Cảnh phim 'Hồng lâu mộng' bị nhận xét khêu gợi, dung tục
Tác phẩm ra rạp ở Trung Quốc từ ngày 16/8, trước đó, trailer gây tranh cãi với đoạn Tần Khả Khanh mặc áo mỏng, nằm trên cánh hoa hồng. Hàng nghìn người nhận xét đoạn phim khêu gợi và dung tục, Tần Khả Khanh giống "gái lầu xanh" hơn là phụ nữ trong gia tộc bề thế, gia giáo. Nhiều ý kiến chỉ trích đoàn phim biến Hồng lâu mộng thành Kim Bình Mai (tiểu thuyết về cuộc đời trụy lạc của nhân vật chính).
Tuy vậy, một bộ phận khán giả nhận xét trang phục, biểu cảm của Tần Khả Khanh chấp nhận được, bởi khi chuyển thể thành phim điện ảnh, biên kịch phát triển nhân vật để gây kịch tính.
Đạo diễn Hồ Mai (giữa) trên trường quay "Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên". Bà từng chỉ đạo các phim "Vương triều Ung Chính", "Kiều gia đại viện", "Anh hùng Tào Tháo". Ảnh: Bj News
Trên Bj News ngày 17/8, đạo diễn Hồ Mai nói đoạn Tần Khả Khanh mặc áo mỏng, nằm trên hoa thuộc phân cảnh Giả Bảo Ngọc mộng du, mường tượng hình ảnh nam nữ ân ái. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Tần Khả Khanh là vợ của Giả Dung - con trai của Giả Trân. Giả Bảo Ngọc là cháu họ của Tần Khả Khanh. Tần từng dẫn Giả Bảo Ngọc - lúc đó là chàng trai mới lớn - vào buồng ngủ của mình. Cách bài trí, tranh ảnh gợi cảm trong phòng đánh thức bản năng đàn ông của Giả Bảo Ngọc.
Nhân vật Tần Khả Khanh trong "Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên". Ảnh: Sohu
Đạo diễn nhận xét đây là đoạn quan trọng, thể hiện sự chuyển biến tâm lý của Giả Bảo Ngọc - từ một cậu bé thành người đàn ông bắt đầu mộng tưởng về tình dục, Tần Khả Khanh là bạn tình trong cơn mộng du của Giả Bảo Ngọc.
Theo Hồ Mai, tiểu thuyết Hồng lâu mộng đặc sắc là vì lột tả tính cách con người một cách trần trụi. Bà xác định đối tượng khán giả của phim điện ảnh là lớp trẻ, những người có thể chưa từng đọc tiểu thuyết, nên thêm chi tiết về giáo dục giới tính vào phim. Êkíp đã chọn hình thức thể hiện "sạch sẽ", cắt đi những cảnh táo bạo.
Để tiếp cận khán giả trẻ, Hồ Mai và các biên kịch thống nhất chủ đề phim là "âm mưu và tình yêu", đưa những tình tiết mới vào tác phẩm, trên tinh thần tôn trọng nguyên tác. Vì nếu không có sự thay đổi, quay Hồng lâu mộng bản mới không có ý nghĩa gì nhiều.
Trước những ý kiến cho rằng ngoại hình diễn viên Trương Miểu Di không phù hợp đóng Lâm Đại Ngọc, Hồ Mai nói Miểu Di không đẹp như tiên nữ nhưng cô có khí chất riêng. Sau nhiều vòng tuyển chọn, bà nhìn thấy ở Miểu Di sự đồng điệu về tâm hồn với Lâm Đại Ngọc. Phim ghi hình năm 2018, dàn diễn viên còn có Biên Thành, Quan Hiểu Đồng, Hoàng Gia Dung, Uyển Quỳnh Đan.
Giả Bảo Ngọc (Biên Thành đóng) và Lâm Đại Ngọc trong "Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên". Ảnh: Sohu
Theo Business Insider, Hồng lâu mộng là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới, với hơn 100 triệu bản được phát hành. Tiểu thuyết ra đời thời nhà Thanh, xoay quanh chuyện tình Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, qua đó miêu tả cuộc sống của một đại gia đình quý tộc từ lúc cực thịnh tới suy vong. Tác phẩm được ví là cuốn bách khoa toàn thư về ẩm thực, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, lễ nghi. Trong số danh tác cổ điển Trung Quốc, chỉ Hồng lâu mộng có ngành nghiên cứu riêng về tác phẩm, gọi là Hồng học.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/dao-dien-phu-nhan-canh-phim-hong-lau-mong-dung-tuc-4782789.html