Buông bỏ là gì? Những câu chuyện về cách buông bỏ
Có rất nhiều người nói với ta rằng phải buông bỏ, phải để vạn sự tùy duyên nhưng thực chất, buông bỏ là gì? Cùng đọc 3 câu chuyện Phật giáo để tâm hồn thanh thản và tự rút ra cho mình bài học tốt nhất về chữ buông trong đời.
Câu chuyện 1
Một lão hòa thượng và một tiểu hòa thượng đang đi trên đường thì gặp một con sông lớn, trên sông chỉ có một chiếc cầu độc mộc nhỏ hẹp bắc qua. Bên kia bờ là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, quá sợ hãi nên không dám qua sông, nhìn thấy hai vị hòa thượng liền vội vã nhờ giúp đỡ.
Lão hòa thượng rất nhanh liền băng qua sông, ôm cô gái vượt qua cầu rồi tạm biệt, tiếp tục rời đi. Suốt một chặng đường dài, không nhịn được tiểu hòa thượng ở bên cạnh liền hỏi: Sư phụ, người xuất gia không thể gần nữ sắc, tại sao người lại ôm cô gái đó?
Lão hòa thượng liền cười rồi đáp lời: ta ôm cô gái đó nhưng qua cầu liền buông xuống; ngươi không ôm cô gái đó nhưng lại mang theo nàng ấy suốt một quãng đường dài rồi đó.
Câu chuyện 2
Một người lữ khách hỏi Bồ Tát: Tôi đi quãng đường dài thật mệt mỏi quá, mong Bồ Tát đại từ đại bi giúp tôi đỡ mệt được không?
Bồ Tát nhìn thấy trên lưng người đó có bọc quần áo to liền cười nói: Bọc quần áo trên lưng người to thật, bên trong đựng những thứ gì vậy?
Lữ khách liền trả lời: Đây là bọc quần áo mà tôi gói ghém tất cả những chặng đường gian khổ, xếp đầy những kinh nghiệm mưa gió, những mồ hôi nước mắt của chính mình.
Bồ Tát lắc đầu: Ngươi cõng nhiều đồ như vậy làm sao có thể ung dung được, tại sao không bỏ xuống?
Câu chuyện 3
Thời điểm Đức Phật còn tại thế, có một người phái Bà La Môn (một giáo phái của Ấn Độ) trên hai tay cầm hai lọ hoa tới kính hiển ngài.
Đức Phật nói với người đó: Để xuống đi. Người kia liền để lọ hoa trên tay trái xuống.
Đức Phật lại nói: Để xuống đi. Người kia liền để lọ hoa trên tay phải xuống.
Đức Phật vẫn tiếp tục nói: Để xuống đi. Người phái Bà La Môn kia ngạc nhiên: Trong tay tôi đã trống trơn cả rồi, không còn gì để xuống được nữa, ngài còn muốn tôi bỏ xuống gì nữa đây.
Đức Phật cười và từ tốn cho biết: Thực ra thứ ta bảo ngươi bỏ xuống không phải lọ hoa trên tay mà là mắt, mũi, tai, lưỡi, thân của ngươi, là 6 giác quan về cảnh, màu, thanh, hương, vị, ý thức. Chỉ có đem bỏ những cái này xuống thì ngươi mới có thể giải thoát được.
Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện không như ý, đó cũng là vì duyên cạn, duyên đến rồi duyên đi. Không buông mà níu, người khổ chính là mình. Cái khổ của đời người là buông những thứ không nên buông bỏ và níu những điều không nên níu kéo. Thứ rời đi rồi thì phải buông, thứ thuộc về mình thì phải níu.
Tham tranh với đời, cố chấp với người, hằn học với duyên thì gánh nặng kia sẽ đè ngày một nặng, khổ đau kia sẽ ngày một sâu. Không ai thương mình bằng chính mình, mình còn không buông khổ ra thì bao giờ khổ mới tha cho mình. Mình còn không chịu tìm bình an thì ai sẽ mang bình an tới cho mình. Chữ duyên trong đời, đi hết kiếp cũng chưa chắc đã thấu hết, nên biết điểm dừng, hiểu rõ “vạn sự tùy duyên”.
Chấp niệm của con người rất lớn nhưng Phật giáo vẫn luôn nhắc nhở bằng một câu rất quen thuộc: buông dao xuống đất, chắp tay thành Phật. Hiểu buông bỏ là gì để thấy ranh giới giữa nặng nề và an nhiên đôi khi mong manh lắm, một hành động là quá đủ rồi.
Nếu bất cứ khi nào còn cảm thấy chông chênh, day dứt thì hãy nhớ tới 3 câu chuyện Phật giáo thức tỉnh con người ở trên, lời văn đơn giản nhưng lý lẽ thâm sâu, ngẫm rồi ứng cho mình, không khi nào sai cả.
Article sourced from TUVINGAYNAY.
Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/buong-bo-la-gi-doc-3-cau-chuyen-phat-giao-nay-de-tam-hon-thanh-than.html