Tây Ban Nha và sức ép từ vấn đề người di cư
Chính phủ Tây Ban Nha đang chịu nhiều sức ép từ phe đối lập liên quan đến cách giải quyết người di cư trên quần đảo Canary - nơi gần đây phải tiếp nhận số người vượt biên trái phép gia tăng đột biến.
Các đảng đối lập tại Tây Ban Nha đã kêu gọi ông Fernando Grande-Marlaska, Bộ trưởng Nội vụ nước này, từ chức sau khi cảnh sát Tây Ban Nha ngày 18/11 cho phép 200 người di cư rời một trại tị nạn ở cảng Arguineguin trên đảo Gran Canaria.
Số người di cư này sau đó đã được đưa tới thủ phủ Las Palmas của đảo bằng xe buýt, song lại không có nơi để tá túc.
Điều này đã khiến nhiều quan chức địa phương và các nhà vận động cáo buộc Chính phủ Tây Ban Nha làm việc tùy hứng.
Tranh luận tại Quốc hội, ông Grande-Marlaska cho biết ông đã ra lệnh mở cuộc điều tra để làm rõ việc này, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu Bộ của ông bị phát hiện đã có hành động không phù hợp.
Theo Chính phủ Tây Ban Nha, khoảng 200 người di cư trong ngày 18/11 đã được đưa đi từ Arguineguin tới một doanh trại do quân đội mới dựng lên ở một kho vũ khí cũ gần thủ phủ Las Palmas. Quân đội Tây Ban Nha cho biết trại này có 23 lều đủ để 200 cư trú.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết kể từ đầu năm 2020 đến nay, số người vượt biên trái phép đặt chân tới quần đảo Canary là hơn 16.700 người, gấp 11 lần tổng số người diện này vào năm ngoái.
Thực tế này đã khiến các trại tị nạn trên quần đảo quá tải, khiến nhiều người di cư sống tạm trong các khách sạn bị bỏ trống do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người đứng đầu chính quyền trên đảo Canary đã kêu gọi chính phủ trung ương sớm đưa người di cư từ quần đảo này vào đất liền để giảm gánh nặng cho khu vực này.
Về vị trị địa lý, quần đảo Canary nằm cách lãnh thổ Maroc 100km. Do đó, năm 2006, đây từng là "điểm nóng" đối với người di cư khi tiếp nhận tới 30.000 người tìm cách vượt biên từ châu Phi sang châu Âu.
Làn sóng người di cư tìm cách vượt biên vào "lục địa già" qua vùng biển này đã hạn chế sau đó khi chính quyền quần đảo Canary đạt thỏa thuận với các nước Phi tăng cường giám sát an ninh và đưa người di cư hồi hương.
Tuy nhiên, việc các nước châu Âu khác siết chặt việc tiếp nhận người di cư một lần nữa khiến đảo này tiếp nhận số người di cư trái phép tăng đáng kể, nhất là từ tháng 9/2020, bất chấp sự nguy hiểm.
Theo số liệu báo cáo chính thức, đã có ít nhất 500 người thiệt mạng khi lựa chọn cung đường vượt biên trái phép này./.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-tay-ban-nha-chiu-nhieu-suc-ep-ve-van-de-nguoi-di-cu/677786.vnp