Cách tiếp cận 'song sinh' với Nga và Ukraine của tổng thống Pháp
Khủng hoảng biên giới của Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng trong tuần này. Mỹ đã thu hút sự chú ý của NATO và chuyển lực lượng về phía đông. Trong khi đó, Moscow tăng cường thêm quân tại khu vực biên giới.
Các quan chức Mỹ cho biết Điện Kremlin tập hợp 110.000 quân dọc biên giới với nước láng giềng thân phương Tây. Họ cho rằng Nga đang trên đà tích lũy một lực lượng đủ lớn - khoảng 150.000 binh sĩ - cho cuộc tấn công toàn diện vào giữa tháng 2.
Giới chức Mỹ đưa ra những dự đoán đáng ngại, cho rằng nếu Moscow động binh, thủ đô Kiev có thể bị hạ gục trong 48 giờ, số người thiệt mạng có thể lên tới 50.000 dân thường, 25.000 binh sĩ Ukraine và 10.000 quân Nga, tạo nên làn sóng tị nạn lên tới 5 triệu người, chủ yếu đổ vào Ba Lan.
Tuy nhiên, các quan chức cũng đang sốt sắng khám phá và phác thảo những con đường ngoại giao khả thi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào ngày 7/2. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp người đồng cấp Nga, Vladimir V. Putin, tại Moscow trước khi công du tới Kiev. Ngoại trưởng Đức, CH Czech, Slovakia và Áo dự kiến cũng có mặt tại Ukraine cùng một thời điểm.
Với việc chính quyền ông Biden đưa ra quan điểm cứng rắn, Đức né tránh và ông Putin quyết tâm đưa ra giải pháp cho những bất bình về an ninh của Nga, thì ông Macron đã tự đặt mình vào vị trí trung tâm của đường lối ngoại giao châu Âu.
AFP nhận định chuyến đi sẽ là canh bạc chính trị đối với ông Macron, người đang đối mặt với thách thức tái tranh cử diễn ra vào tháng 4 tới.
Cơ hội, nhưng cũng là rủi ro
Đối với Moscow, tổng thống Pháp là một "người đối thoại chất lượng", như cách ông Putin gọi ông Macron.
Đối với ông Macron, đây chính là cơ hội hàng đầu trong nỗ lực tạo ra kiến trúc an ninh châu Âu kiểu mới, đặt tổng thống Pháp lên hàng đầu, thậm chí là trung tâm.
Điều này giúp ông bước vào vai trò mới, có quyền lãnh đạo to lớn hơn với toàn bộ châu Âu, thể hiện tầm nhìn lớn của tổng thống Pháp về một đồng minh châu Âu độc lập và tách biệt với Mỹ.
Đối với Pháp, sự gần gũi giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình ngay trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là minh chứng cho thấy những hệ lụy đáng ngại của cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Chúng ta muốn một nước Nga hoàn toàn liên kết với Trung Quốc hay một nước nằm ở đâu đó giữa Trung Quốc và châu Âu?", Bruno Le Maire - Bộ trưởng Kinh tế Pháp, người thân cận với ông Macron - cho biết cuối tuần vừa rồi, sau khi Nga Trung tuyên bố "không có giới hạn đối với tình bạn của họ" và kêu gọi NATO "từ bỏ các phương pháp tiếp cận theo kiểu Chiến tranh Lạnh".
Chuyến công du lần này sẽ là canh bạc chính trị đối với ông Macron, người đang đối mặt với thách thức tái tranh cử diễn ra vào tháng 4 tới. Ảnh: Shutterstock. |
Ông Macron buộc phải bắt tay vào giải quyết những căng thẳng ngoại giao đang tồn tại.
Hành động này có rủi ro, nhưng cũng đi kèm những phần thưởng hậu hĩnh cho ông Macron. Tổng thống Pháp có mục đích kép: Ngăn chặn cuộc chiến có khả năng xảy ra từ quân đội Nga tại biên giới Ukraine và xoa dịu những bất bình âm ỉ của Nga từ việc NATO mở rộng lực lượng về phía đông vào năm 1999 và 2004. Tất cả là nhằm đưa Nga vào hệ thống an ninh mới của châu Âu để ngăn Moscow ngả về phía Bắc Kinh.
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng, nhưng ông Macron chưa bao giờ thiếu đi sự táo bạo. Ông cần phải hành động thật cẩn thận.
"Có một sự thất vọng giữa các nước châu Âu, bao gồm cả Đức, về xu hướng đứng lên phía trước của Pháp và sau đó lên giọng với họ vì không làm gì cả", Jeremy Shapiro, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, hiện là giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Châu Âu về Nước ngoài, cho biết. "Điều đó làm suy yếu vị thế của ông ấy".
Cách tiếp cận "song sinh"
Các quan chức Pháp đã mô tả một cách khái quát cách tiếp cận "song sinh" mà ông Macron sẽ áp dụng trong cuộc gặp với ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đầu tiên là sử dụng đàm phán Định dạng Normandy - gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga - để củng cố thỏa thuận Minsk 2 năm 2015. Đây là văn bản đảm bảo lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
New York Times cho rằng một số cách diễn giải về hiệp định có thể dẫn lối để đáp ứng yêu cầu "Ukraine không bao giờ gia nhập NATO" của ông Putin - điều kiện mà Mỹ và các đồng minh, trong đó có cả Pháp, kiên quyết từ chối.
Với sự tham vấn chặt chẽ của ông Biden, cách thứ hai là để đảm bảo tín hiệu giảm leo thang có thể đảo ngược quyết định điều thêm quân của Nga và khám phá xem "lằn ranh đỏ" cuối cùng của ông Putin trong cuộc đối đầu này là gì.
Quan chức tiết lộ ông Macron muốn khám phá xem "lằn ranh đỏ" cuối cùng của ông Putin là gì. Ảnh: New York Times. |
Quan chức cấp cao của tổng thống Pháp cho biết trung tâm của cuộc xung đột giữa phương Tây với ông Putin nằm ở chỗ "NATO mở rộng lực lượng, trong đó bao gồm các quốc gia Liên Xô cũ". Ông tiết lộ ông Putin nói với tổng thống Pháp rằng Moscow muốn có một cuộc trò chuyện thực chất đi vào trọng tâm của vấn đề.
Trên thực tế, thông điệp của Pháp chính là những yêu cầu của ông Putin sẽ không bao giờ được thỏa mãn, bao gồm cả việc đẩy NATO tránh xa khỏi các quốc gia trước đây do Liên Xô kiểm soát. Tuy nhiên, Pháp có thể "đi vào trọng tâm của vấn đề" như Putin muốn, kể cả thừa nhận việc NATO mở rộng đang tạo ra những bất bình thường trực cho Nga.
Không ai tin rằng Romania, Lithuania và các quốc gia đã gia nhập NATO sẽ rời bỏ khối này, hoặc NATO bãi bỏ tuyên bố Bucharest năm 2008 rằng Ukraine “sẽ trở thành” thành viên của liên minh. Tuy nhiên, "chúng ta có thể tiến một bước về phía Putin, thừa nhận ông ấy không hoàn toàn sai", theo Justin Vaïsse, cựu trưởng ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Pháp, người hiện đứng đầu Diễn đàn Hòa bình Paris.
Ngay cả quan chức cấp cao của tổng thống Pháp cũng thừa nhận "Ukraine không phải là thành viên của NATO và theo tôi, điều này sẽ diễn ra trong một thời gian dài nữa".
"Bất ổn là điểm mạnh của Nga"
Không chỉ vậy, ông Macron muốn tìm hiểu xem liệu bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, ông có thể bổ sung thêm yêu cầu vào lời đề nghị của Mỹ hồi tháng trước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này hay không.
Đề xuất của Mỹ liên quan đến yêu cầu minh bạch trong việc triển khai tên lửa ở Đông Âu, đồng thời kêu gọi cam kết có đi có lại của cả Mỹ và Nga nhằm kiềm chế triển khai tên lửa hoặc binh lính ở Ukraine. Ông Putin đã bác bỏ phản ứng của Mỹ khi cho rằng các đề xuất này là "không thỏa đáng".
“Lời đề nghị kiểm soát vũ khí ngày trước có thể kết hợp với một số loại cơ chế tham vấn cho những thay đổi trong hiện trạng của NATO, một số lệnh tạm hoãn mở rộng NATO; hoặc một số diễn giải mới về thỏa thuận Minsk, mang lại quyền phủ quyết cho hội đồng thành viên Donbas về những gì chính phủ sẽ làm”, cựu quan chức Shapiro gợi ý.
Tuy nhiên, những gợi ý này khó xảy ra với mối đe dọa vô cớ và trực diện của ông Putin với Ukraine, sự kiện sáp nhập Crimea, cuộc tiến quân chớp nhoáng Gruzia năm 2008 và lịch sử không tuân thủ các hiệp ước trước đó của Moscow. Chính quyền Tổng thống Biden, với chính sách ngoại giao chủ động quyền lực, báo hiệu họ không có tâm trạng thỏa hiệp.
Nga thực hiện cuộc tập trận ở vùng Rostov vào cuối tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy, ông Macron - người biết rằng nếu Nga đổ bộ Ukraine sẽ khiến chi phí khí đốt tăng cao hơn - nhận thấy một số tiềm năng ở đàm phán Định dạng Normandy.
Cuộc họp đầu tiên vào tháng trước đã kết thúc với bước tiến hạn chế. Cuộc gặp thứ hai sẽ sớm được lên kế hoạch và hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã được đề xuất.
Thỏa thuận Minsk 2 kêu gọi sự “phân quyền” của Ukraine mang lại “hiện trạng đặc biệt” cho những khu vực phía đông hiện do phe ly khai kiểm soát, với “các đặc điểm cụ thể” phải được thỏa thuận “với các đại diện trong khu vực”.
Nga lập luận rằng “các đặc điểm cụ thể” này cần bao gồm việc trao quyền phủ quyết các chính sách đối ngoại của Ukraine cho các đại diện được bầu ở những khu vực này, bao gồm cả tư cách thành viên NATO. Theo cách này, Ukraine dường như trở thành một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Không còn con đường nào khác, đàm phán Định dạng Normandy ít nhất cũng đưa các bên lại với nhau. Ông Shapiro lập luận rằng Normandy có thể giúp tạo ra sự ổn định.
“Sự bất ổn là điểm mạnh của Nga. Sự ổn định là thế mạnh của chúng tôi”, cựu quan chức ngoại giao nói. “Sự mở rộng của NATO và Liên minh châu Âu là cách hiệu quả để đảm bảo nền dân chủ ở các nước Đông Âu. Nếu tin vào tính ưu việt của mô hình kinh tế và chính trị phương Tây, sự ổn định là điều hiển nhiên, và phạm vi ảnh hưởng là cách khá tốt để thiết lập điều đó”.
Ông Putin, quan chức Pháp cho biết, "muốn có tầm nhìn lâu dài" về Ukraine và châu Âu. Điều đó khiến ông Macron rơi vào trò chơi nguy hiểm. Khi Tổng thống Macron đảm nhận vai trò kiến tạo hòa bình toàn cầu, ông phải cân bằng “trật tự an ninh mới của châu Âu” mà ông đang tìm kiếm cùng các cam kết với Mỹ và NATO.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/toan-tinh-cua-ong-macron-post1294547.html