Châu Âu lo ngại Covid-19 sẽ bùng phát vào mùa Đông
Sau khởi đầu nhiều khó khăn, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ở châu Âu đã tăng tốc đáng kể và vượt qua Mỹ, giúp người dân trong khu vực tận hưởng mùa hè tương đối dễ chịu. Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở các nước châu Âu đều có xu hướng giảm, bất chấp sự lây lan của biến chủng Delta.
Tính đến ngày 21/9, số ca tử vong vì Covid-19 trung bình 7 ngày tại Liên minh châu Âu (EU) là khoảng 525 và ở Anh là 140. Trong khi đó vào tháng một, mức đỉnh điểm số ca tử vong hàng ngày ở EU và Anh lần lượt là 3.500 và 1.200, theo số liệu do dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford tổng hợp.
Số ca tử vong vì Covid-19 tại EU đang tương đương khoảng 1,2 trên một triệu dân mỗi ngày và Anh là 2,1. Tại Mỹ, con số này lên tới 6,1. Sự khác biệt phản ánh mức độ phủ vaccine rộng hơn của châu Âu, đặc biệt ở các nhóm người cao tuổi và nguy cơ cao. 27 quốc gia thành viên EU đã tiêm chủng đầy đủ cho 61% trong tổng số 448 triệu dân của khối, trong khi Mỹ mới đạt 55%.
Xét riêng từng nước, tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ tại Pháp, Đức và Italy lần lượt là 67%, 63% và 66%. Anh, quốc gia rời EU năm ngoái, cũng triển khai chiến dịch tiêm chủng thành công với 66% dân số đã được tiêm đầy đủ. Một số nước EU có tỷ lệ tiêm cao hàng đầu thế giới, như Bồ Đào Nha với 82% dân số đã hoàn thành tiêm chủng. Đan Mạch và Tây Ban Nha cũng đã tiêm đủ liệu trình cho hơn 3/4 dân số.
Dù phần lớn dân số đã được tiêm vaccine Covid-19, giới chức châu Âu vẫn thúc đẩy gia tăng tỷ lệ tiêm chủng hơn nữa. Nhiều nước còn bắt đầu triển khai mũi tăng cường cho những người cao tuổi và dễ bị tổn thương trước Covid-19, khắc phục nguy cơ khả năng miễn dịch suy giảm.
Nỗ lực này nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến hệ thống y tế và nền kinh tế, bảo đảm sự bảo vệ tối đa khi mùa đông đến gần. Đây là giai đoạn nhiệt độ xuống thấp và phần lớn người dân tập trung trong nhà, điều kiện khiến virus có thể dễ lây hơn.
Một buổi biểu diễn tại Copenhagen, Đan Mạch, hôm 11/9. Ảnh: Reuters.
Các bác sĩ tại một số khu vực ở châu Âu lo ngại chỉ một đợt bùng phát Covid-19 nhẹ cũng có thể trở thành gánh nặng cho những bệnh viện vốn đang chịu áp lực điều trị những ca bệnh tồn đọng, trong khi đội ngũ nhân viên y tế kiệt quệ vì làm việc quá sức.
Mùa đông còn là thời điểm trỗi dậy của bệnh cúm và các bệnh theo mùa khác, khiến một số chuyên gia lo ngại. "Tôi nghĩ có lẽ mùa đông năm nay sẽ khắc nghiệt hơn một chút. Đây sẽ là phép thử thực sự, giúp lường trước diễn biến của đại dịch về lâu dài sẽ như thế nào", Tom Wingfield, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Liverpool, Anh, nhận định.
Theo giới chuyên gia, nếu mùa đông năm nay không xuất hiện đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nào, đây sẽ là bằng chứng cho thấy cuộc sống có thể tiến gần đến trạng thái bình thường như trước đại dịch nhờ vaccine. Ngược lại, sự bùng phát số ca trở nặng và tử vong sẽ chứng minh virus vẫn có thể tìm thấy khoảng trống tấn công và cần nhiều thời gian hơn để ngăn chặn đại dịch.
Để tăng tỷ lệ tiêm chủng trước khi mùa đông tới, các chính phủ đang sử dụng cả biện pháp thuyết phục và quy định cứng rắn. Tuần trước, Pháp đình chỉ khoảng 3.000 nhân viên trong lĩnh vực y tế vì không tuân thủ yêu cầu bắt buộc tiêm chủng. Nước này cũng chỉ cho phép những người đã tiêm, hoặc có kết quả âm tính với nCoV, được vào quán bar, nhà hàng và trung tâm thương mại kể từ tháng 8.
Từ ngày 15/10 tại Italy, toàn bộ người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân đều cần phải có thẻ xanh Covid để đến nơi làm việc. Hy Lạp vốn đã áp dụng quy định này. Trong khi đó, chính phủ Đức phát động "tuần hành động" hồi giữa tháng để khuyến khích người dân đi tiêm, với khoảng 1.500 điểm tiêm chủng công cộng trên toàn quốc như sở thú và sân vận động, phát bánh mì kẹp thịt miễn phí.
Bên cạnh công tác tiêm chủng, các chính phủ châu Âu cũng duy trì những biện pháp hạn chế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, cùng một số quy định khác. Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn hạn chế tụ tập và yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín.
Tuy nhiên, các biện pháp nhìn chung không quá khắt khe và giới chức đang cân nhắc nới lỏng thêm, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến tích cực. Anh và Đan Mạch thậm chí đã dỡ bỏ hầu như toàn bộ biện pháp hạn chế.
"Tôi có cơ sở hợp lý để lạc quan rằng tình hình tại Italy, và có thể ở hầu hết châu Âu, trong mùa đông năm nay sẽ tốt hơn so với năm ngoái", Dario Manfellott, chủ tịch hiệp hội bác sĩ nội khoa Italy, cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế công cộng nhận định thách thức lớn hơn đối với châu Âu là Covid-19 sẽ không thực sự thoái trào cho đến khi bị đẩy lùi trên toàn thế giới. Những biến chủng mới có thể xuất hiện và tiềm ẩn nguy cơ chống lại khả năng miễn dịch đã được xây dựng cho tới nay.
"Thế giới đã bị chia thành hai nhóm người: được tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Mùa đông năm nay, sự phân chia này sẽ còn rõ ràng hơn", Flemming Konradsen, giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại Đại học Copenhagen của Đan Mạch, cảnh báo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ky-tich-tiem-chung-chau-au-doi-mat-phep-thu-mua-dong-4361241.html