"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính": Tính cách con người có thật sự chỉ phụ thuộc vào 'trời', hay còn điều gì khác?
Trong cuộc sống, có khá nhiều cha mẹ tự hỏi rằng sao các con của mình lại tính cách trái ngược nhau như vậy. Vì tuy cùng do cha mẹ sinh ra, nhưng những mỗi đứa con lại mang một tính tình khác nhau. Cùng là anh chị em ruột, song, có người ít nói, có người luôn "líu lo". Bởi thế, nhiều người cứ cho rằng "cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Nhưng có thật là tính cách của trẻ là do "trời sinh" hay không?
Vào cuối những năm 1920, bác sĩ tâm thần học người Áo có tên là Alfred Adler đã lần đầu tiên giới thiệu "Thuyết thứ tự sinh". Theo đó, thứ tự trẻ được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác với mọi người xung quanh, từ đó hình thành nên tính cách của trẻ.
Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm và tiến hành khảo nghiệm về Thuyết tự sinh, xem nó có thật sự ảnh hưởng đến tính cách của một người hay không. Kết quả có nhiều nhà khoa học đã bị nó thuyết phục.
Thứ tự sinh sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác với các thành viên khác với mọi người xung quanh, từ đó hình thành nên tính cách của trẻ (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Kevin Leman, một nhà tâm lý học, một diễn giả nổi tiếng, đồng thời là tác giả của cuốn sách "The Birth Order" (tạm dịch: Thứ tự sinh), tin rằng điều bí mật của sự khác biệt tính cách giữa các anh chị ruột với nhau nằm ở thứ tự sinh. Cho dù là con đầu, con giữa, con út hay con một thì cách cha mẹ đối xử với các con đều có sự khác biệt.
Bên cạnh đó, bà Meri Wallace - nhà tâm lý trị liệu, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tâm lý Người lớn và Trẻ em (Mỹ), cũng đồng ý với cách giải thích dựa trên lý thuyết thứ tự sinh này. Bà nói: "Tính cách của trẻ ảnh hưởng một phần bởi cách cha mẹ đối xử với con. Mà cách cha mẹ đối xử với con lại phụ thuộc vào thứ tự sinh của trẻ".
Vậy tính cách của trẻ bị ảnh hưởng bởi thứ tự sinh như thế nào?
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thứ tự sinh đã ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ như sau:
1. Con đầu: Vì là đứa con đầu tiên nên trẻ luôn nhận được đầy đủ sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ. Điều này khiến trẻ trở thành người cầu toàn và luôn cố gắng làm cho cha mẹ hài lòng. Thêm vào đó, sau khi có em, con sẽ là người chăm sóc, dẫn dắt em chơi cùng nên thông thường con đầu dễ trở thành một nhà lãnh đạo.
2. Con giữa: Theo các nhà tâm lý, con giữa thường là những đứa trẻ khá dễ chịu, linh hoạt và dễ thích nghi. Con giữa cũng thường là người cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Ngoài ra, khi lớn lên, con giữa có mối quan hệ xã hội rộng lớn vì biết đồng cảm và lắng nghe người khác nói.
3. Con út: Con út luôn là trung tâm của cả nhà. Trẻ có cha mẹ để nhõng nhẽo, có anh chị để nhờ vả. Vì quen được nuông chiều nên con út thường có tính cách vui vẻ, suy nghĩ đơn giản, hướng ngoại và luôn muốn mình là trung tâm của vũ trụ.
4. Con một: Đây là đứa trẻ duy nhất trong nhà, độc chiếm sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ. Tuy nhiên, đặt trên vai trẻ là tất cả sự kỳ vọng của cha mẹ nên trẻ thường có tính cách chững chạc hơn so với tuổi, cầu toàn, tận tâm, siêng năng và có tố chất của nhà lãnh đạo. Song, vì làm việc gì cũng chỉ có một mình nên khả năng tương tác với mọi người có thể là việc khó khăn đối với trẻ.
Tuy nhiên, có một số nhà khoa học lại bác bỏ nhận định này
Một số nhà khoa học đã lập luận rằng tính cách của trẻ là sự tổng hòa của 5 yếu tố: Hòa đồng (Agreeableness), Tự chủ (Conscientiousness), Cảm xúc tiêu cực (Neuroticism), Hướng ngoại (Extraversion), Sẵn sàng trải nghiệm (Openness) chứ không thể chỉ gói vỏn vẹn trong một vài đặc điểm.
Các biểu đồ tính cách của trẻ dựa trên 5 tiêu chí: Hòa đồng, Tự chủ, Cảm xúc tiêu cực, Hướng ngoại và sẵn sàng trải nghiệm thay đổi liên tục tùy theo từng gia đình.
Và để kiểm chứng điều nay, nhà tâm lý học Julia Rohrer - nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Max Planck (Đức) đã cùng các cộng sự thực hiện một nghiên cứu trên 20.000 người đến từ 3 quốc gia Mỹ, Anh và Đức.
Kết quả cho thấy các chỉ số của 5 yếu tố giữa các gia đình lên xuống thất thường. Điều này có nghĩa là thứ tự sinh chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ lên tính cách của trẻ. Còn lại phụ thuộc vào sự giáo dục, cách đối xử của cha mẹ, môi trường sống…
Suy cho cùng, cho dù tính cách của trẻ được hình thành dựa vào bất cứ điều kiện nào thì sự giáo dưỡng của cha mẹ vẫn là điều quan trọng nhất. Thế nên, nếu cha mẹ muốn con trở thành người tử tế, hạnh phúc và thành công thì hãy uốn nắn con ngay từ bé theo các yêu cầu mà bản thân đặt ra. Có như thế, khi lớn lên trẻ mới trở thành người như cha mẹ mong muốn.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/cu-tuong-cha-me-sinh-con-troi-sinh-tinh-ai-ngo-khoa-hoc-chung-minh-tinh-cach-cua-tre-phu-thuoc-vao-dieu-don-gian-nay-20200928230054939.chn