Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều bật tăng trở lại

11:56' 18-03-2020
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/3, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều bật tăng trở lại sau một ngày đen tối nhất kể từ năm 1987.


    Chung khoan My tang tro lai sau ngay
    Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX)

    Đây được xem là tín hiệu tích cực sau nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của chính phủ, tác động đến một số lĩnh vực kinh tế và hoạt động kinh doanh đang giảm sút mạnh.

    Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 298,53 điểm (1,7%), lên 20.527,63 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng lên 2.435,48 điểm (2,1%). Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng lên 7.049,06 điểm (2,1%).

    Như vậy, sau ba phiên giảm liên tiếp bất chấp việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ cắt giảm lãi suất về gần 0% vào ngày 15/3, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp thứ hai chỉ trong chưa đầy hai tuần, trước thềm cuộc họp chính sách ngày 17-18/3, thị trường Phố Wall đã phục hồi phần nào.

    Trước đó, ngày 16/3 đã trở thành ngày "thứ Hai đen tối" khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thê thảm khi các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh.

    Các chỉ số thậm chí đã giảm sâu hơn vào cuối phiên khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ tạm dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập các nhóm lớn hơn 10 người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

    Phiên giao dịch ngày 16/3 của Phố Wall đã bị tạm dừng 15 phút ngay sau khi mở cửa khi đà giảm 8% của S&P 500 đã kích hoạt cơ chế "ngắt" tự động. Đó là lần thứ ba kể từ tuần trước, cơ chế này bị kích hoạt.

    Ông Trump cho biết kinh tế Mỹ có thể đang tiến vào suy thoái, trong khi hầu hết những người theo dõi thị trường tại thời điểm này cũng đang chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái, song họ nói còn quá sớm để biết quy mô của đợt suy thoái này.

    Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo rằng những cú “trượt dốc” trên thị trường chứng khoán Phố Wall nhiều khả năng chưa thể kết thúc, mặc dù các nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn tác động từ dịch viêm đường hô hấp COVID-19 lên nền kinh tế Mỹ.

    Goldman Sachs cảnh báo các khách hàng rằng chỉ số S&P 500 có thể chạm đáy ở khoảng 2.000 điểm vào giữa năm nay, đánh dấu mức giảm 41% từ mức cao kỷ lục mới thiết lập hồi tháng Hai.

    Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, mức 2.000 điểm của S&P 500 sẽ đồng nghĩa với mức giảm 26% so với khi chỉ số này đóng cửa vào phiên thứ Sáu 13/3. Và mức trên cũng sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức chốt phiên 2.386 điểm của hôm thứ Hai (16/3) - một phiên bán tháo khốc liệt khác khiến thị trường Phố Wall một lần nữa buộc phải tạm ngừng giao dịch.

    Báo cáo của Goldman Sachs cho hay trong 11 cuộc suy thoái kể từ Thế chiến thứ hai, S&P 500 đã chịu mức giảm trung bình từ mức đỉnh xuống mức đáy là 30%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm đáng kể hơn trong hai lần suy thoái gần đây khi lợi nhuận của các công ty bị sụt giảm.

    Cụ thể, S&P 500 đã mất 49% giá trị sau khi “bong bóng” công nghệ nổ vào năm 2000. Chỉ số này cũng giảm tới 57% trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nếu lần này chỉ số trên cũng giảm sâu như vậy, S&P 500 có thể “chìm” xuống mức 1.700 điểm.

    Goldman Sachs cho biết rất khó để xác định chính xác thời điểm chạm đáy của thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân không nên đưa ra dự báo như vậy, khi ngay cả các chuyên gia cũng thừa nhận họ không hề chắc chắn trong bối cảnh thị trường biến động mạnh.

    Trong báo cáo, Goldman Sachs cũng lưu ý lợi nhuận của các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

    Goldman Sachs đã hạ dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu cho các cổ phiếu nhóm S&P 500 hai lần trong hai tuần qua. Dự kiến, mức giảm này có thể sẽ đạt đỉnh là 15% trong quý 2 theo ước tính của ngân hàng này.

    Tuy nhiên, các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết bài học từ những đợt suy thoái thị trường trước đó là sự sụp đổ trên thị trường tài chính sau cùng sẽ dẫn tới một “thị trường giá tăng” (bull market) mới.

    Ví dụ được đưa ra là chỉ số S&P 500 từng sụt giảm tới 19% trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vào năm 2011. Nhưng chỉ số trên đã phục hồi 29% trong sáu tháng sau đó.

    Bên cạnh đó, Goldman Sachs nhận định thị trường chứng khoán có thể phục hồi vào nửa sau năm 2020, nhờ những biện pháp mạnh tay của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu để khôi phục niềm tin và giữ cho thị trường hoạt động.

    Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong tháng này và đưa lãi suất trở về gần 0%. Fed cũng cam kết sẽ “bơm” hàng nghìn tỷ USD tiền mặt vào thị trường tài chính và khởi động lại chương trình mua trái phiếu đã từng thực hiện thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 (còn được gọi là chương trình nới lỏng định lượng QE).

    Sau Fed, các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đưa ra những động thái tương tự.

    Trong bối cảnh đó, Goldman Sachs dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ quay trở lại mức 3.200 điểm vào cuối năm 2020. Nếu kịch bản này xảy ra, mức nêu trên tăng tới 60% so với mức đáy được dự báo là 2.000 điểm.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-my-tang-tro-lai-sau-ngay-den-toi-nhat-ke-tu-nam-1987/628989.vnp


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ