Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, có thể cắt cụt ngón chân chỉ vì một vết xước nhỏ
Ông Vương 68 tuổi ở Trung Quốc không ngờ rằng mình gần như phải cắt cụt chi sau khi cắt một chiếc móng chân.
Ông có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hơn 20 năm, lúc đầu uống thuốc hạ đường huyết đúng giờ mỗi ngày kiểm soát đường huyết tốt, nhưng sau đó thì thả lỏng dần, thỉnh thoảng uống thuốc hạ đường huyết, thi thoảng lại không và cũng lười theo dõi đường máu.
Cách đây 6 tháng, ngón chân của ông có một móng mọc chìa ra rất khó chịu nên ông Vương đã đi ra tiệm ngoài để sửa và vô tình bị một vết xước trong lúc cắt móng. Không ngờ sau đó vết thương không thể lành lại mà còn bị lở loét, nửa năm sau vết thương lở loét càng ngày càng lớn, đau nhức không chịu nổi.
Ảnh minh họa
Vì vậy, ông đã đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mạch máu chi dưới bị tắc nặng, cuối cùng phải cắt cụt ngón chân bị lở loét nghiêm trọng, may mà tránh được nguy cơ phải cắt cụt chi.
Thực tế, trường hợp này của ông Vương là do biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường gây ra.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, biến chứng bàn chân là biến chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân bị đái tháo đường. "60-70% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại vi hoặc giảm cảm giác ở bàn chân. 25% trong số đó sẽ phát triển thành các vết loét, trên 50% sau đó sẽ tiến triển tình trạng nhiễm trùng phải nhập viện và cắt cụt chi".
Nhiều người nghĩ rằng một khi bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bàn chân đồng nghĩa với việc tình trạng bệnh đã nghiêm trọng, gần như cận kề cái chết.
Tuy nhiên, điều này chưa chính xác. Việc xuất hiện các biến chứng cho thấy bệnh tiểu đường quả thực đã đến một mức độ nặng nhất định, nếu lúc này bệnh tiểu đường không được kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ gây ra các biến chứng khác, nhưng miễn là nó được kiểm soát tốt thì bệnh nhân vẫn ở ngưỡng an toàn.
Biến chứng bàn chân là do đường huyết của bệnh nhân tiểu đường lâu ngày cao, theo thời gian sẽ sinh ra bệnh mạch máu và bệnh thần kinh chi dưới, mạch máu chi dưới và bàn chân bị thu hẹp và tắc nghẽn dẫn đến ảnh hưởng tuần hoàn máu của bàn chân, dễ gây nhiễm trùng chi dưới, lở loét, vết thương khó lành, thậm chí là hủy xương bàn chân và phải cắt cụt chi trong những trường hợp nặng. Ngoài ra, ở trạng thái nhiều đường sẽ xảy ra hiện tượng đau nhức, tê bì, ê ẩm do các dây thần kinh cảm giác của chi dưới và bàn chân bị tổn thương.
3 triệu chứng cảnh báo biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường
Khi bàn chân bị biến chứng của tiểu đường, trên bàn chân của chúng ta sẽ xuất hiện một số triệu chứng tương ứng, chủ yếu bao gồm 3 dạng sau:
1. Phù nề và tê
Bàn chân của người bệnh có thể bị tê, đau, mất cảm giác, biểu hiện chủ yếu là tê và nóng rát ở tứ chi, như có kiến bò. Đây là triệu chứng của bệnh lý thần kinh ngoại biên cho thấy tình trạng bệnh tiểu đường đã trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, do lượng máu đến tứ chi không đủ nên có thể xuất hiện triệu chứng phù nề cục bộ.
2. Sưng cơ chi dưới
Nếu tình trạng bệnh tiểu đường nghiêm trọng, các cơ ở chi dưới sẽ bị sưng, đau và nặng khi đi bộ, và bạn cần dừng lại và nghỉ ngơi trước khi đi bộ một khoảng nhất định. Đây còn được gọi là tắc động mạch chi dưới của bệnh nhân, là dấu hiệu báo trước của chứng hoại tử bàn chân do đái tháo đường. Mạch máu càng hẹp thì quãng đường đi bộ càng ngắn.
3. Da bàn chân đỏ tím
Nếu màu da chân chuyển sang màu đỏ tím thì đây là dấu hiệu của bệnh thiếu máu cục bộ ở chân, nếu không chú ý có thể phát triển thành hoại tử chân, bạn phải chú ý và đi khám kịp thời.
4 lưu ý để phòng ngừa biến chứng bàn chân của tiểu đường
Để phòng ngừa biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường, BS. Hương lưu ý bệnh nhân đái tháo đường cần: "Bệnh nhân cần được hướng dẫn cách chăm sóc, cách vệ sinh bàn chân và kiểm tra bàn chân hằng ngày. Cụ thể là kiểm tra xem chân có vùng da bị đỏ, sưng tấy hay có các vết nứt, vết cắt hay không.
Nếu móng quặp hoặc có vết chai chân thì bệnh nhân tuyệt đối không được tự cắt mà nên đến các phòng khám chuyên khoa để tránh gây nhiễm trùng bàn chân. Đồng thời, người bệnh tiểu đường cũng nên đi khám ít nhất 1 năm 1 lần để đánh giá toàn diện về bàn chân nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây loét và cắt cụt chi".
Đặc biệt, cần lưu ý 4 điểm sau:
- Ngăn ngừa chấn thương bàn chân
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc bảo vệ bàn chân là hết sức quan trọng, cần làm tốt công tác kiểm tra bàn chân để phòng tránh các vết thương ở chân, hàng ngày kiểm tra kỹ bàn chân xem có vết thương như phồng rộp, trầy xước, rách da không, đặc biệt là các vết thương. Chú ý kiểm tra lòng bàn chân và các đường nối giữa các ngón chân.
- Mang giày và tất phù hợp
Bệnh nhân tiểu đường nên đi giày dép phù hợp, chọn giày thể thao hoặc giày vải mềm, rộng, thoáng khí, giữ giày khô ráo, có thể chuẩn bị thêm một vài đôi giày để mang lần lượt, tránh mang một đôi giày quá lâu.
- Chú ý đến nhiệt độ rửa/ngâm chân
Ngâm/rửa chân bằng nước ấm hàng ngày, nhưng chú ý nhiệt độ của nước rửa chân không được quá 38 độ C. Không bao giờ được tráng chân bằng nước nóng. Da của bệnh nhân tiểu đường rất mỏng manh, nhiệt độ cao có thể gây chấn thương bàn chân và gây phù bàn chân.
- Ngăn ngừa nấm da chân
Chú ý giữ chân khô ráo, thông thoáng để tránh bị nấm da chân, nếu bị nấm da chân thì điều trị kịp thời, không nên đến những nơi không đủ điều kiện để làm móng chân để tránh bị nhiễm trùng.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nguoi-dan-ong-bi-tieu-duong-phai-cat-cut-ngon-chan-chi-vi-mot-vet-xuoc-nho-bac-si-canh-bao-nguy-co-bien-chung-ban-chan-cua-can-benh-nay-20211201094902621.chn