Biến thể Delta thách thức chiến lược 'không Covid' của Trung Quốc

19:00' 05-11-2021
Chiến lược không Covid gặp nhiều thách thức trước chủng Delta, song dường như vẫn là công cụ hữu hiệu giúp Trung Quốc hạn chế dịch lây lan.


    Khi vaccine Covid-19 nội địa được phê duyệt ở Trung Quốc hồi đầu năm, người dân nước này cảm thấy tràn trề hy vọng về một tương lai thoát đại dịch. Họ tin rằng khi đủ số người được tiêm chủng, miễn dịch trong cộng đồng sẽ đủ mạnh để hạn chế đà bùng phát dịch và đất nước sẽ tự do mở cửa trở lại, hòa nhập với thế giới.

    Nhưng đó chỉ là hy vọng. Giờ đây, khi 76% trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ, miễn dịch cộng đồng cùng kỳ vọng về việc nới lỏng các biện pháp chống dịch và mở cửa biên giới, vẫn nằm ngoài tầm với.

    Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, hôm 1/11 khẳng định nước này vẫn theo đuổi chiến lược "không Covid", tuyên bố cách tiếp cận này ít tốn kém hơn sống chung với virus và tái áp đặt hạn chế mỗi khi dịch bùng phát.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở quận Cám Châu, thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc ngày 29/10. Ảnh: AFP.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở quận Cám Châu, thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc ngày 29/10. Ảnh: AFP.

    Khi chủng Delta dễ lây lan và nguy hiểm hơn bùng phát, Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho các nhóm dân số trẻ tuổi hơn. Giới chức cũng cho phép tiêm liều tăng cường nhằm bù đắp khả năng bảo vệ của vaccine, được cho là bị suy giảm sau 6 tháng.

    Những biện pháp chống dịch cứng rắn như phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng hay truy vết tiếp xúc triệt để vẫn được Trung Quốc áp dụng một cách chóng vánh ngay khi xuất hiện dấu hiệu bùng phát dịch tại các địa phương.

    Trung Quốc chưa đặt ra mốc tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, dù một số chuyên gia chính phủ từng nói rằng cần 80-85% dân số tiêm vaccine đủ phác đồ mới có thể đạt được điều này.

    "Do đặc tính dễ lây lan của biến chủng Delta, tôi không nghĩ chúng ta có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng bằng chiến dịch tiêm chủng hiện nay", tiến sĩ Jeff Kwong, chuyên gia dịch tễ từ Đại học Toronto, Canada, nhận xét. "Những người đã tiêm vẫn có thể bị nhiễm và mục tiêu đặt ra là hầu hết mọi người chỉ bị nhiễm ở mức nhẹ mà không tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế".

    Miễn dịch của cộng đồng chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó sẽ đạt được khi có đủ số người phát triển khả năng miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm virus trước đó.

    Ngưỡng này đối với chủng nCoV gốc được ước tính là khoảng 70%. Tuy nhiên, các biến chủng mới như Delta đã thay đổi những tính toán ban đầu của các chuyên gia dịch tễ.

    Delta, hiện là chủng trội toàn cầu, có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn chủng ban đầu. Nếu một người bị nhiễm chủng ban đầu có thể lây cho ba người khác thì với chủng Delta, hệ lệ lây nhiễm lên đến ít nhất là 6. Điều này có nghĩa cần tiêm chủng nhiều hơn cho những người dễ bị tổn thương, nâng cao ngưỡng miễn dịch của cộng đồng.

    Ashley St John, phó giáo sư Trường Y Duke, Đại học Quốc gia Singapore, cho hay chương trình tiêm chủng có thể phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc làm chậm đà lây lan của virus, vì mức độ tiêm chủng cao có thể hạn chế ca nhiễm mới.

    Tuy nhiên, trên thực tế, sự kết hợp của một biến chủng dễ lây lan hơn và khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian đang làm cho việc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trở nên khó khăn hơn, theo Penelope Ward, giáo sư thỉnh giảng về y dược tại Đại học King's London.

    Chiến dịch tiêm chủng ở Trung Quốc chủ yếu dựa vào hai loại vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển. Các nghiên cứu về tính hiệu quả trong thực tế cho thấy chúng vẫn có thể ngăn ngừa bệnh chuyển biến nghiêm trọng và tử vong, nhưng một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 9, khuyến cáo những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine Sinovac hoặc Sinopharm nên tiêm liều thứ ba của bất kỳ hãng nào để tăng cường khả năng bảo vệ.

    Trung Quốc đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Các nhà khoa học cho biết nồng độ kháng thể có thể giảm tiếp 6 tháng sau liều thứ ba, nhưng hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có cần thêm một đợt tiêm tăng cường nữa hay không.

    "Tiêm thêm không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tốt hơn", giáo sư St John từ Đại học Quốc gia Singapore, lưu ý.

    Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 29/10. Ảnh: AFP.

    Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 29/10. Ảnh: AFP.

    Wang Huaqing, chuyên gia tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), cho biết nước này cần triển khai các loại vaccine tốt hơn để tránh lặp lại các chu kỳ tiêm chủng.

    "Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển được một loại vaccine rất hiệu quả sau khi tiêm đầy đủ phác đồ và ngay cả khi cần tiêm tăng cường sau đó, số liều nhắc lại cũng sẽ được hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong rằng trong tương lai sẽ có vaccine hiệu quả hơn và quy trình tiêm chủng tốt hơn nhằm củng cố khả năng bảo vệ dân số", Wang nói tại họp báo hồi tháng trước. "Liên tục tiêm tăng cường không phải lựa chọn tối ưu của chúng tôi".

    Một số quốc gia từng áp dụng chiến lược "không Covid" giống Trung Quốc như New Zealand, Australia hay Singapore đã chọn hướng đi khác và đặt ra kế hoạch mở cửa biên giới, sống chung với đại dịch.

    Nhưng ở Trung Quốc, chưa có kế hoạch nào tương tự được đưa ra. Thay vào đó, các quan chức cấp cao như Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan nhiều lần nhấn mạnh rằng cần tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược "ngăn chặn bùng phát các ca bệnh nhập cảnh" và không được phép nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát.

    Giám đốc CCDC Cao Phúc tháng trước cho hay bất kỳ thay đổi chính sách nào về mở cửa đều sẽ dựa trên "diễn biến của đại dịch Covid-19 và tình hình tiêm chủng".

    Một số chuyên gia tin rằng chính sách sống chung với đại dịch, coi Covid-19 như bệnh đặc hữu cần được thực hiện dựa trên việc dân số có đủ khả năng miễn dịch hay chưa. "Về cơ bản, đó là khi có đủ số người được bảo vệ trước nguy cơ bệnh chuyển biến nghiêm trọng, nhờ tiêm chủng hoặc nhiễm virus trước đó, để các dịch vụ y tế không bị quá tải", tiến sĩ Kwong từ Đại học Toronto cho hay.

    Nhưng Trung Quốc khó chấp nhận đánh đổi thành quả chống dịch để thử nghiệm mở cửa như nhiều quốc gia khác, cũng như khó xác định được ngưỡng bảo vệ mà họ có thể đạt được để sống chung với Covid-19.

    Zheng Zhongwei, một quan chức cấp cao Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tháng trước nói nước này sẽ không từ bỏ chính sách "không Covid" cho đến khi họ tự tin rằng vaccine có thể ngăn ngừa dịch bùng phát. Đồng thời, Bắc Kinh cũng sẽ tài trợ cho các nghiên cứu ở nước ngoài để tìm hiểu chính xác mức độ bảo vệ của vaccine.

    Chiến lược "không Covid" sẽ không được áp dụng "mãi mãi", giáo sư Leo Poon Lit-man từ Trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong, nhận xét. Tuy nhiên, chiến lược này có thể giúp Trung Quốc "câu giờ" trong lúc tìm cách chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch.

    "Nếu không kiểm soát virus, nó sẽ lây lan và rất nhiều người phải nhập viện rồi sau đó là chăm sóc tích cực. Điều này đồng nghĩa chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ y tế cho họ. Vậy nên, đây là một sự đánh đổi", giáo sư Poon nhấn mạnh.

    Chiến lược "không Covid" có thể "cho chúng ta thêm thời gian để tiêm chủng càng nhiều người càng tốt cũng như phát triển các loại thuốc kháng virus hiệu quả hay các chiến lược tốt hơn nhằm kiểm soát dịch bệnh", ông lưu ý. "Rốt cuộc chúng ta cũng sẽ có một chiến lược rất hiệu quả, nhưng phải cần thêm thời gian".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tuong-lai-chien-luoc-khong-covid-trung-quoc-4380881.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ