Cách Liên Xô thu thập thông tin về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Cơ quan lưu trữ Nga gần đây giải mật một số tài liệu mới, cho thấy cách Liên Xô thu thập thông tin về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, thời điểm thế giới lo ngại nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa hai nước.
Lợi thế đáng kể của Liên Xô trong nỗ lực thu thập thông tin tình báo về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là sự tham gia của các kỹ sư Xô Viết trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp hạt nhân tại nước này.
Ngay từ năm 1968, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin đã yêu cầu Bộ Địa chất báo cáo về nguồn uranium ở Trung Quốc. Các báo cáo này cho biết chuyên gia Liên Xô từng tham gia tìm kiếm mỏ uranium ở Trung Quốc từ giai đoạn 1955-1960.
Trong 5 năm đó, các chuyên gia Liên Xô đã khảo sát 30% số khu vực tiềm năng và phát hiện 15 mỏ chứa quặng uranium, cho phép Liên Xô tính toán được trữ lượng uranium Trung Quốc có thể khai thác từ các mỏ.
Tuy nhiên, quan hệ gần gũi giữa hai nước giai đoạn này cũng là một bất lợi cho hoạt động tình báo. Trong thập niên 1950, Liên Xô giúp Trung Quốc đào tạo nhân viên tình báo và rút phần lớn điệp viên của mình khỏi nước này.
Điều này khiến Liên Xô gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển mộ đặc tình tại Trung Quốc, nhất là khi quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ tại biên giới Xô - Trung tháng 3/1969. Trong thời kỳ đó, tập san nội bộ của KGB đã đăng nhiều bài viết về cách thuyết phục công dân Trung Quốc cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô.
Chuyên gia và kỹ sư Trung Quốc ăn mừng sau khi thử thành công bom nguyên tử tại Tân Cương, tháng 10/1964. Ảnh: SCMP.
Ngoài tuyển mộ đặc tình, một phương pháp khác Liên Xô sử dụng để thu thập thông tin tình báo về chương trình hạt nhân Trung Quốc là chặn thu tín hiệu, theo dõi các biến động trong khí quyển và quan sát bằng vệ tinh.
Tình báo Liên Xô rất chú ý đến các trạm quan sát khí tượng của Trung Quốc để xác định liệu nước này chuẩn bị thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay không. Liên Xô từng chặn thu tín hiệu gửi chỉ thị tới hai trạm quan sát khí tượng ở Tân Cương hồi tháng 9/1967.
Trong đợt khủng hoảng biên giới Xô - Trung năm 1969, Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) liên tục theo dõi hoạt động của các trạm khí tượng ở Tân Cương để dự đoán vụ thử hạt nhân sắp tới. Ngoài ra, Liên Xô còn theo dõi oanh tạc cơ Trung Quốc và thu thập các mẫu phóng xạ trong không khí.
Tình báo vệ tinh cũng tham gia vào nỗ lực này. Ngày 24/10/1966, vệ tinh Liên Xô phát hiện một tên lửa lớn cao tới 23 mét của Trung Quốc, giúp GRU kết luận rằng nước này có thể đã sản xuất thành công lô tên lửa Đông Phong đầu tiên. Tháng 8/1967, vệ tinh phát hiện một tên lửa khác có chiều cao 30-35 m, đường kính lên tới 3 m, mà GRU tin rằng nó có tầm bắn trên 2.000 km.
Tuy nhiên, giới chức Liên Xô không hài lòng với khả năng thu thập thông tin tình báo về các vụ thử hạt nhân của Trung Quốc. Ivan Serbin, đứng đầu Ban Công nghiệp Quốc phòng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, hồi tháng 7/21968 phàn nàn rằng "hiệu quả hoạt động phát hiện các vụ thử hạt nhân (của Trung Quốc) còn thấp, thông tin về chúng rất chậm trễ".
Serbin cho biết một sơ sở đặc biệt được triển khai tại Mông Cổ năm 1967 "không thể phát hiện vụ nổ hạt nhân trên không của Trung Quốc, trong khi các trạm quan sát nằm xa hơn lại theo dõi được".
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, tình báo Liên Xô có thể thu thập được nhiều thông tin quan trọng về các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thông qua những tấm áp phích chữ lớn được gắn bên ngoài và thể hiện những quan điểm chính trị nhất định.
Một trong những áp phích như vậy giúp Liên Xô biết được rằng một nhà khoa học cấp cao thuộc Cơ sở Chế tạo Máy công nghiệp số 7, nơi vận hành chương trình tên lửa Trung Quốc, đã chết trong một cuộc đấu tố.
Một số người Trung Quốc đào tẩu sang Liên Xô thời kỳ này cũng cung cấp thông tin quan trọng về chương trình hạt nhân trong nước. Wang Ming, một cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, mang tới cho Liên Xô nhiều thông tin giá trị, đặc biệt là về bom nguyên tử của nước này.
Bộ Chính trị Liên Xô khi đó thành lập Viện Nghiên cứu Các vấn đề Trung Quốc Hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học với 200 thành viên để xử lý những thông tin trên. Bộ Ngoại giao và Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên Xô được lệnh cung cấp thông tin tuyệt mật cho viện.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-3 do Trung Quốc tự sản xuất tại một căn cứ. Ảnh: PLA.
Các đặc vụ tình báo và nhân viên ngoại giao Liên Xô thời kỳ này rất chú ý đến quan điểm của học giả nước ngoài về chương trình hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là các chuyên gia Mỹ. Giáo sư Mỹ Robert Barnett từng nói với bí thư thứ nhất đại sứ quán Liên Xô rằng hai nước "nên xem xét kế hoạch phòng thủ từ đòn tấn công tới phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc".
GRU cũng quan tâm tới báo cáo của các viện nghiên cứu nước ngoài. Trong bản dịch báo cáo "Học thuyết quân sự của Trung Quốc" do Công ty Nghiên cứu Phân tích (RAC) phát hành, người đứng đầu GRU khi đó là Petr Ivashutin lưu ý Trung Quốc "sợ nhất một cuộc tấn công chiến lược bất ngờ bằng vũ khí hạt nhân".
Tình báo Liên Xô còn khai thác các nguồn tin nước ngoài để tìm hiểu tác động của đòn răn đe hạt nhân với Trung Quốc trong đụng độ biên giới năm 1969. Trong báo cáo hồi tháng 10/1969, GRU cho biết "giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Trung Quốc tham gia đàm phán dưới sức ép từ cảnh báo của Liên Xô".
Một báo cáo khác cùng tháng của GRU cho biết "các chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng lực lượng hạt nhân Trung Quốc không có tác động đáng kể đến vị thế quân sự và chính trị, chiến lược quân sự của Trung Quốc và tình hình thế giới nói chung".
Các tài liệu về hoạt động thu thập thông tin tình báo về chương trình hạt nhân Trung Quốc của Liên Xô mới được công bố chỉ ở mức sơ bộ, song chúng chứng minh rằng các siêu cường vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu ý định sử dụng hạt nhân của nước khác.
Thông tin được công bố trong bối cảnh Mỹ muốn chấm dứt Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga và đàm phán một thỏa thuận mới bao gồm cả Trung Quốc.
"Washington nên nhớ rằng Moskva đang xem xét theo cách tương tự với những bằng chứng phức tạp, đồng thời quan tâm sâu sắc đến quan điểm của các bên thứ ba", chuyên gia quan hệ quốc tế Joseph Torigian viết trên tờ Foreign Policy. "Rất khó để tìm được câu trả lời rõ ràng, song hiểu phân tích của Nga về vũ khí hạt nhân Trung Quốc là điều quan trọng để đạt được hợp tác giữa các cường quốc".
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cach-lien-xo-tham-do-nang-luc-hat-nhan-trung-quoc-4180686.html