Cách truyền thông Mỹ thận trọng xướng tên người đắc cử

16:00' 07-11-2024
Truyền thông Mỹ kết hợp số liệu kiểm phiếu, kết quả thăm dò cùng nhiều yếu tố khác để xướng tên ứng viên đắc cử với độ chính xác cao.


    Cử tri Mỹ tại 50 bang và thủ đô Washington ngày 5/11 bỏ phiếu bầu tổng thống, với hai lựa chọn là Donald Trump, đảng Cộng hòa và Kalama Harris, đảng Dân chủ.

    Đến 19h ngày 5/11 (7h sáng 6/11 giờ Hà Nội), các điểm bầu cử bắt đầu đóng cửa, quá trình kiểm phiếu được tiến hành và giới chức công bố dần số liệu. Đây là yếu tố đầu vào quan trọng để những kênh truyền thông lớn của Mỹ có thể xướng tên người thắng ở từng bang cũng như chung cuộc.

    Khoảng 30 phút sau khi các điểm bầu cử đóng hòm phiếu, AP và CNN nhanh chóng xác định ông Trump thắng ở Indiana và Kentucky, giành 19 phiếu đại cử tri đầu tiên. Bà Harris được xác định thắng ở Vermont, giành ba phiếu đại cử tri.

    Kết hợp với thăm dò sau bỏ phiếu, quy định bầu cử và xu hướng trong quá khứ, dự đoán về ứng viên đắc cử của truyền thông Mỹ có độ chính xác rất cao. Dù vậy, đây chưa phải kết quả chính thức, bởi số liệu kiểm phiếu còn cần được giới chức địa phương xác nhận. Quy trình này có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần tùy khu vực.

    Phóng viên trong phòng dành cho truyền thông theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris ở Philadelphia, bang Pennsylvania ngày 10/9. Ảnh: AFP

    Phóng viên trong phòng dành cho truyền thông theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris ở Philadelphia, bang Pennsylvania ngày 10/9. Ảnh: AFP

    Truyền thông Mỹ bắt đầu xướng tên ứng viên thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 1848. Thời điểm đó, tivi, đài phát thanh, Internet đều chưa xuất hiện, điện báo mới bắt đầu phổ biến.

    Năm 1990, các tổ chức truyền thông hàng đầu Mỹ lập Nhóm báo chí bầu cử quốc gia (NEP), trong đó công ty nghiên cứu thị trường Edison Research cung cấp dữ liệu khảo sát cử tri sau bỏ phiếu để các thành viên phân tích. Năm 2016, hãng tin AP tách khỏi NEP, phát triển bộ phận chuyên về bầu cử AP VoteCast.

    Nhìn chung, để xác định ứng viên đắc cử tổng thống, truyền thông trước hết cần xướng tên người thắng từng bang và giành số phiếu đại cử tri của bang đó. Phần lớn những lần xướng tên này diễn ra ngay trong đêm bầu cử, bởi đa số các bang đều đã nghiêng về một trong hai đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, dễ phân định kết quả.

    Dựa trên kết quả tại các bang, truyền thông cộng dồn số đại cử tri của các bang chiến trường và xướng tên ứng viên đắc cử khi dự báo họ đạt mốc 270 phiếu.

    AP có mạng lưới hàng nghìn phóng viên tự do tại các điểm bầu cử trên khắp Mỹ. Những người này sẽ gửi số liệu kiểm phiếu về các trung tâm của hãng để nhập vào hệ thống. Họ cũng thu thập các thăm dò về nhân khẩu học, lựa chọn của cử tri đến bỏ phiếu. Một số khu vực bầu cử công bố kết quả trực tuyến và AP có nhóm theo dõi riêng.

    Đội ngũ phụ trách bầu cử của AP bắt đầu làm việc từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, nghiên cứu quy định tại các bang, hạt, hình thức bỏ phiếu và thay đổi, cập nhật trong luật bầu cử.

    "Họ tiếp nhận thông tin, kiểm tra thêm một, hai lần nữa để đảm bảo chính xác rồi mới nhập dữ liệu", Anna Johnson, trưởng văn phòng AP tại Washington nói với 13 News. Số liệu sẽ được phân tích theo mô hình. "Bất kể là bầu cử vị trí nào, chúng tôi đều áp dụng cùng một tiêu chuẩn để xướng tên".

    Cách thức Edison Research làm việc tương tự, cử hàng nghìn nhân viên đến các điểm bỏ phiếu gửi số liệu về đội ngũ phụ trách chính của công ty. Họ cũng thực hiện khảo sát với cử tri ngay tại điểm bầu cử hoặc qua thư điện tử.

    "Mọi thứ chúng tôi đưa ra đều chưa chính thức, nhưng dựa trên một nguồn chính thức", Joe Lenski, đồng sáng lập, phó chủ tịch điều hành Edison Research, nói.

    Phương pháp tính toán của hai bên khác nhau, nhưng đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phi đảng phái. Hai bên chỉ xướng tên người chiến thắng khi ứng viên đó dẫn trước với khoảng cách không thể lật ngược.

    "Nếu thấy có xu hướng rõ ràng, như ai đó đã dẫn trước từ sớm, chúng tôi sẽ thông báo", Anthony Salvanto, trưởng bộ phận bầu cử và thăm dò của CBS News, nói. "Khi toàn bộ phiếu đã được kiểm, hoặc nhận định một ứng viên chắc chắn sẽ thắng, chúng tôi xướng tên họ".

    "Toàn bộ quá trình đưa tin và phân tích nhằm giải quyết câu hỏi duy nhất: Các ứng viên còn lại có thể đuổi kịp người dẫn đầu không? Chỉ khi câu trả lời là 'không' và không còn hoài nghi gì, người thắng mới được xướng tên", theo AP.

    Khác biệt trong cách NEP và AP VoteCast tính toán thể hiện rõ nhất trong cuộc bầu cử năm 2020, khi Fox News, khách hàng của AP VoteCast, xướng tên ông Joe Biden thắng Arizona ngay đêm bầu cử 3/11. AP, NPR có động thái tương tự sau đó.

    Arizona lúc đó là bang chiến trường, nơi các ứng viên cạnh tranh nhau sít sao và chưa từng có ứng viên Dân chủ nào thắng tại đây kể từ năm 2000. Không có hãng tin nào khác xướng tên người thắng cuộc ở Arizona trong những ngày sau đó, làm dấy lên lo ngại. Những người ủng hộ ông Trump đã quyết liệt chỉ trích Fox News vì cho rằng họ xướng tên ông Biden "quá vội vàng".

    Đến ngày 12/11/2020, NBC News, ABC News, CNN và CBS News, các thành viên NEP, mới thông báo ông Biden thắng ở Arizona. "Mô hình máy tính của chúng tôi chỉ khuyến nghị xướng tên khi chắc chắn 99,5% về người chiến thắng", ông Lenski cho biết.

    AP từng thu hồi một dự đoán năm 2000. Hãng này và hầu hết các kênh truyền thông khi đó xướng tên ông Al Gore của đảng Dân chủ thắng bang Florida. Tuy nhiên, khi có thêm phiếu được kiểm, ông George W. Bush, đảng Cộng hòa vươn lên dẫn trước. AP không xướng tên lần hai vì cuộc đua "quá sít sao".

    Cử tri Mỹ trả lời thăm dò sau bỏ phiếu của Edison Research tại Raleigh, bang Bắc Carolina trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2012. Ảnh: AFP

    Cử tri Mỹ trả lời thăm dò sau bỏ phiếu của Edison Research tại Raleigh, bang Bắc Carolina trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2012. Ảnh: AFP

    Các kênh truyền thông Mỹ đang tăng cường nỗ lực đối phó thông tin sai lệch trong bầu cử, triển khai nhân viên đến điểm bầu cử để xóa bỏ những cáo buộc vô căn cứ về gian lận phiếu bầu.

    "Khi AP xướng tên cách đây 10 năm hoặc hơn, mọi người chấp nhận đó là kết quả cuộc đua, không có nhiều hoài nghi liên quan", bà Johnson nói. "Thời đó chắc chắn không có thông tin sai lệch nhiều như bây giờ".

    "Thông tin chính thống là liều thuốc giải độc tin giả", David Chalian, trưởng bộ phận tin tức chính trị tại CNN, cho biết. "Rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát những bên lan truyền thông tin xấu, nhưng chúng ta chủ động trong cung cấp thông tin đúng, bối cảnh rõ ràng cho khán giả".

    Họ cũng đang chuẩn bị cho một mùa bầu cử có thể mất nhiều thời gian để xác định ứng viên thắng. Năm 2020, truyền thông Mỹ mất 4 ngày để xướng tên ông Biden đắc cử, khi xác định được người thắng bang chiến trường Pennsylvania.

    "Nhìn vào bản đồ Mỹ, khó có thể thấy kịch bản ứng viên đắc cử mà không cần Pennsylvania", Arnon Mishkin, trưởng ban chuyên về bầu cử tại Fox News, nói với FT. Ông ước tính cử tri Mỹ có thể biết người thắng chung cuộc trong bầu cử năm nay vào ngày 8/11 hoặc sáng 9/11.

    "Nếu chênh lệch chỉ vài nghìn phiếu, việc xác định ứng viên thắng sẽ cần rất nhiều thời gian", Rick Klein, trưởng bộ phận tin tức chính trị của ABC News, nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/truyen-thong-my-xuong-ten-nguoi-dac-cu-the-nao-4811304.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ