Cần phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý
Nguyên nhân do đâu?
Hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm, trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi hoặc hơn. Nhiều trường hợp trẻ được mẹ đưa đến vì khóc cơn kéo dài cả tháng, những trẻ này đêm nào cũng khóc to không sao dỗ được nhưng ban ngày trông bé vẫn bình thường. Đã nhiều trường hợp gia đình đưa bé đi khám bệnh nhiều nơi, làm nhiều xét nghiệm máu, chụp phim Xquang, siêu âm đều cho kết quả bình thường. Thậm chí đã cho uống nhiều loại thuốc nhưng cũng không giảm. Một số bà mẹ không cho uống thuốc vì cho là cháu bị khóc dạ đề nhưng không biết phải làm gì khi bé khóc.
Theo các nghiên cứu nhi khoa, cho đến nay vẫn chưa có minh chứng khoa học giải thích nguyên nhân của khóc kéo dài hàng giờ ở trẻ sơ sinh vào ban đêm và cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Giả thuyết được các nhà nghiên cứu đồng tình nhiều nhất là tâm trạng lo lắng, bất an, hoặc những căng thẳng của mẹ ảnh hưởng đến sự biến đổi trạng thái tâm lý và thể chất của trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời, hoặc về thể chất, hệ tiêu hóa non nớt chưa thể thích ứng với chế độ dinh dưỡng với nhiều protein, chất kích thích trong sữa mẹ khi cho con bú đã... khiến bé bị đầy hơi.
Cần xoa dịu trẻ bằng cách vỗ về trẻ, ôm trẻ vào lòng.
Cần phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý
Thời gian khóc thường kéo dài 5 phút nhưng cũng có khi nửa tiếng và có thể lặp lại hằng ngày, ban ngày trẻ vẫn ăn, ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ được hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường, chứng khóc dạ đề sẽ hết.
Tuy nhiên, nếu cơn khóc của trẻ kéo dài hoặc kèm theo biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề khóc do bệnh lý. Trẻ khóc nhiều về đêm có thể là dấu hiệu trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu, sinh ra quấy khóc trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc trẻ được chăm sóc trong phòng kín, thiếu ánh sáng nên bị thiếu vitamin D.
Ngoài ra, đó cũng có thể là biểu hiện trẻ bị lồng ruột. Trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo triệu chứng như nôn, hay khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi ngoài ra máu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay.
Làm gì khi trẻ khóc dạ đề?
Mặc dù không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề, các bà mẹ có thể thử một số cách tại nhà. Nhưng nhớ rằng nếu phương pháp hiệu quả trong một lần thì sẽ không hiệu quả lần sau. Vì vậy hãy sáng tạo và kiên nhẫn. Để chữa trị tại nhà, điều quan trọng nhất là luôn giữ bình tĩnh và thoải mái.
Tránh những điều gây khó chịu cho trẻ bằng cách thực hiện những điều như sau: Chắc chắn rằng trẻ được bú đủ no, không quá no mà cũng không đói; Đảm bảo trẻ không nuốt quá nhiều hơi trong khi bú. Bế trẻ thẳng người trong khoảng 15 phút sau khi ăn; Giữ một thời gian biểu nhất định về ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa. Trẻ không bị khó chịu bởi ánh sáng và tiếng ồn trong ngày; Chọn tã vừa vặn với trẻ, thay thường xuyên để giữ tã trẻ sạch sẽ.
Nếu trẻ khóc xoa dịu trẻ bằng cách: Vỗ về trẻ, ôm trẻ vào lòng, thủ thỉ lời yêu thương hoặc hát ru khe khẽ, đong đưa nhè nhẹ; Đặt trẻ ở tư thế đứng lên đầu gối của mình, thử cho trẻ tập đi cũng là một cách; Làm dịu tinh thần của trẻ bằng cách đưa trẻ đi dạo một vòng; Nếu cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, các bà mẹ có thể nhờ người khác trông hộ trẻ. Tuy nhiên đừng để bé khóc một mình quá 5-10 phút. Sau 10 phút làm lại các bước như trên.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/can-lam-gi-khi-tre-so-sinh-khoc-da-de-20191017100603243.chn