Châu Á đứng ngồi không yên với tàu ngầm hạt nhân Úc

16:00' 21-09-2021
Viễn cảnh Australia sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân khiến nhiều nước lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang và gia tăng căng thẳng khu vực.


    Ngay sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thành lập liên minh an ninh AUKUS, với trọng tâm là thỏa thuận hỗ trợ công nghệ để Australia chế tạo hạm đội 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại của mình.

    Dù Canberra đã nêu rõ họ không có ý định trang bị vũ khí hạt nhân trên các tàu ngầm mới, sẽ đi vào hoạt động sau năm 2040, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob vẫn bày tỏ quan ngại rằng diễn tiến này có thể là tiền đề cho "một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    "Cùng lúc, nó sẽ kích động các cường quốc khác hành động quyết liệt hơn trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông", Thủ tướng Yaakob hôm 18/9 cho hay, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Australia Scott Morrison. "Là quốc gia trong khối ASEAN, Malaysia giữ nguyên quy tắc duy trì một ASEAN hòa bình, tự do và trung lập".

    Một ngày trước đó, Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và là nước láng giềng gần nhất của Australia, cũng nêu lên mối lo lắng tương tự.

    Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ chạy đua vũ trang và phô diễn sức mạnh ở khu vực, kêu gọi Australia duy trì cam kết đối với hòa bình và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.

    Đặc phái viên của Australia tại ASEAN Will Nankervis hôm qua tìm cách xoa dịu những mối lo lắng trên, khi nhấn mạnh thỏa thuận này "không phải một hiệp ước hay liên minh quốc phòng" và không làm thay đổi cam kết của Australia đối với khu vực. Australia cam kết tiếp tục thúc đẩy một khu vực "hòa bình, an ninh" với ASEAN là trung tâm.

    Các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: AP.

    Các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: AP.

    Nankervis còn khẳng định Australia là một bộ phận của "trật tự hàng hải dựa trên luật lệ", đề cao việc các quốc gia tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và rằng "quan hệ đối tác, hợp tác tích cực" luôn là trọng tâm chiến lược ngoại giao của Canberra đối với khu vực.

    Cao ủy Australia tại Malaysia và Singapore đã chia sẻ lại tuyên bố của Nankervis trên Twitter.

    Justin Lee, đặc phái viên Australia ở Malaysia, cho hay mối quan hệ song phương giữa Canberra và Kuala Lumpur "chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ" và thỏa thuận với Mỹ và Anh chỉ nhằm mục đích "hỗ trợ ổn định và an ninh khu vực".

    Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích ngoại giao, các nước trong khu vực hoàn toàn có cơ sở khi lo lắng về thương vụ tàu ngầm của Australia, bởi Canberra không phải thành viên Hiệp ước cấm Vũ khí hạt nhân, trong đó yêu cầu các bên không phát triển, thử nghiệm, sản xuất hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

    "Nhiều quốc gia trong khu vực cho rằng sẽ không có chuyện một nước mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lại không tính đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai", nhà quan sát Đông Nam Á James Chin hôm 20/9 viết.

    Lãnh đạo Australia, Mỹ và Anh trong cuộc họp báo trực tuyến công bố thỏa thuận hôm 15/9. Ảnh: Reuters.

    Lãnh đạo Australia, Mỹ và Anh trong cuộc họp báo trực tuyến công bố thỏa thuận hôm 15/9. Ảnh: Reuters.

    ASEAN vốn đã lo lắng về thế cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, giờ đây thỏa thuận tàu ngầm Australia - Mỹ - Anh càng củng cố thêm nhận định rằng "quan điểm của các thành viên ASEAN về các siêu cường và cách họ hoạt động trong khu vực không thực sự được quan tâm", Chin đánh giá.

    Natalie Sambhi, giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu quân sự Verve Research, trong khi đó cho rằng Jakarta có thể đặc biệt lo ngại về phản ứng của Bắc Kinh đối với thỏa thuận tàu ngầm.

    "Nó có thể thúc đẩy Trung Quốc phát triển các phương án chống tàu ngầm phức tạp hơn và mở rộng khu vực hoạt động trên biển. Cả hai điều này sẽ không chỉ gây lo lắng cho Jarkata mà còn với nhiều nước Đông Nam Á khác", Sambhi viết trong một bài bình luận cho Viện Chính sách Chiến lược Australia.

    Trong khi đó, nhiều nước châu Á chưa bày tỏ ý kiến về thỏa thuận tàu ngầm được cho là có thể "thay đổi cuộc chơi" trong khu vực này. Ấn Độ, một thành viên nhóm Bộ Tứ cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia, tới nay vẫn giữ im lặng.

    Barry O’Farrell, đại sứ Australia tại New Delhi, cho hay các quan chức cao nhất trong chính phủ nước này đã tham vấn với phía Ấn Độ trước khi thông báo về thỏa thuận tàu ngầm ba bên hôm 16/9.

    Singapore, đối tác an ninh chiến lược của Mỹ tại khu vực, cũng không lên tiếng phản đối thỏa thuận. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 17/9 cho biết ông hy vọng AUKUS sẽ "đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-a-phap-phong-voi-tau-ngam-hat-nhan-australia-4359523.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ