Bố mẹ cần làm gì khi con bị cô lập, không hòa đồng, thiếu kỹ năng xã hội?
Trong giai đoạn ấu thơ của một người, dấu mốc quan trọng nhất chính là việc bước từ cuộc sống gia đình sang môi trường tập thể. Sống trong xã hội hiện nay, nếu không muốn bị cô lập, chúng ta cần có khả năng giao tiếp và hòa đồng với mọi người. Bố mẹ không thể bên cạnh con cái suốt cuộc đời, vì thế mỗi đứa trẻ cần biết cách kết bạn và hòa nhập trong môi trường tập thể.
Tuy nhiên, khi đi học mẫu giáo, có một số đứa trẻ lại thường chỉ chơi một mình, lạc lõng giữa các bạn trong lớp. Có vẻ như việc hòa nhập với tập thể, kết bạn là điều rất khó khăn với chúng. Khi bố mẹ nhận ra điều này, họ rất muốn làm cách nào đó để cải thiện tình hình của con mình.
Những lý do khiến trẻ bị cô lập và không hòa đồng
Khi một đứa trẻ không thể hòa đồng vào tập thể, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính cách, khiến chúng ngày càng thu mình hơn. Có nhiều lý do dẫn tới điều này ở trẻ, chẳng hạn như sau:
1. Yếu tố di truyền
30% tính cách của trẻ là do bẩm sinh, tức là có sự ảnh hưởng về mặt di truyền từ bố mẹ. Nếu bố mẹ hướng nội, con cái cũng có xu hướng sống nội tâm, rụt rè.
2. Có tuổi thơ bất hạnh
Một trong những lý do khiến trẻ thích thu mình lại là do chúng có một tuổi thơ bất hạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của một người.
Nếu trẻ có một tuổi thơ bất hạnh như bị bố mẹ bỏ rơi, bị bạo hành…, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tính cách của trẻ. Một khi trẻ đóng cửa trái tim mình, chúng sẽ ngày càng thu mình, tự ti và không muốn tiếp xúc nhiều với người khác.
3. Môi trường giáo dục gia đình
Bố mẹ luôn bận rộn hay ly hôn khiến họ bỏ bê việc quan tâm tới con cái, hoặc để ông bà chăm sóc cháu quá nhiều, những điều này cũng điều khiến một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý. Việc không chủ động hòa nhập với mọi người càng khiến chúng cảm thấy bơ vơ giữa trường lớp.
4. Thiếu các kỹ năng xã hội
Một số trẻ em không thể kết bạn với người khác, vì chúng không biết cách làm thế nào để các bạn thích chơi với mình. Bố mẹ bận rộn không có thời gian chỉ bảo con cái những kỹ năng kết bạn cơ bản cũng là yếu tố khiến trẻ tự ti trong lớp.
Đặc biệt, khi vừa mới chuyển tới một môi trường mới hoàn toàn, trẻ thường rất hụt hẫng, nếu không biết cách hòa nhập vào tập thể càng khiến chúng cô đơn hơn. Ngay cả khi có những bạn khác chủ động kết bạn, chúng cũng khó lòng chơi cùng vì không biết cách giao tiếp như thế nào để các bạn quý mến.
Làm thế nào để bố mẹ giúp trẻ không mặc cảm, hòa đồng dễ dàng hơn?
Sự cô lập và không hòa đồng nếu không được bố mẹ quan tâm và sửa đổi, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách, gây tổn hại về thể chất lẫn tâm lý trẻ. Trẻ thường tự ti, quan điểm về cuộc sống méo mó, dễ đi sai hướng. Khi bị bạn bè bắt nạt, chúng càng mặc cảm, lâu dần trở nên rụt rè, nhát gan khi làm bất cứ điều gì.
- Bố mẹ làm gương cho con cái
Lời nói không bằng hành động, bố mẹ muốn con mình không còn mặc cảm, rụt rè, họ cũng phải chủ động thay đổi bản thân để con cái noi theo.
- Kiên nhẫn thay đổi con cái
Đứng trước sự mặc cảm, không hòa đồng của con cái, bố mẹ đừng vội gắn nhãn cho con mình. Bố mẹ cần kiên nhẫn, lắng nghe, tương tác với con cái nhiều hơn. Đặc biệt, bố mẹ cũng cần động viên, khuyến khích và bày cho con cái những cách để kết bạn được nhiều hơn, làm sao để các bạn quý mến mình.
- Tìm và giải quyết những yếu tố khiến trẻ khó chịu
Bố mẹ cần phải tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến con mình không thể hòa đồng với các bạn trong lớp, từ đó có cách giải quyết phù hợp.
- Đưa trẻ tham gia các hoạt động xã hội
Bố mẹ nên đưa con tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc nhiều hơn với các bạn cùng trang lứa. Trong quá trình tiếp xúc, trẻ sẽ dần dần học được cách tương tác với người khác, mở rộng tầm nhìn, cải thiện kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân và hòa đồng với bạn bè hơn.
- Tạo một môi trường gia đình đầm ấm, hạnh phúc
Khi trẻ được sống trong một gia đình có bố mẹ hòa thuận, hạnh phúc, mọi người yêu thương nhau. Điều này cũng khiến trẻ yêu đời và tự tin hơn.
Nếu mối quan hệ giữa bố mẹ quá căng thẳng, những cuộc cãi vã sẽ khiến con cái trở nên mặc cảm, tự ti, chán nản.
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/tre-mac-cam-khong-hoa-dong-thieu-ky-nang-xa-hoi-bo-me-can-lam-gi-c216a1302822.html