Các biên kịch Hàn bắt đầu "lăng xê" những ngành nghề mới lạ nào?
Có một sự thật rõ ràng là làng phim Hàn cho ra hàng loạt tác phẩm mới mỗi năm nhưng lượng nghề nghiệp được khai thác lại có giới hạn. Khán giả yêu thích phim Hàn đã quá quen thuộc với những bác sĩ, cảnh sát và mới nhất là hàng loạt luật sư, thám tử ồ ạt đổ bộ. Bên cạnh những tác phẩm chịu khó khai thác sâu, còn không ít phim chỉ khai thác qua loa để làm nền cho tuyến lãng mạn. May mắn là gần đây các biên kịch bắt đầu chọn "lăng xê" một số ngành nghề mới lạ một cách tỉ mỉ và chân thật, góp phần đa dạng hóa phim truyền hình Hàn.
1. Kiểm soát công thông tin điện tử
Search: WWW (Từ Khóa Tình Yêu) khai thác câu chuyện của những con người đứng sau các cổng thông tin tìm kiếm internet mà triệu triệu người dân sử dụng. Ba "chị đại" Bae Ta Mi (Im Soo Jung), Cha Hyun (Lee Da Hee), Song Ga Kyung (Jun Hye Jin) đều là người có chức vụ cao trong công ty quản lý cổng thông tin. Không chỉ khai thác bề mặt, Search: WWW thông qua cuộc sống của ba nữ nhân vật chính để cố gắng mang đến cái nhìn khái quát và trực quan nhất về những con người đứng sau các cổng thông tin ta đang dùng hay những uẩn khuất tiềm năng đằng sau các từ khóa tìm kiếm.
Khai thác một ngành nghề mới mẻ đan xen cùng những câu chuyện lãng mạn nhiều sắc thái, Search: WWW được đông đảo khán giả yêu mến. Bộ phim đã thành công giải đáp nhiều thắc mắc của khán giả về một nghề nghiệp quá đặc thù. Trong thời đại internet bùng nổ, những bộ phim như thế này là cần thiết và phù hợp xu hướng, không chỉ mang giá trị giải trí đơn thuần mà còn đánh mạnh vào vấn đề nhận thức và tâm lý khán giả. Thế nên có thể nói đây là một trong những tác phẩm đáng xem nhất trong nửa đầu năm 2019.
Bộ ba chị đại vừa xinh đẹp vừa thành đạt của phim.
2. Vũ công ba lê
Nếu Search: WWW khai thác mảng IT thì Angel’s Last Mission: Love (Thiên Thần Vô Tư) chọn đưa vũ công ba lê lên màn ảnh nhỏ. Chuyện phim xoay quanh Lee Yeon Seo (Shin Hye Sun), một vũ công ba lê chuyên nghiệp nhưng vì tai nạn bất ngờ đã mất đi thị lực và dần chán ghét thế giới. Sau khi lấy lại thị lực nhờ được ghép giác mạc, cô từng bước trở lại với ba lê cũng như dần biết được cảm giác của tình yêu đích thực nhờ anh chàng thiên sứ Dan (Kim Myung Soo).
Khởi đầu từ những nhận xét không mấy tích cực về tạo hình và dáng điệu còn "nghiệp dư" của nữ chính Shin Hye Sun trong những hình ảnh đầu tiên, bộ phim dần chinh phục khán giả với những màn biểu diễn điêu luyện. Đoàn phim mời nhiều vũ công thực thụ tham gia trong các phân cảnh múa nhằm tăng chất lượng phim. Đặc biệt các nữ diễn viên nòng cốt của phim dù không phải vũ công chuyên nghiệp vẫn chịu khó tập luyện sao cho thể hiện hình tượng vũ công một cách chân thật nhất. Những cố gắng của ê kíp và diễn viên được đền đáp bằng hàng loạt phản hồi tích cực cho các phân cảnh múa và vinh dự hơn cả là được chính Hiệp hội Ba lê Hàn Quốc trao tặng giấy khen công nhận bộ phim có đóng góp lớn trong việc quảng bá ba lê đến khán giả đại chúng.
Đại diện của Hiệp hội Ba lê Hàn Quốc khen tặng đoàn phim đã có công quảng bá môn nghệ thuật này đến khán giả đại chúng.
3. Thủ thư
So kè trực tiếp cùng Angel’s Last Mission: Love trên đường đua rating là One Spring Night (Đêm Xuân) của cặp đôi Jung Hae In - Han Ji Min. Nữ chính Lee Jung In (Han Ji Min) là thủ thư, một hình tượng rất hiếm gặp trong làng phim Hàn chuyên "sắm" cho các nhân vật nữ những nghề nghiệp "ngầu" nhất. Dù nội dung trọng tâm của Đêm Xuân là chuyện tình nhiều trắc trở của hai nhân vật chính, khán giả cũng được chứng kiến những chi tiết về nghề thủ thư của nhân vật để hiểu được ngành nghề này không nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ mà thực tế có nhiều hoạt động rất thú vị. Đây cũng là một điểm sáng nữa cho Đêm Xuân: xây dựng nhân vật rất đời thường và chân thật, vì trong thực tế đâu phải ai cũng xinh đẹp lộng lẫy và làm những ngành nghề hào nhoáng, nhưng tất cả đều xứng đáng có hạnh phúc cho riêng mình, chẳng phải sao?!
Bộ phim đi ngược xu thế khi để nữ chính làm nghề thủ thư.
4. Trợ lý chính trị gia
Chính trị gia là một ngành nghề không mấy xa lạ với phim Hàn, nhưng "trợ lý chính trị gia" thì là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chief of Staff (Trợ Lý Trưởng) có thể được xem là bộ phim tiên phong trong việc khắc họa công việc cực nhọc và vô cùng "tốn chất xám" của các trợ lý - những nhân tố đặc biệt quan trọng đứng sau thành công của các đại biểu trên chính trường nhưng lại ít khi được nhắc nhớ đến.
Mỗi trợ lý là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp chính trị của các đại biểu nhưng lại ít được nhắc đến.
Nhân vật trung tâm của Chief of Staff là Jang Tae Joon (Lee Jung Jae), một cựu cảnh sát dấn thân vào giới chính trị và dần lên đến vị trí trợ lý trưởng của một chính trị gia lõi đời. Thông qua lăng kính của Tae Joon và những trợ lý khác, Chief of Staff bóc trần những góc tối chính trị với đầy rẫy chiêu trò và những màn lật mặt như "lật bánh tráng" giữa các chính trị gia với nhau và giữa họ với chính trợ lý của mình. Bộ phim mang đến cái nhìn mới mẻ và có giá trị thông tin cao về những nhân tố đa dạng trên bàn cờ chính trị.
5. Fangirl cao cấp
Trong danh sách này, đây có lẽ là "nghề" độc lạ và khó làm nhất, bởi nó đòi hỏi không chỉ kĩ năng, kinh nghiệm mà quan trọng nhất là một tấm lòng cuồng nhiệt vì thần tượng. Sung Duk Mi (Park Min Young) của Her Private Life (Bí Mật Nàng Fangirl) là một fangirl chính hiệu điển hình, luôn theo dấu mọi hoạt động của thần tượng và tìm cách quảng bá để anh chàng nổi tiếng hơn. Có thể nói lực lượng "chị đại" trong làng fangirl này đóng vai trò không nhỏ trong công cuộc thúc đẩy sự nghiệp của các thần tượng. Hẳn trên đời ít có "nghề" nào vừa không được nhận lương lại phải cực khổ, xông xáo và tốn tiền của của chính bản thân mà vẫn khiến người ta theo đuổi như "nghề" này.
6. Nhà sử học
Rookie Historian Goo Hae Ryung (Tân Binh Học Sử Goo Hae Ryung) khiến không ít khán giả bất ngờ với màn "chơi lớn" khi cho nữ chính Shin Se Kyung hóa thân thành một nhà sử học tân binh ở thời Joseon. Nhà sử học vốn đã là một vị trí khó khai thác nội dung, huống hồ ở đây là một nữ sử gia ở thời vẫn còn nặng tâm lý trọng nam khinh nữ. Goo Hae Ryung cùng ba nữ sử gia khác đã phải rất kiên cường để được công nhận và chứng tỏ không chỉ nam giới mới có thể ra làm quan. Tiếng nói của nữ quyền, tự do theo đuổi ước mơ và khát khao tri thức là những điều Rookie Historian Goo Hae Ryung muốn truyền đạt thông qua hình tượng nữ chính đặc biệt cá tính của mình.
Rookie Historian Goo Hae Ryung khai thác một công việc mới mẻ trong thời phong kiến đồng thời nêu cao tinh thần nữ quyền.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/goi-y-6-nganh-nghe-hiem-co-kho-tim-cho-cac-mot-phim-han-dang-muon-bo-viec-20190814125953156.chn