Scranton, Mỹ, hồi tháng hai. Ảnh: Washington Post

    Watling cho biết Nga có thể sản xuất 2,5 triệu quả đạn pháo trong năm nay, tăng từ 1,7 triệu quả trước xung đột.

    Đáp lại tuyên bố từ EU rằng sẽ cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng ba khẳng định Moskva sẽ sản xuất số đạn pháo nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ.

    "Nga có khả năng huy động nền kinh tế để hỗ trợ lực lượng vũ trang và kiểm soát vận mệnh của chính mình theo cách mà Ukraine không thể", tướng Barrons nói. "Điểm yếu lớn nhất của Ukraine là phụ thuộc vào kho dự trữ và công nghiệp quốc phòng phương Tây".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-au-cang-minh-giu-loi-hua-vien-tro-cho-ukraine-4607080.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ