Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt

17:00' 10-05-2024
Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục, gây ra nhiều mối lo ngại.


    Khi Mặt Trời mọc trên rạn san hô Great Barrier, ánh sáng xuyên qua làn nước màu ngọc lam tại đầm nước nông, khiến khung cảnh trở nên sống động.

    Vùng nước bao quanh Đảo Lady Elliot, ngoài khơi bờ biển phía đông Australia, được xem là một trong những nơi tuyệt vời nhất để bơi lặn ống thở, ngắm nhìn sinh vật dưới biển.

    Nhưng nơi đây nằm ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, vì là một trong những địa điểm đầu tiên hứng chịu hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt đang lan rộng khắp thế giới.

    Rạn san hô Great Barrier vừa trải qua mùa hè tồi tệ nhất trong lịch sử, theo CNN.

    Tờ báo cho biết hiện tượng tẩy trắng trên rạn san hô Great Barrier vào giữa tháng 2 đã diễn ra trên 5 rạn san hô khác nhau, trải dài từ phía bắc đến phía nam của hệ sinh thái dài 2.300 km.

    Vào tháng 4, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) có trụ sở tại Mỹ cho biết thế giới đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu hiếm thấy.

    Đây là sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ 4 từng được ghi nhận kể từ cuối những năm 1990 - gây ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia.

    Hình ảnh san hô bị tẩy trắng trong sự kiện tẩy trắng hàng loạt năm 2016. Ảnh: The Ocean Agency/XL Catlin Seaview Survey/Richard Vevers.

    “Những gì đang xảy ra trong đại dương của chúng ta giống cháy rừng dưới nước”, Kate Quigley, nhà nghiên cứu chính tại tổ chức Minderoo của Australia, nói. “Chúng ta sẽ chứng kiến sự nóng lên đến mức chạm tới điểm bùng phát và không thể quay trở lại như trước”.

    “Bản án tử”

    Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm mất đi màu sắc rực rỡ.

    San hô có thể phục hồi sau quá trình tẩy trắng nếu nhiệt độ trở lại bình thường, nhưng chúng sẽ chết nếu nhiệt độ nước biển nóng hơn.

    “Đó là sự diệt vong”, giáo sư Ove Hoegh-Guldberg - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Queensland ở Australia, đồng thời là nhà khoa học trưởng tại Tổ chức Rạn san hô Great Barrier - nói. “Nhiệt độ trở nên ấm nóng đến mức vượt quá bình thường… trước đây chúng chưa bao giờ xảy ra ở mức độ như vậy”.

    Việc phá hủy hệ sinh thái biển có thể mang đến “bản án tử” cho khoảng 1/4 số loài sống phụ thuộc vào san hô. Nó cũng đe dọa ước tính khoảng một tỷ người sống dựa vào các loài cá giữa rạn san hô để kiếm ăn và sinh kế.

    Các rạn san hô cũng cung cấp sự bảo vệ quan trọng cho bờ biển, giảm tác động của lũ lụt, lốc xoáy cùng mực nước biển dâng.

    Vì vậy, “nhân loại đang bị đe dọa ở mức độ mà tôi không chắc chúng ta có thực sự hiểu được hay không”, Hoegh-Guldberg nói.

    Hình ảnh Rạn san hô Great Barrier được chụp vào năm 2022. Ảnh: Hiệp hội bảo tồn biển Australia/Grumpy Turtle.

    “Tôi cầu nguyện san hô quay trở lại”

    Bên cạnh là phi công, gần 20 năm qua, Peter Gash còn cùng gia đình điều hành các tour du lịch đến hòn đảo Lady Elliot - bãi san hô xa xôi nằm trên đỉnh cực nam của rạn san hô Great Barrier.

    “Chúng tôi biến nó thành công việc của cuộc đời mình”, Gash nói. “Vợ chồng tôi cưới nhau, tôi đã đi học lái máy bay để đưa mọi người đến đây”.

    Nhiều thập kỷ trước, hòn đảo này là vùng đất cằn cỗi, không có thảm thực vật sau nhiều năm khai thác chất thải chim biển giàu dinh dưỡng - được gọi là phân chim - vào cuối những năm 1800.

    Gia đình Gash bắt đầu đưa hòn đảo này trở lại cuộc sống, trồng khoảng 10.000 loài cây bản địa để tạo ra khu rừng nhân tạo và khu bảo tồn thiên nhiên. Họ cũng sử dụng năng lượng mặt trời, pin và hệ thống khử mặn nước để hỗ trợ khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái nhỏ.

    Hòn đảo hiện là nơi sinh sống của 200.000 loài chim biển. Chúng đã giúp tái tạo các rạn san hô quanh đảo.

    “Nếu chúng ta có thể phục hồi được nơi nhỏ bé này, chúng ta cũng có thể phục hồi được nơi rộng lớn hơn - toàn bộ hành tinh này”, Gash nói. “Đó là điều thực sự thúc đẩy tôi: Cố gắng khuyến khích mọi người hiểu rằng điều đó không phải là vô vọng mà có thể thực hiện được”.

    Ông đã hỗ trợ đưa phóng viên CNN xuống nước, bơi lặn ống thở để khám phá “khu rừng nhiệt đới dưới nước” ở sân sau nhà.

    Thế nhưng, khi nổi lên để lấy hơi, ngay cả ông cũng không thể che giấu được cú sốc của mình trước mức độ tẩy trắng san hô.

    “Mọi chuyện còn tệ hơn tôi nghĩ”, Gash nói. “Tôi chỉ cầu nguyện san hô sẽ quay trở lại vào năm tới”.

    Thế giới đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu hiếm thấy. Ảnh: Hiệp hội bảo tồn biển Australia/Grumpy Turtle.

    “Im lặng như nghĩa địa”

    Ngoài rạn san hô Great Barrier, đợt nắng nóng trên biển cũng tác động đến những rạn san hô nổi tiếng khác - bao gồm rạn san hô ở Biển Đỏ, Indonesia và Seychelles.

    Năm 2023, nhiệt độ đại dương tăng vọt đã gây ra sự phá hủy san hô trên diện rộng ở Caribe và Florida. Các chuyên gia Mỹ dự đoán thiệt hại có thể tiếp tục xảy ra vào mùa hè tới.

    “Tôi ngày càng lo ngại về mùa hè năm 2024 đối với vùng rộng lớn hơn ở Caribe và Florida”, Derek Manzello, điều phối viên chương trình Theo dõi rạn san hô của NOAA cho biết.

    Vào tháng 2, NOAA đã bổ sung 3 cấp độ mới vào bản đồ cảnh báo tẩy trắng san hô nhằm cho phép các nhà khoa học đánh giá quy mô mới của hiện tượng nóng lên dưới nước.

    Giới khoa học hy vọng những hình ảnh về sự kiện tẩy trắng hàng loạt - cùng dự đoán ảm đạm về sự tồn tại của rạn san hô - sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới hành động quyết liệt hơn trong việc giảm lượng khí thải carbon.

    Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng “câu giờ” cho rạn san hô cho đến khi thế giới có thể kiểm soát được lượng khí thải.

    Trong 6 năm qua, Peter Harrison và nhóm của ông tại Đại học Southern Cross ở New South Wales đã phát triển chương trình “IVF san hô” nhằm tăng khả năng sinh sản loài này.

    Giới nghiên cứu đã sử dụng lưới đánh cá để bắt các loài san hô sinh sản khỏe mạnh, sau đó nuôi ấu trùng trong bể nổi trước khi thả chúng vào khu vực bị hư hại nhằm giúp thúc đẩy quá trình phục hồi.

    “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, trên khắp hành tinh để giữ cho san hô tồn tại ở càng nhiều rạn càng tốt”, Harrison nói.

    Một số dự án nghiên cứu cũng đang được thực hiện tại Viện Khoa học Hàng hải Australia (AIMS) nhằm mục đích nhân giống san hô chịu nhiệt, có thể tồn tại ở nhiệt độ cao hơn.

    Giới khoa học dự đoán với tốc độ nóng lên hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2050. Ở mức nhiệt đó, 99% rạn san hô sẽ chết.

    Đối với các nhà sinh học biển, chứng kiến sự chết chóc này mang lại cảm giác đau buồn.

    “Ít nhất thì các rạn san hô cũng là ‘con chim hoàng yến trong mỏ than’ để chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu”, David Wachenfeld, giám đốc chương trình nghiên cứu tại AIMS cho biết.

    “Quỹ đạo mà chúng ta đang đi khá đáng sợ”, ông nói thêm.

    Harrison, nhà nghiên cứu tại Đại học Southern Cross, mô tả đó là “nỗi đau sinh thái”.

    “Vài tháng trước đây, nếu bạn bơi qua rạn san hô, bạn sẽ thấy nó đầy màu sắc - âm thanh của rạn san hô thật đáng kinh ngạc ", ông nói. “(Nhưng khi) bạn bơi trở lại, toàn bộ nơi này như một nghĩa địa. Im lặng như nghĩa địa vậy”.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from zing.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ