Dư luận Hàn Quốc yêu cầu chính phủ thắt chặt quản lý ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trong nước, sau nhiều trường hợp khách hàng thiệt mạng trong khi phẫu thuật.

    Dân Hàn Quốc sợ phẫu thuật thẩm mỹ sau nhiều ca tử vong

    Ngày càng nhiều người Hàn Quốc đổ xô đi phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Daily Mail

    Phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc nổi tiếng là ngành mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD. Mỗi năm rất nhiều người từ khắp thế giới tìm đến các cơ sở thẩm mỹ tại Hàn Quốc để tân trang nhan sắc. Tuy nhiên, những mảng tối trong ngành nhanh chóng phát sinh.

    Thiệt mạng vì phẫu thuật thẩm mỹ

    Theo trang Hankyoreh, Cơ quan người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) công bố báo cáo tháng 3/2014 cho biết số lượng đơn khiếu nại về tác dụng phụ hậu phẫu tăng từ 71 trường hợp năm 2009 đến 110 vụ vào năm 2013, trong đó có nhiều ca tử vong.

    Báo Korea Times dẫn thông báo của cảnh sát cho biết một phụ nữ rơi vào tình trạng hôn mê khi cô đang hút mỡ và sửa mũi tại một bệnh viện ở Gangnam ngày 6/3/2013. Cơ sở nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nhưng cô qua đời trên xe cứu thương.

    Bốn ngày trước đó, một người đàn ông 33 tuổi chết trong lúc đang phẫu thuật gọt xương hàm tại Busan.

    Tháng 12/2013, một học sinh 19 tuổi rơi vào tình trạng "não chết" sau khi phẫu thuật sửa mũi và tạo mắt hai mí tại cơ sở ở nam Seoul. Gia đình nạn nhân cho biết cơ sở đã phẫu thuật cho con họ mà không thông báo với phụ huynh, đồng thời gây mê tổng thể dù phẫu thuật sửa mũi và tạo mí mắt không yêu cầu gây mê mạnh.

    Ngày 10/4/2014, thành viên Hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc công khai xin lỗi về trường hợp tử vong của nạn nhân trên trước công chúng. Hội cũng yêu cầu cảnh sát điều tra toàn diện về sự việc.

    Quản lý lỏng lẻo

    Lee Sang-mok, chủ tịch hiệp hội, lo lắng về tình trạng "bác sĩ ma" ở các trung tâm khi người thực hiện phẫu thuật thực tế không phải người mà trong quảng cáo. Để qua mặt khách hàng, một số bác sĩ cố tình cho bệnh nhân dùng thuốc ngủ liều mạnh.

    Trong khi đó, báo Korea JoongAng cho biết luật Hàn Quốc quy định lỏng lẻo rằng chỉ cần bác sĩ có chứng chỉ y khoa là có thể phẫu thuật thẩm mỹ, dù đây không phải chuyên ngành của họ. Một khách hàng từng thiệt mạng trong lúc phẫu thuật vào tháng 3/2013 tại cơ sở ở tỉnh Bắc Chungcheong, nơi đây không có một chuyên gia nào về lĩnh vực này.

    Dân Hàn Quốc sợ phẫu thuật thẩm mỹ sau nhiều ca tử vong

    Thành viên Hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc xin lỗi công chúng vì trường hợp thiệt mạng của một khách hàng 19 tuổi trong lúc phẫu thuật. Ảnh: Korea JoongAng

    Các chuyên gia cũng chỉ ra tình trạng báo động khi phần lớn các trung tâm không trang bị đầy đủ thiết bị y tế để xử lý những tình huống khẩn cấp trong lúc phẫu thuật.

    Nghị sĩ Choi Dong-ik (Đảng Dân chủ thuộc phe đối lập) dẫn báo cáo cho biết đến 77% trong tổng số 1.100 trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ không có máy khử rung tim hoặc máy thở, vốn là những thiết bị trong các bước cứu hộ đầu tiên, và chỉ 1,2% cơ sở có đầy đủ thiết bị này.

    Tuy nhiên, thực tế là luật pháp Hàn Quốc chưa có quy định nào bắt buộc điều này. Vì vậy, các bác sĩ tại những trung tâm thẩm mỹ không có sự chuẩn bị trước nếu tình huống nguy cấp xảy ra, qua đó làm tăng nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật.

    Y đức yếu kém

    Các chuyên gia cũng băn khoăn về hiệu quả tư vấn tiền phẫu thuật tại các cơ sở. Lee Sang-yun, nghiên cứu viên tại Trung tâm y tế và thay đổi xã hội, cho biết các cơ sở không chú trọng việc cảnh báo khách hàng về những nguy cơ có thể xảy ra.

    Một người xưng danh "điều phối viên" tại cơ sở tư vấn cho các khách hàng, nhưng nội dung phần lớn là về chi phí. Thậm chí họ còn đưa ra chẩn đoán như một bác sĩ thực thụ. "Phần lớn tư vấn viên đều từng là y tá trợ lý. Dù họ không phải hoàn toàn thiếu kiến thức về y học, họ bị cấm không được chẩn đoán tình hình bệnh nhân như bác sĩ", một bác sĩ thẩm mỹ nói.

    "Các 'điều phối viên' hoặc tư vấn viên là người trò chuyện với bệnh nhân và hối thúc họ làm phẫu thuật, chứ không phải các bác sĩ. Chúng ta cần có điều luật quy định bác sĩ phải giải thích mọi rủi ro từ quy trình với bệnh nhân, và người muốn phẫu thuật phải có đủ thời gian để đưa ra quyết định", chuyên gia Lee Sang-yun nói trên báo Korea JoongAng.

    Dân Hàn Quốc sợ phẫu thuật thẩm mỹ sau nhiều ca tử vong

    Các mẫu quảng cáo của một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại trạm tàu điện ngầm ở Seoul. Ảnh: AFP

    "Phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi chuẩn mực đạo đức cao cũng như kiến thức y học rộng lớn. Tuy nhiên, ngày nay vấn đề trở nên quá phổ biến, người dân xem phẫu thuật như món hàng hóa dễ dàng mua được. Chính điều này khiến các bác sĩ xem việc phẫu thuật cũng chỉ như một mặt hàng", ông Lee Sang-mok, chủ tịch Hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, nói.

    Ngày 21/2, nghị sĩ Nam Yoon In-soon (Đảng Dân chủ) và Korean Womenlink, một tổ chức quyền phụ nữ, kêu gọi chính quyền thực hiện thanh tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, cấm quảng cáo phẫu thuật làm đẹp tràn lan, trừng phạt nặng những cơ sở không trang bị đủ thiết bị.

    Cuối tháng 4/2014, thủ đô Seoul ban hành quyết định hạn chế các quảng cáo phẫu thuật thẫm mỹ tại những phương tiện giao thông công cộng. Theo quy định mới, quảng cáo về phẫu thuật thẫm mỹ không thể quá 20% tổng số mẫu quảng cáo tại những trạm tàu điện ngầm. Lee Chang-min, quan chức hội đồng thành phố, cho biết các cơ sở thẩm mỹ cũng buộc phải dán quảng cáo cách xa trường học.

    "Rất nhiều đơn khiếu nại rằng những quảng cáo này khiến nhiều người, đặc biệt là thanh niên, hiểu lầm rằng phẫu thuật thẩm mỹ rất dễ dàng", Lee trả lời AFP.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ