Căng thẳng thương mại Úc - Trung Quốc: Thiệt hại khó tránh

19:00' 02-12-2020
Giới phân tích nhận định căng thẳng thương mại với Australia cũng sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Canberra và vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, giá cạnh tranh.


    Nguy cơ chiến tranh thương mại Australia-Trung Quốc 'căng như dây đàn' và cái giá của sự phụ thuộc

    Căng thẳng thương mại giữa Australia-Trung Quốc trong năm 2020 đã leo lên nấc thang mới khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang xuất xứ Australia từ đầu năm 2021, trong khi Australia để ngỏ khả năng sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tình hình hiện đang đẩy hai nước đứng trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ gây tổn thất cho cả hai.

    Căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc. (Nguồn: NDR)

     
    Giới phân tích nhận định căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Bắc Kinh, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Canberra. (Nguồn: NDR)

    Liên tục leo thang

    Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia lâm vào bế tắc từ năm 2018, khi Canberra cấm Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã trở nên tồi tệ sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19.

    Trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm vào các nhà xuất khẩu của Australia gồm áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch Australia, đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu Australia với lý do hải quan Trung Quốc đã phát hiện chất cấm chloramphenicol trong các sản phẩm thịt bò từ các lò mổ của Australia và bắt đầu 2 cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang của đối tác.

    Tình hình trở nên căng thẳng khi chính phủ Australia yêu cầu Trung Quốc không thực hiện “hành động phân biệt đối xử” đối với các nhà sản xuất bông của Australia, sau khi Nhóm ngành Bông Australia và Hiệp hội Chủ hàng Bông Australia nhận được thông tin rằng Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia của Trung Quốc đề nghị các nhà máy sản xuất sợi trong nước dừng nhập khẩu bông có nguồn gốc từ Australia.

    Hồi đầu tháng 11, Chính phủ Australia cũng thông báo đã ngừng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm hùm bông lớn nhất của Australia - sau khi Trung Quốc áp đặt quy định kiểm tra hải quan mới với hải sản tươi sống. Trong khi những vấn đề tồn đọng còn chưa được giải quyết thì Trung Quốc đã quyết định ngừng nhập khẩu 7 loại mặt hàng từ Australia gồm than đá, đồng, gỗ xẻ, lúa mạch, đường, rượu vang và tôm hùm.

    Căng thẳng thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang khi ngày 27/11 Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ áp mức thuế từ 107% đến 212% đối với tất cả loại rượu vang nhập khẩu từ nước này từ ngày 28/1/2021.

    Trang ABC News của Australia cho biết quyết định trên xuất phát từ những phát hiện sơ bộ của cuộc điều tra chống bán phá giá do Trung Quốc tiến hành đối với các mặt hàng rượu vang nhập khẩu từ Australia. Phía Trung Quốc cho rằng việc bán phá giá mặt hàng này có tồn tại và gây ra “thiệt hại đáng kể” cho các nhà sản xuất rượu của họ.

    Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2021, nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo rằng từ ngày 28/11 các nhà nhập khẩu rượu vang của Australia vào Trung Quốc sẽ phải nộp “tiền đặt cọc bảo đảm chống bán phá giá” tạm thời.

    Sau khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang Australia, ngày 29/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, chính phủ đang xem xét việc đệ đơn kháng cáo lên WTO để phản đối mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu của Australia từ tháng 5/2020. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh việc kêu gọi trọng tài quốc tế giúp giải quyết những tranh chấp là một biện pháp cần thiết và Chính phủ Australia đang xác định thời điểm và chuẩn bị đầy đủ bằng chứng cho việc kháng cáo lên WTO.

    Theo Thủ tướng Australia, hiện còn quá sớm để xem xét có đưa trường hợp Trung Quốc áp thuế đối với rượu vang của Australia lên WTO hay không vì cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc mới đang ở giai đoạn đầu.

    Đứng trước khó khăn, nhà lãnh đạo Australia cũng cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc. Thủ tướng Australia cho biết chính phủ của ông đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Anh và Liên minh châu Âu (EU), để mở rộng cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

    Ngày 30/11, một số doanh nghiệp xuất khẩu, các hiệp hội, bao gồm cả đại diện ngành công nghiệp Australia, đã lên tiếng ủng hộ hành động kiện Trung Quốc lên WTO của Canberra.

    Trước tình căng thẳng hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, các hành động của Trung Quốc và Australia được cho là sẽ khiến nguy cơ một cuộc chiến thương mại giữa hai nước trở nên hiện hữu.

    Thiệt hại khó tránh

    Theo giới quan sát, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế giữa các bên thì việc leo thang căng thẳng thương mại đẩy Australia và Trung Quốc trước bờ vực một cuộc chiến thương mại sẽ khiến hai bên cùng gánh chịu tổn thất.

    Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, trong khi “Xứ sở chuột túi” là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 lên tới 235 tỷ AUD (170 tỷ USD).

    Nền kinh tế Australia có mức độ phụ thuộc thị trường Trung Quốc lớn nhất thế giới khi hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu và 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa vào quan hệ kinh tế-thương mại với đất nước đông dân nhất thế giới. Theo Bộ Thương mại, Australia đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục là 77,4 tỷ AUD (55,1 tỷ USD) trong năm tài chính 2019-2020, mà đóng góp của thị trường Trung Quốc mang tính quyết định.

    Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn những mặt hàng thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Australia bao gồm internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số và nhiều loại công nghệ khác…

    Trong khi đó, Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung và vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao với giá cả hợp lý từ Australia. Thống kê cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu từ Australia hơn 60% lượng quặng sắt, 60% lượng than cốc, gần 25% lượng than cung cấp cho các nhà máy điện và hơn 50% lượng khí tự nhiên hóa lỏng. Thịt bò, thịt cừu, len, rượu vang và lúa mạch là 5 sản phẩm của Australia giúp nước này thu được hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

    Theo số liệu của chính phủ Australia, doanh số bán rượu vang của nước này sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 1,3 tỷ AUD (900 triệu USD), đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của quốc gia châu Đại Dương này.

    Báo cáo mới đây của tổ chức tư vấn ACRI có trụ sở tại Sydney, Australia cũng cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 104 tỷ AUD (73 tỷ USD) hàng hóa từ Australia.

    Với hiệu quả hợp tác này, giới chuyên gia nhận định việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang Australia từ đầu năm tới là một thông tin bất lợi đối với ngành công nghiệp trị giá 1,2 tỷ AUD (880 triệu USD)/năm của Australia. Nhìn chung, toàn bộ ngành công nghiệp Australia sẽ bị tổn thương do rượu vang có khả năng rớt giá khi toàn bộ số lượng sản xuất dành cho thị trường Trung Quốc buộc phải chuyển hướng sang các trị trường khác.

    Căng thẳng thương mại leo thang cùng nguy cơ một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Australia khiến cho kinh tế “Xứ sở chuột túi” thiệt hại rất nặng nề. Bên cạnh những tổn thất thương mại ngày càng gia tăng này, Australia phải đối mặt với khoản lỗ thêm 28 tỷ USD đối với xuất khẩu dịch vụ.

    Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu công dân Trung Quốc tuân theo các cảnh báo từ chính phủ nước này về việc không đi du lịch đến Australia, qua đó sẽ cản trở sự phục hồi sau đại dịch của Australia trong lĩnh vực du lịch và giáo dục quốc tế. Đây rõ ràng là tin không khả quan đối với Australia khi nước này đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc suy thoái lần đầu tiên sau 30 năm do tác động của dịch Covid-19.

    Giới phân tích nhận định căng thẳng thương mại với Australia cũng sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Canberra và vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và giá cạnh tranh. Do vậy, việc thay thế nguồn cung sẽ không dễ dàng, mà còn là một quyết định khiến Trung Quốc phải mất chi phí lớn và tốn nhiều thời gian.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from baotintuc.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ