Bia và thịt bò Úc kẹt lại tại các cảng Trung Quốc
Dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố mới đây cho thấy 8.794 lít bia thủ công xuất khẩu của nhà sản xuất và phân phối Sydney Beer bị giữ lại tại thành phố cảng Hạ Môn vào tháng 11 do nhãn mác không chính xác.
Ngoài ra, 8.356 kg thịt từ lò mổ Meramist ở Queensland bị giữ lại cảng ở Nam Kinh do các chứng nhận không khớp.
Hôm 8/12, Meramist trở thành lò mổ thứ 6 của Australia đình chỉ nhập khẩu thịt bò vào Trung Quốc. Vào thời điểm đình chỉ Meramist, Bắc Kinh không nêu lý do.
Theo SCMP, Meramist từng gặp phải vấn đề tương tự vào năm 2019 khi một lô thịt bò không xương đông lạnh của công ty này bị giữ lại tại cảng Thượng Hải vì lý do giấy chứng nhận hàng hóa không khớp.
Thịt bò Australia gặp khó trong việc xuất khấu sang Trung Quốc những tháng gần đây. (Ảnh: QCL)
Cũng trong tháng 11, 20 kg thịt bò đông lạnh của nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ ba của Australia - Country Choice bị giữ lại ở Thượng Hải do thiếu giấy chứng nhận.
Sydney Beer và Country Choice không bình luận về các thông tin trên trong khi Meramist cho biết họ luôn hợp tác với các nhà chức trách và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Đây là trường hợp mới nhất trong loạt công ty dính vào các vấn đề liên quan tới tuân thủ quy định xuất khẩu khi xuất hàng sang Trung Quốc.
Nhiều trong số họ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh thương mại và chính trị kéo dài suốt 8 tháng qua giữa Canberra và Bắc Kinh.
Trung Quốc gần đây "soi" khá kỹ các sai sót trong các lô hàng của Australia và nhanh chóng đánh vào các sai sót này.
Bốn nhà máy chế biến thịt đầu tiên của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc Kilcoy Pastoral, JBS Beef City, JBS Dinmore và Northern HTX nhiều lần bị hải quan Trung Quốc cáo buộc dán nhãn sai, không khớp với giấy chứng nhận sức khỏe và hàng hóa vào năm 2019 và đầu năm nay.
Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu từ các lò mổ này từ tháng 5.
Simon Quilty, chuyên gia nông nghiệp Australia cho biết căng thẳng chính trị đã khiến các nhà xuất khẩu dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc mạnh tay với việc trừng phạt.
"So với hai năm trước, hiện nay mức độ khoan dung các vi phạm quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc đối với Australia rất thấp, dù nhãn mác hay bất cứ vấn đề kỹ thuật nào", ông này cho hay.
Tuy nhiên, ông Quilty hy vọng tân Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan có thể tạo dựng lại uy tín trong mối quan hệ giữa hai nước.
Các nhà xuất khẩu khác của Australia cũng gặp phải các vấn đề tương tự trong suốt năm qua dù không bị Trung Quốc đình chỉ.
Vào tháng 7, hải quan Trung Quốc phát hiện dấu vết của bệnh động vật trong 486 kg mật ong manuka của nhà xuất khẩu IAW ở Quảng Châu.
Vào tháng 8 và tháng 9, hải quan Trung Quốc chỉ ra các vấn đề về chứng nhận và chất phụ gia trong các lô hàng bổ sung của nhà sản xuất dược phẩm Ferngrove Pharmaceuticals (Sydney) tới Thượng Hải, Nam Kinh và Hoàng Phố.
Trong tháng 9, hơn 25.000 kg cá đông lạnh của Austral Fisher bị ngừng nhập khẩu tại Thanh Đảo do không đủ chứng nhận.
Australia không phải là quốc gia duy nhất gặp phải các vấn đề với hải quan Trung Quốc.
Theo SCMP, nhiều quốc gia như New Zealand, Mỹ, Ấn Độ thường xuyên vi phạm các quy định nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhưng mọi việc trở nên phức tạp hơn khi Canberra và Bắc Kinh bị cuốn vào căng thẳng bắt đầu tháng 4 khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19.
Trên thực tế, quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu căng thẳng từ đầu năm 2018 khi Canberra ban hành lệnh cấm Huawei tham gia triển khai mạng di động 5G tại Australia do lo ngại về an ninh quốc gia.
Kể từ đó, nhiều mặt hàng của Australia như lúa mạch, bông, than và gỗ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường lớn nhất thế giới.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from bnews.