Bí quyết đưa 4 con vào đại học danh giá của mẹ Nhật

10:00' 16-12-2020
Chỉ là một bà nội trợ, nhưng Ryoko Sato đã đồng hành và đưa bốn đứa con của mình vào khoa Y của Đại học Tokyo - một ngôi trường danh giá nhất nhì đất nước này.


    Ryoko Sato đã ra sách và xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục của mình.

    Vợ chồng cô Ryoko Sato và 4 người con. Ảnh: Aboluowang.

    Vợ chồng cô Ryoko Sato và 4 người con. Ảnh: Aboluowang.

    Cô cho biết, bản thân tốt nghiệp một trường đại học bình thường. Sau khi tốt nghiệp, cô dạy tiếng Anh ở một trường cấp 3 trong khoảng hai năm, rồi nghỉ việc ngay sau khi kết hôn. Cuối cùng, cô trở thành một bà nội trợ toàn thời gian. Để nuôi dạy con thành tài, cô đề ra năm quy tắc chính.

    Đầu tư cho con học hành từ trước 3 tuổi

    Ryoko Sato cho rằng trẻ em không thể tự mình đánh giá điều kiện của môi trường sống xung quanh bé trước 3 tuổi. Do đó, trẻ chỉ có thể sống thụ động trong môi trường do cha mẹ chuẩn bị cho. Vì vậy, trong giai đoạn này, việc cha mẹ có thể cung cấp cho con môi trường như thế nào sẽ đóng một vai trò quan trọng. Cô đầu tư cho con từ nhỏ. Tổng cộng cô đọc cho con khoảng 10.000 cuốn sách tranh; nghe 10.000 bài thơ đồng dao...

    Ryoko Sato cho rằng từ 1-3 tuổi, trẻ luôn tò mò và có khả năng tiếp thu những điều mới mẻ. Do đó, sách truyện, tranh ảnh và các bài thơ, đồng dao đơn giản với các cụm từ dễ đọc, dễ nhớ rất phù hợp cho trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ có thể tiếp xúc với những cụm từ mới số lượng lớn bởi, chúng dễ ăn sâu vào ký ức của trẻ. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể giúp trẻ trau dồi khả năng đồng cảm, giúp trẻ hiểu rõ hơn cảm xúc của người khác. Thông qua việc xây dựng thói quen đọc sách sớm, trẻ sẽ hình thành thói quen đọc, điều rất cần thiết cho tương lai.

    Ryoko Sato đánh giá, thông qua việc cho trẻ tiếp xúc với sách truyện hay đọc thơ cho trẻ nghe, bé hình thành khả năng đọc hiểu và cảm thụ. Điều này có nghĩa là khi đọc một bài báo, hình ảnh về nội dung bài báo đó có thể xuất hiện trong đầu trẻ, từ đó trẻ có thể bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về nội dung bài báo đó.

    Khả năng này không chỉ giới hạn ở việc đọc văn bản, nó sẽ đóng một vai trò lớn trong việc làm thế nào một người hiểu thế giới, hiểu môi trường xung quanh và phát huy trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, việc trau dồi khả năng này không phải "một sớm một chiều" mà cần phải có thời gian dài. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là cho trẻ là bắt đầu làm bạn với sách tranh, bài đồng dao với những câu văn tương đối dễ hiểu. Sau đó, khi lớn hơn, trẻ nắm vững kỹ năng viết cơ bản, có nhận thức cơ bản nhất về tình cảm con người, từ đó tiếp xúc dần với những dạng khó hơn khi trẻ trưởng thành hơn.

    Ảnh: Aboluowang.

    Ảnh: Aboluowang.

    Có định hướng học tập rõ ràng

    Khi các con còn rất nhỏ, mẹ của Sato đã quyết định để chúng theo con đường học tập bình thường, tức là được giáo dục ở trường chính thống, sau đó tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Cô tự đánh giá rằng con mình không có năng khiếu đặc biệt về thể thao và nghệ thuật, do đó, thay vì bắt chúng học những điều mà chúng có thể không giỏi, tốt hơn hết là để chúng tập trung vào việc học và thi đậu đại học, nhằm có một tương lai tươi sáng.

    Bảo vệ lòng tự trọng của con

    Sato cho biết không bao giờ cho chồng xem phiếu điểm của các con, vì ông bố là người nghiêm khắc và truyền thống hơn. Khi xem phiếu điểm của các con, nếu thấy điểm của con thấp, bố có thể sẽ thắc mắc, trách móc, và điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ. Sato sợ rằng những lời nói của chồng sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của bọn trẻ, vì vậy cô không bao giờ để chồng can thiệp vào việc giáo dục con.

    Tự mình giám sát trẻ học

    Thay vì để trẻ tự học, Sato giám sát con học rất nghiêm khắc. Cô đích thân lập thời khóa biểu cho con và đôn đốc con học. Ngoài ra, tùy theo trình độ của mỗi đứa trẻ, cô viết ra phiếu học tập và soạn bài tập tương ứng. Sato tự mình kiểm tra bài của con và tìm ra lỗi sai, sau đó để con sửa nhiều lần cho không tái lỗi.

    Không cho phép trẻ yêu trước khi thi đại học

    Quan điểm của Sato gây tranh cãi, bởi cô ngăn cấm trẻ yêu trước khi vào đại học. Nhiều cha mẹ cho rằng việc ngăn cấm này hoàn toàn không hợp lý. Không ít ý kiến cho rằng không nên tước đoạt thời gian kết bạn của con cái vì mục đích học tập, bởi các mối quan hệ là chính đáng. Nhiều phụ huynh còn đánh giá phương pháp của Sato là áp đặt ý muốn của mình lên con cái, tước đi quyền lựa chọn của chúng, đồng thời phóng đại tính cách của người mẹ.

    Dù những quy tắc Sato đưa ra đã giúp cô thành công trong việc nuôi dạy con, rất nhiều người không tán đồng. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ Nhật noi gương Ryoko Sato và học hỏi cô, với hy vọng con cái cũng trở nên thành đạt. Bản thân người mẹ này nói rằng cách tiếp cận của cô luôn dựa trên cơ sở rằng những đứa trẻ được hạnh phúc và khỏe mạnh, và chúng không hề bị ép buộc.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bi-quyet-dua-4-con-vao-dai-hoc-danh-gia-cua-me-nhat-4206350.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ