Châu Âu chật vật đối phó Elon Musk

23:15' 15-01-2025
Những đòn công kích liên tục từ tỷ phú Musk và phong trào MAGA đang khiến chính phủ các nước châu Âu chật vật tìm cách đối phó


    Nhiều năm qua, châu Âu đã sát cánh cùng Mỹ trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Nhưng giờ đây, họ phải chống lại sức ép can thiệp từ đồng minh thân cận bên kia bờ Đại Tây Dương, đến từ những nỗ lực can thiệp công khai của tỷ phú công nghệ Elon Musk và phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

    Ngay từ trước khi tái đắc cử, ông Trump đã đưa ra những lời đe dọa, có thể nghiêm túc hoặc không, về việc sáp nhập lãnh thổ của các đồng minh NATO như Canada hay đảo Greenland của Đan Mạch.

    Và Musk, người ủng hộ tài chính lớn nhất cho Tổng thống đắc cử Mỹ, đang sử dụng mạng xã hội X để thúc đẩy vị thế của đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD), đồng thời bôi nhọ các lãnh đạo Công đảng Anh.

    Elon Musk dự lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris hồi tháng 12/2024. Ảnh: AFP

    Elon Musk dự lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris hồi tháng 12/2024. Ảnh: AFP

    Nỗ lực kết nối với phe cực hữu ở châu Âu của Musk diễn ra trong bối cảnh các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở Đức và Pháp, cũng như đã nắm quyền ở một số quốc gia khác trên khắp lục địa.

    Musk, người đã chi 250 triệu USD để hỗ trợ ông Trump tái đắc cử, đang có vị thế ngày càng lớn trong chính trường Mỹ và sẽ là đồng lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ sắp được thành lập. Dù vậy, tỷ phú này không ngần ngại chia sẻ các thông tin thiếu kiểm chứng để công kích đối thủ.

    Musk từng chia sẻ video giả mạo về việc Phó tổng thống Kamala Harris tự mô tả mình là người "được thuê để đảm bảo tính đa dạng sắc tộc" trong chính quyền và "không biết gì về việc điều hành đất nước".

    Ông cũng đang triển khai chiến thuật tương tự ở châu Âu. Tại Anh, ông khơi lại vụ bê bối "băng nhóm gạ gẫm" từng kéo dài hơn một thập kỷ, diễn ra trong thời gian Thủ tướng Keir Starmer, người đứng đầu Công đảng cầm quyền, làm giám đốc cơ quan công tố.

    Đổ thêm dầu vào ngọn lửa do các phương tiện truyền thông cánh hữu khơi lên, Musk chỉ trích Thủ tướng Starmer là người "hoàn toàn đáng khinh", nói rằng ông nên "vào tù".

    Tuần trước, Musk đề nghị 212 triệu người theo dõi mình bỏ phiếu về việc liệu "nước Mỹ có nên giải phóng người dân Anh khỏi chính phủ chuyên chế của họ" hay không.

    Theo truyền thông địa phương, Musk còn đang cân nhắc quyên góp 100 triệu USD cho đảng Cải cách Anh theo đường lối cực hữu, khoản quyên góp chính trị lớn nhất từ trước tới nay của đất nước. Lãnh đạo đảng này, Nigel Farage, một trong những người vận động chính cho phong trào Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), đã gặp ông Trump nhiều lần, gần đây nhất là tại Mar-a-Lago hồi tháng trước.

    "MAGA ghét Starmer", một quan chức giấu tên chuẩn bị nhận vai trò mới trong chính quyền ông Trump, nói.

    Tập đoàn SpaceX của Musk cũng đang đàm phán với chính phủ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người cũng theo đường lối cực hữu, để cung cấp thông tin liên lạc quân sự an toàn thông qua mạng lưới vệ tinh Starlink cũng do ông làm chủ. Tại một cuộc họp báo tuần trước, Meloni mô tả Musk là "một người đàn ông rất giàu có chỉ đang bày tỏ quan điểm cá nhân".

    Elon Musk trao giải thưởng cho Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại bữa tối của Hội đồng Đại Tây Dương ở New York hồi tháng 9/2024. Ảnh: AP

    Elon Musk và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương ở New York hồi tháng 9/2024. Ảnh: AP

    Tại Đức, nơi sẽ tổ chức cuộc bầu cử liên bang vào tháng tới, Musk đang khuyến khích cử tri ủng hộ AfD, đảng cực hữu từ lâu đã bị cơ quan tình báo Đức giám sát vì có liên hệ với chủ nghĩa phát xít mới.

    Trong bài bình luận cho một tờ báo lớn của Đức xuất bản ngày 28/12 năm ngoái, Musk gọi AfD là "tia hy vọng" cuối cùng cho quốc gia châu Âu này. Ông nói Đức "đang bên bờ vực sụp đổ về kinh tế và văn hóa".

    Hôm 9/1, ông phát trực tiếp cuộc trò chuyện dài 75 phút trên mạng xã hội X với Alice Weidel, ứng viên thủ tướng đại diện đảng AfD, tạo cho bà "bàn đạp" như những gì ông đã trao cho ông Trump 5 tháng trước.

    Kể từ khi Musk lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ AfD hồi tháng 12/2024, các bài đăng của Weidel trên X thường xuyên được lan truyền rộng rãi, một phần vì ông đăng lại chúng, cùng với nhiều tài khoản liên quan đến chủ nghĩa tân phát xít đã được khôi phục.

    Các nhà nghiên cứu cho biết những người cực hữu có ảnh hưởng tại Đức đang đăng bài trên X bằng tiếng Anh để thu hút chú ý từ Musk.

    Người Đức sẽ không bỏ phiếu cho AfD chỉ vì một tỷ phú người Mỹ yêu cầu họ làm vậy. Nhưng truyền thông xã hội là công cụ có thể thay đổi dư luận, đủ khả năng đưa những ý tưởng từng bị coi là cực đoan vào xu hướng chính thống theo thời gian, giới quan sát lưu ý.

    Rào cản khiến AfD không nắm được quyền lực dù đã trở thành đảng phổ biến thứ hai tại Đức nằm ở quan điểm cố hữu ở nước này, coi việc hợp tác cùng phe cực hữu là điều cấm kỵ. Ký ức về trùm phát xít Hitler đến nay vẫn duy trì "bức tường lửa" này.

    "Nhưng bức tường lửa giữa AfD và Nhà Trắng đã biến mất và điều đó khiến bức tường lửa của Đức trông thật ngớ ngẩn", đồng lãnh đạo AfD, Tino Chrupalla, nói. "Musk đang bình thường hóa chúng tôi".

    Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng hỗ trợ các quốc gia và đảng phái thân thiện với mình, đồng thời can thiệp vào những nước được coi là đối thủ. Nhưng phong trào MAGA giờ đây dường như cố tình gieo rắc bất hòa trong ngay cả các đồng minh của Mỹ, gây các nước châu Âu rơi vào thế hoang mang.

    "Tôi không thể nhớ trường hợp can thiệp nào tương tự vào chiến dịch bầu cử của một quốc gia thân thiện trong lịch sử các nền dân chủ phương Tây", Friedrich Merz, lãnh đạo và ứng viên thủ tướng đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trung hữu Đức, cho hay.

    Đảng của ông đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò nhưng sẽ cần một đối tác liên minh để thành lập chính phủ.

    Mỹ vẫn là bên bảo đảm an ninh chính, cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu, khiến viễn cảnh về cuộc chiến thuế quan mà ông Trump đã tuyên bố trở thành mối đe dọa mạnh mẽ đối với các nền kinh tế khu vực. Và châu Âu không có công ty công nghệ nào ngang bằng với những công ty đến từ Thung lũng Silicon, trong đó có mạng xã hội X hay công ty SpaceX của Musk.

    Trong bối cảnh đó, những động thái can thiệp công khai của Mỹ khiến châu Âu gặp rất nhiều khó khăn để chống đỡ, giới quan sát đánh giá.

    Các chiến dịch gây ảnh hưởng sẽ phát huy hiệu quả nhất khi chúng khai thác được những bất bình hiện có, khi lòng tin của người châu Âu vào các thể chế đã suy giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19. Cử tri trở nên thù địch hơn về vấn đề nhập cư và lo lắng hơn về chi phí sinh hoạt cũng như tình hình kinh tế. Họ ngày càng bị lấn át bởi cảm giác rằng các lãnh đạo trung dung ở cả cánh tả và cánh hữu đã làm họ thất vọng.

    Hàng triệu người ở châu Âu đang tức giận với giới cầm quyền, Matthew Goodwin, tác giả kiêm nhà bình luận bảo thủ, cho biết.

    "Chúng không phải do ông Trump hay Musk tạo ra", Goodwin nói. "Musk không tạo ra AfD. Việc ông ấy gây chú ý cho AfD khiến họ được hưởng lợi, nhưng động lực cơ bản của việc này bắt nguồn từ những lựa chọn chính sách đã được đưa ra trong thập kỷ qua".

    Theo giới chuyên gia, những đòn công kích của Musk với châu Âu có thể nhằm gây ra hỗn loạn tối đa, thay vì tìm cách tác động tới các cuộc bầu cử. Điều này thể hiện ở việc Musk quay sang chỉ trích Farage, sau khi lãnh đạo đảng Cải cách Anh từ chối ủng hộ yêu cầu trả tự do cho một kẻ kích động cực hữu.

    Amelia Hadfield, trưởng khoa chính trị tại Đại học Surrey, Anh, mô tả vấn đề là "cơn thịnh nộ trên mạng xã hội". Bà đồng thời cảnh báo rằng chiến dịch can thiệp sẽ ngày càng tăng về mức độ sau ngày 20/1, thời điểm ông Trump nhậm chức và Musk sẽ trở thành lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ.

    Khi đó, Musk sẽ là một phần trong đoàn tùy tùng của ông Trump, đồng nghĩa phương Tây sẽ càng khó khăn hơn khi đối phó với ông, Hadfield lưu ý.

    Khi được hỏi về điều gì có thể xảy ra với mối quan hệ Mỹ - châu Âu sau lễ nhậm chức của ông Trump, Hadfield cho hay bà tin rằng mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng hơn.

    Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đứng cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris tháng 12/2024. Ảnh: AFP

    Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đứng cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris tháng 12/2024. Ảnh: AFP

    "Tôi nghĩ Ủy ban châu Âu đang cảm thấy rằng Musk cố tình không chỉ can thiệp mà còn gây kích động", bà nói.

    Bất kể tác động trực tiếp từ các hoạt động can thiệp của Elon Musk với nền chính trị châu Âu trong những năm tới là gì, ông Trump hiện vẫn quyết tâm thực thi các ưu tiên của mình tại khu vực.

    "Cuối cùng, ông Trump sẽ quyết liệt hơn nhiều trong việc gây áp lực lên châu Âu, buộc họ ủng hộ không khoan nhượng lập trường của Mỹ đến mức ai là người chịu trách nhiệm không còn quan trọng", cựu quan chức Mỹ giấu tên nói. "Điều quan trọng là nước Mỹ trên hết. Mọi thứ khác đều không quan trọng. Ông Trump sẽ sử dụng sức mạnh của Mỹ để đạt được mục đích".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?
Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-au-chat-vat-doi-pho-elon-musk-4838833.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ