Cách ông Trump tạo áp lực cho bà Harris

16:00' 21-10-2024
Ông Trump liên tục tung ra những cảnh báo để khiến người Mỹ sợ hãi về vấn đề nhập cư hay kinh tế, khiến bà Harris chật vật tìm cách đối phó.


    Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào chặng nước rút, khi hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris chạy đua lôi kéo cử tri trước ngày bầu cử 5/11, đặc biệt là ở 7 bang chiến trường sẽ định đoạt người chiến thắng.

    Tại cuộc mít tinh ở bang chiến trường Arizona hôm 13/10, ông Trump nói rằng nếu bà Harris được bầu, "toàn bộ đất nước sẽ biến thành trại di cư". Khi vận động ở bang Wisconsin cuối tháng 9, ông cảnh báo người nhập cư "sẽ bước vào bếp của bạn và cắt cổ bạn", thêm rằng "thị trấn, thành phố và đất nước của các bạn đang bị phá hủy".

    Theo giới quan sát, ông Trump từ lâu đã sử dụng chiến thuật gieo rắc sợ hãi như công cụ để tăng cường sự ủng hộ của cử tri. Cựu tổng thống bình luận về nhiều chủ đề nóng trong các cuộc vận động tranh cử, từ chính sách nhập cư, thuế quan hay xe điện, nhưng thông điệp chính xuyên suốt thường là lời đe dọa về một nước Mỹ "bị hủy hoại" nếu ông thất bại trước bà Harris.

    "Các bạn sẽ không còn đất nước nữa. Tốt hơn hết các bạn nên hy vọng tôi đắc cử", ông Trump nói tại cuộc mít tinh ở Las Vegas tháng trước.

    Cựu tổng thống gần đây leo thang giọng điệu chống nhập cư gay gắt, cảnh báo những người ngoại quốc mang "gene xấu" đã "xâm chiếm" nước Mỹ. Ông cũng tuyên bố người di cư Haiti đang "ăn thịt thú cưng" ở Ohio, dù giới chức bang đã bác bỏ cáo buộc này.

    Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Prescott Valley, bang Arizona ngày 13/10. Ảnh: AP

    Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Prescott Valley, bang Arizona ngày 13/10. Ảnh: AP

    Ngày 11/10, khi vận động tranh cử ở bang Colorado, ông nhấn mạnh sẽ "bắt đầu chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ" nếu tái đắc cử.

    "Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới. Chúng tôi sẽ ngăn chặn cuộc xâm chiếm đất nước của những người di cư bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ", ông tuyên bố.

    Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, cho rằng những bình luận trên của cựu tổng thống phản ánh quan điểm về thực tế thảm khốc mà nước Mỹ phải đối mặt. Viện dẫn vấn đề lạm phát, tội phạm và cuộc khủng hoảng chất gây nghiện fentanyl, Leavitt cho biết ông Trump "nhận ra tình trạng lao dốc của đất nước và đang đưa ra tầm nhìn lạc quan cho tương lai, giúp Mỹ an toàn và thịnh vượng trở lại".

    Ngoài các vấn đề trong nước, ông Trump cũng thường xuyên cảnh báo Mỹ đứng bên bờ vực chiến tranh toàn cầu mà chỉ ông mới có thể ngăn chặn. Cho rằng nhiệm kỳ đầu của ông đã duy trì nền hòa bình của thế giới, cựu tổng thống lập luận rằng việc đảng Dân chủ tiếp tục lãnh đạo đất nước sẽ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.

    Ông Trump đã nói với hàng trăm người ủng hộ ở Bắc Carolina rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Harris sẽ không dừng lại cho đến khi "gửi những đứa trẻ Mỹ đến Ukraine và bỏ mạng bên kia đại dương". Tổng thống Biden đã bác bỏ bình luận sau đó.

    Cựu tổng thống thậm chí nói rằng thế giới đứng trước nguy cơ xung đột hạt nhân nếu không ông không thắng cử. "Bạn sẽ thấy Thế chiến III. Các bạn sẽ thấy cuộc thảm sát hạt nhân nếu chúng ta không cẩn thận", ông nói tại sự kiện ở Las Vegas.

    Sarafina Chitika, phát ngôn viên chiến dịch của bà Harris, chỉ trích những bình luận mang tính "hù dọa" của cựu tổng thống. "Donald Trump không còn gì để nói với người Mỹ ngoài những điều đen tối và dối trá. Thay vì đưa ra giải pháp, ông ấy lan truyền thuyết âm mưu và hủy hoại đất nước chúng ta", bà nói.

    Phó tổng thống Harris cũng tăng cường công kích Trump trong cuộc mít tinh ở Bắc Carolina cuối tuần qua, chỉ trích ông không tiết lộ hồ sơ y tế cá nhân và từ chối tranh luận lần hai với bà.

    Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử cận kề, nhiều thành viên đảng Dân chủ ngày càng lo lắng. Họ nhận thấy sự nhiệt thành mà cử tri Mỹ dành cho đảng Dân chủ khi bà Harris bước vào cuộc đua hồi tháng 7 và có cuộc tranh luận được đánh giá tốt hơn Trump hồi tháng 9 chưa giúp họ nắm chắc phần thắng.

    Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Douglas, bang Arizona ngày 27/9. Ảnh: AFP

    Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Douglas, bang Arizona ngày 27/9. Ảnh: AFP

    Bà Harris dẫn trước ông Trump trong một số cuộc khảo sát dư luận quốc gia gần đây, nhưng ưu thế này đang ngày càng hẹp dần và nhiều người lo ngại ứng viên đảng Dân chủ có thể giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thất bại về phiếu đại cử tri, giống như kịch bản của bà Hillary Clinton năm 2016.

    Cuộc cạnh tranh sít sao giữa hai ứng viên cho thấy nhiều cử tri vẫn nghiêng về Trump, khi ông dường như biết cách "rót vào tai" hàng triệu người Mỹ những điều họ muốn nghe, đặc biệt là cảnh báo gây sợ hãi về "tương lai đen tối", theo giới quan sát.

    Đảng Cộng hòa cho rằng chính sách của chính quyền Biden - Harris đã dẫn tới lạm phát nghiêm trọng, điều mà Nhà Trắng đã cố tìm cách giải quyết và đã thu được thành công nhất định. Ông Trump cũng đề cập tới cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 như minh chứng cho thấy chính quyền Biden - Harris hiện bị coi là yếu thế trên toàn thế giới.

    Doug Sosnik, chiến lược gia đảng Dân chủ, cho rằng bà Harris đã chững lại trong cuộc đua tranh cử những ngày qua, khi ông Trump liên tiếp giành được một số lợi thế nhờ những tuyên bố mang tính đe dọa của mình. Sosnik nhận định nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo có thể được định đoạt dựa vào ứng viên nào tự coi mình là tác nhân thay đổi.

    Chiến dịch tranh cử của ông Trump cuối tuần qua có câu trả lời. "Bà ấy không thể thuyết phục cử tri rằng mình là tác nhân thay đổi trong cuộc đua, rằng bà ấy sẽ làm tốt hơn về vấn đề kinh tế, lạm phát, tội phạm hoặc cải thiện tình hình tài chính cho người dân. Và điều quan trọng là cử tri nói rằng ông Trump sẽ làm tốt hơn", tuyên bố nêu rõ.

    Sosnik đặt câu hỏi là liệu bà Harris có thể chịu được áp lực để có thể thuyết phục những người không muốn bỏ phiếu cho Trump nhưng lo ngại về ứng viên Dân chủ hay không.

    "Họ không thấy bà ấy cho họ đủ lý do để bỏ phiếu. Bà ấy vẫn chưa làm được điều đó", chiến lược gia này nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-thuat-gieo-so-hai-cua-trump-gay-ap-luc-voi-ba-harris-4804158.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ