Các ứng cử viên Dân chủ phản đối việc ủng hộ khu định cư Do Thái
Công trình xây dựng khu định cư Do Thái Ramat Shlomo ở Jerusalem. (Ảnh: AFP)
Ngày 19/11, các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây chiếm đóng, cho rằng đây là động thái gây trở ngại cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Sau quyết định đảo ngược chính sách kéo dài 40 năm qua của Mỹ đối với các khu định cư của Israel, trong một tuyên bố, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án hành động trên của chính quyền Tổng thống Trump vì cho rằng hành động này sẽ gây tổn hại cho sự nghiệp ngoại giao của Mỹ, khiến hy vọng về một giải pháp "hai nhà nước" ngày càng trở nên xa vời và sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ông Biden khẳng định hành động trên không phải là vì hòa bình hay an ninh và cũng không phải là vì ủng hộ Israel. Nó làm tổn hại tương lai của Israel và nhằm phục vụ mục đích chính trị cá nhân của Tổng thống Trump.
Cùng với ông Biden, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren tuyên bố bà sẽ đảo ngược quyết định này nếu được bầu làm Tổng thống và cống hiến cho những nỗ lực của Mỹ đối với giải pháp "hai nhà nước."
Bà Warren chỉ trích quyết định trên là một nỗ lực khác của chính quyền Tổng thống Trump nhằm "che đậy" những thất bại khác trong khu vực Trung Đông và khiến cho khả năng đạt được một giải pháp hòa bình trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, theo Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, việc Israel xây dựng các khu định cư của người Do thái ở vùng lãnh thổ chiếm đóng là bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế cũng như nhiều nghị quyết của Liên hợp quốc.
Ông Sanders cho rằng Tổng thống Trump một lần nữa lại đang khiến Mỹ bị cô lập và làm suy yếu chính sách ngoại giao của nước này.
Các ứng cử viên Tổng thống khác của đảng Dân chủ cũng lên tiếng phản đối khi cho rằng quyết định đảo ngược chính sách bao lâu nay của Mỹ đã tạo ra một rào cản khác cho cuộc đàm phán về hòa bình cho khu vực Trung Đông.
Trước đó, ngày 18/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây, khẳng định sau khi nghiên cứu kỹ tất cả các khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư trên về bản chất không phải là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Pompeo cũng trích dẫn đánh giá năm 1981 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhận định rằng các khu định cư này không phải “vốn đã bất hợp pháp,” đồng thời cho biết Chính phủ Mỹ không bày tỏ quan điểm về tình trạng pháp lý của bất kỳ khu định cư riêng lẻ nào, hoặc giải quyết hay đánh giá trước tình trạng cuối cùng của khu Bờ Tây.
Đây là một trong những động thái mới nhất của Mỹ cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của nước này đối với Israel, song có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine cũng như khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thay đổi một loạt chính sách đối với vấn đề giữa Israel và Palestine, công nhận Jerusalem, thánh địa gây tranh cãi giữa Israel và Palestine là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến thành phố này.
Ngoài ra, ông cũng quyết định đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington và chấm dứt hỗ trợ tài chính cho người Palestine cũng như cho Cơ quan làm việc và cứu trợ của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine.
CherryHill – mang niềm vui đến cho cả gia đình
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/cac-ung-cu-vien-dan-chu-phan-doi-viec-ung-ho-khu-dinh-cu-cua-israel/608502.vnp