Cách xử trí khi trẻ bị kẹt tay vào cửa kính
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về sự việc một bé gái khoảng 3 tuổi bị kẹt cánh tay phải vào khe cửa kính cường lực. Có lẽ do khi bị kẹt đã cố gắng tìm cách thoát ra nên cánh tay của bé đỏ ửng. Tuy nhiên cô bé khá bình tĩnh, không hoảng sợ, la khóc, tay trái của bé bám vào một người phụ nữ. Đội ngũ cứu hộ đã nhanh chóng có mặt để tháo cánh cửa kính, giải cứu em bé này. Được biết, sự việc diễn ra tại sảnh của một căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội.
Trái lại với sự bình tĩnh của em bé, mọi người có mặt khá lo lắng và đứng quan sát đội ngũ cứu hộ làm việc. Không rõ sau bao lâu thì cứu hộ mới tháo kính thành công để giải cứu cho em bé này.
Hình ảnh bé gái bị kẹt tay vào cửa kính khiến nhiều người hoảng sợ.
Sự việc đã lập tức thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng, nhất là các ông bố bà mẹ có con nhỏ. Không ít người cảm thấy hoảng sợ vì tình huống này, đồng thời chia sẻ sự việc để cảnh báo, nhắc nhở các bậc phụ huynh cần trông nom, quan sát con cái kỹ càng hơn, tuyệt đối không bao giờ để con chơi một mình.
Chiếc cửa kính cường lực này hiện được dùng ở rất nhiều nơi. Từ trường học, nhà hàng, quán ăn đến các sảnh căn hộ chung cư, trung tâm thương mại... đều sử dụng. Đây cũng là nơi mà trẻ nhỏ thường xuyên được bố mẹ đưa tới.
Trẻ nhỏ đang trong độ tuổi thích khám phá nên tất cả mọi thứ xung quanh đều có sức hấp dẫn với chúng. Đôi khi, chỉ cần sự chủ quan, sao nhãng của bố mẹ trong vòng vài phút đã có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Cách xử trí khi trẻ bị kẹt tay vào cửa kính
Nếu không may tình huống con bị kẹt tay và cửa kính xảy ra, bố mẹ, người lớn đi cùng bé phải hết sức bình tĩnh để xử lý sự việc.
- Các bé khi gặp sự cố thường rất hoảng sợ, la khóc, hiếm có trường hợp bình tĩnh như cô bé nói trên. Khi con mất bình tĩnh, bố mẹ cần xoa dịu để con đỡ sợ. Nếu để trẻ bị kích động quá mức có thể làm tăng quá trình lưu thông máu, dẫn đến tình trạng vị trí bị kẹt sưng tấy, gây nguy hiểm.
- Bố mẹ không nên cố gắng lôi tay, chân của con ra khỏi vị trí bị kẹt. Như vậy sẽ làm bé hoảng sợ và đau đớn hơn mà không đem lại hiệu quả. Thay vào đó nên gọi lực lượng cứu trợ để có phương án xử lý phù hợp.
- Sau khi giải cứu con thành công, nếu vết thương không quá nặng, bố mẹ có thể sơ cứu tại chỗ để giảm đau, tránh sưng tấy cho con. Còn nếu nhận thất vết thương nặng, bố mẹ cần lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/hoang-hot-canh-be-gai-bi-ket-canh-tay-vao-cua-kinh-phu-huynh-tuyet-doi-khong-duoc-lo-la-vi-loai-cua-nay-xuat-hien-khap-noi-20200730175821301.chn