Cách trồng và chăm sóc hoa nhài cho cành khỏe đẹp, hoa nở rộ tỏa hương khắp nhà
Tuy nhiên nhiều người phàn nàn rằng hoa nhài không dễ trồng. Khi mới mua về, hoa nhài còn phát triển sum suê, cành lá nở rộ nhưng sau khi hoa tàn, hoa nhài bắt đầu còi cọc, kém phát triển và hoa càng ngày càng ít. Điều này là do bạn chăm sóc hoa nhài chưa đúng cách.
1. Hoa nhài có thể nhân giống bằng cách giâm cành
Nếu sợ cây tàn lụi, bạn có thể nhân giống hoa nhài bằng cách giâm cành. Cách nhân giống rất đơn giản, bạn chỉ cần chọn cành khỏe mạnh, vặt bỏ bớt lá dưới gốc rồi cắm cành trong cát ẩm là được.
Nếu cẩn thận hơn, hãy nhúng cành giâm qua dung dịch kích rễ trước khi cắm cành vào cát. Đặt ở nơi thoáng mát, bóng râm, đảm bảo sau khoảng 20 ngày thì cành giâm sẽ bén rễ, chồi non bắt đầu xuất hiện. Lúc này, bạn có thể tách cây ra để trồng trong chậu lớn hơn.
2. Có 3 điểm mấu chốt trong việc chăm sóc hoa nhài
- Hoa nhài ưa môi trường ấm áp, nhiều nắng
Hoa nhài cũng giống như hoa hồng, thích phơi nắng, không thích môi trường quá râm mát. Loài hoa này ưa môi trường ấm áp và ánh nắng trực tiếp. Càng nhiều nắng, cây mới có thể phát triển tốt, hoa nở liên tục.
Hoa nhài trồng trong môi trường thiếu ánh sáng thì cành thường dài và mảnh khảnh hơn, lá nhỏ và có màu nhạt, hình dáng cây trông rất lộn xộn. Không những vậy, cây sẽ nở hoa ít hơn, thậm chí không ra hoa. Chính vì vậy, khi trồng hoa nhài bạn nên trồng những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào, tránh đặt cây ở nơi tối.
- Phải tỉa cành thường xuyên
Hoa nhài chỉ nở trên cành mới, tức chỉ có cành mới mọc mới có thể nở hoa, còn cành cũ sẽ không thể nở hoa. Nếu chúng ta để cành cũ phát triển dài ra, không cắt tỉa thì cành mới sẽ ít mọc ra hoặc không mọc, khiến hoa nở ít và thậm chí không ra hoa.
Để hoa nhài ra cành mới khỏe mạnh, mập mạp và ra nhiều hoa hơn, bạn phải kịp thời cắt tỉa những cành dài ra vào mùa đông trước khi mùa xuân bắt đầu. Cắt bỏ những cành mỏng và dài đi, chỉ để lại cành khỏe mạnh. Sau mỗi đợt hoa tàn cũng nên cắt tỉa hàng loạt. Khi được cắt tỉa đúng cách, hoa nhài mới mọc ra nhiều cành mới, dễ ra nụ và nở hoa hơn.
Bên cạnh đó, mỗi khi thấy cành bệnh thì bạn cũng nên cắt tỉa bớt để tránh lây lan mầm bệnh. Cây có quá nhiều cành rậm rạp thì sẽ cản ánh sáng, gây cản trở quá trình quang hợp và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Hơn nữa, khi cây rậm rạp thì khả năng thông gió bên trong kém dễ khiến hoa nhài bị bệnh. Vì vậy, khi thấy cành quá rậm rạp, cản trở nhau thì nên cắt tỉa kịp thời để cải thiện khả năng thông gió và ánh sáng cho cây, đồng thời giảm tiêu thụ chất dinh dưỡng của những cành không cần thiết, để hoa nhài có thể nở rộ.
- Bón nhiều phân cho hoa nhài
Nếu thiếu chất dinh dưỡng, hoa nhài sẽ phát triển chậm, tán lá có màu vàng. Nhưng nếu thừa chất dinh dưỡng, hàm lượng đạm dư thừa thì cây sẽ phát triển cành lá thay vì cho hoa.
Vì vậy nếu thấy cành lá có màu xanh đậm, mọc nhiều thì chứng tỏ cây đang thừa đạm, tốt hơn hết nên ngừng bón phân cho hoa nhài khoảng 1 tháng. Sau đó, bón phân lân, kali pha loãng hàng tuần để thúc cây ra hoa.
Nếu hoa nhài phát triển chậm, lá vàng, hãy bón phân pha loãng hàng tuần cho cây. Ngừng bón phân và hạn chế tưới nước cho hoa nhài vào mùa đông.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/cay-canh-vuon/3-diem-mau-chot-khi-trong-hoa-nhai-lam-dung-canh-khoe-hoa-no-ro-toa-huong-khap-nha-c283a573635.html