Các nhà khoa học mới đây đã cảnh báo về việc nguy cơ xảy ra sóng thần lớn trên Biển Đông đang bị xem nhẹ, thậm chí phớt lờ bởi các chính phủ trong khu vực, vốn đang dành mọi sự chú ý cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Mô hình dự báo những cột sóng cao có thể tạo ra sau một trận động đất 9 độ richter trên Rãnh Manila
Thông tin được tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Kông đăng tải ngày 4/8, dẫn phát biểu của các nhà khoa học tại Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan và Philippines.
Hậu quả của một thảm họa sóng thần như vậy sẽ tàn khốc, với hàng trăm nghìn người sinh sống tại các khu vực ven biển có thể thiệt mạng.
Một trong số những nhà khoa học đưa ra cảnh báo trên đến từ Viện hải dương học, thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Chuyên gia này cho biết họ đang rất cần những dữ liệu mới để tính toán quy mô tiềm năng của một đợt sóng thần như vậy, cũng như liệu thời điểm gần nhất nó có thể diễn ra là khi nào.
Các nhà khoa học khẳng định cần phải tới từng vùng để đo đạc số liệu đó, nhưng chưa thể thực hiện do những tranh chấp về chủ quyền trong khu vực.
Tiến sỹ Qian Jin, một nhà địa chất hải dương tại Viện hải dương học Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 cho biết, ông đã sử dụng một mô hình toán mới để phân tích các dữ liệu động đất lịch sử, được thu thập bởi một tàu nghiên cứu của Trung Quốc dọc theo Rãnh Manila.
Dữ liệu thu được đã khiến ông Jin lo sợ.
Rãnh Manila kéo dài khoảng 350 km, từ phía Nam đảo Đài Loan về phía Nam tới bờ biển phía Tây đảo Luzon, lớn nhất của Philippines. Rãnh này sâu khoảng 5,4km, sâu hơn độ sâu trung bình của Biển Đông khoảng 3,5 lần.
Đây chính là nơi Mảng Á Âu khổng lồ đã va chạm và dịch chuyển xuống bên dưới Mảng Biển Philippines. Rãnh này cũng rất gần với bãi Cỏ Mây.
Rãnh Manila đã có dấu hiệu cho thấy có thể sẽ xảy ra một trận động đất lớn tại đây. Các nhà khoa học đều đã bày tỏ sự quan ngại, phân tích của ông Qian cho biết thêm.
Do công cụ lập mô hình mới có thể đo đạc cấu trúc địa vật lý của rảnh trên với độ phân giải cao hơn, Qian phát hiện ra chiều dài thực sự của vùng đứt gãy trên rãnh này, vốn có thể là tác nhân gây ra sóng thần, dài hơn “đáng kể” so với những ghi nhận trước đây. Điều đó có nghĩa là khả năng rãnh này sinh ra một trận động đất và sóng thần lớn đã bị dự báo thấp hơn thực tế.
Mặc dù kích thước chính xác của vùng đứt gãy vẫn đang được đo đạc, tiến sỹ Qian khẳng định ông cảm thấy buộc phải công bố cho công chúng về rủi ro này.
Nhưng chuyên gia này cũng cho biết, để phân tích và dự báo tốt hơn điều gì sẽ xảy ra cần phải có thêm những bằng chứng mới.
“Dữ liệu chúng tôi sử dụng đã cũ, được thu thập hơn 10 năm trước”, Qian chia sẻ. “Chúng tôi muốn có dữ liệu mới, nhưng không thể tới đó nữa. Khu vực này đầy những bất ổn. Chúng tôi không dám tới gần phía Philippines”.
Rãnh Manila đã không gây ra một trận động đất lớn nào trong vòng 500 năm qua, và điều này càng khiến ông Qian lo lắng.
“Rãnh này đã hấp thụ áp lực một thời gian dài. Một khối năng lượng khổng lồ đang bị giam dữ bên trong. Nếu động đất xảy ra, đó sẽ là một cơn địa chấn khổng lồ”, Qian cảnh báo.
Tiến sỹ Renato Solidum, giám đốc Viện địa chất và núi lửa Philippine hồi đầu năm từng cảnh báo trên trang tin GMA News rằng, một trận động đất 8,2 độ richter tại Rãnh Manila có thể tạo ra sóng thần cao 10m, và có thể ập vào khu vực bờ biển Philippines chỉ trong vòng 10 phút, và tràn qua Manila trong vòng một giờ.