Cần làm gì khi trẻ quấy khóc ngày đêm?
Tiếng khóc là ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Khi trẻ cảm thấy khó chịu trong người, nhu cầu không được đáp ứng thì sẽ khóc như một cách biểu đạt cảm xúc.
Nhiều ông bố bà mẹ lần đầu có con thường sẽ rất bối rối khi cố gắng để tìm hiểu tiếng khóc của con. Đôi lúc họ rơi vào trạng thái bất lực vì không thể dỗ được, con khóc mỗi lúc một to, cả nhà đều mất kiểm soát.
Từ tâm lý này, nhiều người bắt đầu có suy nghĩ rằng con đang gặp vấn đề sức khỏe hoặc thậm chí một số quan niệm mê tín còn cho rằng tiếng khóc của trẻ chính là điềm báo của những điều không may mắn.
(Ảnh minh họa)
Bé Tiểu Nhật được 4 tháng tuổi. Dạo gần đây, cậu bé ngày càng trở nên khó chịu, thường xuyên quấy khóc. Đặc biệt cứ đến đêm là bé lại oằn người khóc nấc, dỗ cách nào cũng không ngủ.
Tình trạng kéo dài liên tục cả tuần không chỉ làm cho đứa bé nổi cả quầng thâm trên mắt mà còn khiến cho người mẹ thiếu ngủ, mệt mỏi và stress nặng.
Do Tiểu Nhật là con đầu lòng nên người mẹ không có kinh nghiệm chăm sóc. Những lần thấy con quấy khóc, người mẹ chỉ biết cho con ngậm ti, bú mẹ. Ban đầu đứa trẻ cũng bình tĩnh rồi ngủ được một giấc ngắn. Nhưng chưa được bao lâu thì lại giật mình dậy và khóc tiếp đến gần sáng.
Trong một lần đưa con trai xuống sân, người mẹ vô tình được một bà cô sống trong khu cho biết, ở thế hệ của họ, trẻ nhỏ được cho là có "linh tính" vô cùng nhạy bén. Khi đứa trẻ mới sinh luôn luôn quấy khóc, đặc biệt trẻ khóc đêm không chịu ngủ, việc này là điềm không may, dự báo chuyện tình cảm vợ chồng hoặc trong gia đình sẽ có biến cố lớn.
(Ảnh minh họa)
Nghe thấy lời nói của hàng xóm, người mẹ vừa hoang mang, vừa tuyệt vọng không biết phải làm sao. Vốn dĩ chỉ là chuyện về đứa trẻ, giờ lại là vấn đề liên quan đến hạnh phúc của hai vợ chồng. Càng nghĩ người mẹ càng mất kiên nhẫn trước tiếng khóc của con trai.
Vì quá bất lực và mệt mỏi, sau đó người mẹ đành phải cầu cứu bà ngoại, nhờ bà lên trông cháu. Sau khi bà ngoại nghe câu chuyện đứa trẻ khóc dự báo tình cảm bố mẹ thì liền cười lớn thành tiếng.
Trải qua một ngày đêm quan sát, bà ngoại phát hiện ra thời gian người mẹ cho con ăn không hợp lý, cộng với lượng sữa mẹ không đủ so với nhu cầu nên khiến cho đứa trẻ luôn trong tình trạng bị đói và trở nên cáu gắt.
(Ảnh minh họa)
Bà ngoại liền yêu cầu con gái cố gắng nghỉ ngơi, dưỡng sức, ngủ đủ giấc và ăn nhiều món dinh dưỡng để cải thiện lượng sữa mẹ. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị con gái mua thêm sữa bột để hỗ trợ trong trường hợp sữa mẹ quá ít, con bú không được no bụng.
Người bà thông thái đặc biệt căn dặn, trẻ nhỏ thật ra rất nhạy cảm và có thể cảm nhận được thái độ của người lớn. Nếu bố mẹ mất bình tĩnh, trở nên cáu gắt khi dỗ dành thì con cũng khó mà nín khóc hay bình tĩnh trở lại. Vì vậy, tình trạng quấy khóc sẽ ngày một tồi tệ hơn.
Chỉ trong hai ngày sau, tình trạng của bé Tiểu Nhật đã cải thiện thấy rõ. Người mẹ thở phào nhẹ nhõm khi biết tiếng khóc của con chẳng liên quan đến điềm rủi như lời bà cô hàng xóm.
Trong lòng người mẹ phút chốc ngập tràn sự hối hận vì đã quá nóng nảy, mất kiên nhẫn khi nghe con khóc, suýt nữa đã tin vào quan niệm mê tín. Cô vui mừng khi sức khỏe con vẫn tốt và cảm thấy may mắn khi có một người mẹ tân tiến, hiểu chuyện.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/con-trai-quay-khoc-ngay-dem-me-suy-sup-khi-nghe-hang-xom-phan-do-la-diem-go-su-that-khien-nguoi-me-day-dut-hoi-han-2021090514321247.chn