Bị la mắng thế nào con vẫn đòi mẹ ôm, hiểu rõ rồi cha mẹ sẽ không ngừng hối hận
Là người lớn, chúng ta phải chịu rất nhiều áp lực từ cuộc sống: cơm áo gạo tiền, công việc, gia đình, nhà cửa… Thế nên, nhiều lúc vì quá mệt mỏi, kiệt sức sau một ngày dài căng thẳng, mà về nhà con lại léo nhéo bên tai đã khiến một số ông bố bà mẹ không kiềm chế được mà đánh vào mông con một cái.
Nhưng cha mẹ có để ý không, dù có bị bạn la mắng thế nào thì con chưa bao giờ ngừng yêu thương bạn. Vì sao lại thế?
Chị Lý, sinh sống ở Thành Đô (Trung Quốc) là mẹ của hai nhóc tì đáng yêu: Tiểu Thành (5 tuổi) và Tiểu Phương (3 tuổi). Một buổi tối, trong lúc chị Lý đang dạy con trai lớn học chữ cái, thì Tiểu Phương chạy vào nhõng nhẽo đòi mẹ bế. Sẵn đang bực mình vì Tiểu Thành học mãi không thuộc bảng chữ cái, bà mẹ này không kiềm chế được nữa mà quát mắng con gái út và phát 2 cái vào mông con trai lớn. Ngay lập tức, hai con của chị Lý đều òa khóc, đồng thời Tiểu Phương dang tay ra về phía mẹ nói: "Mẹ ôm".
Dù vừa bị mẹ mắng xong, nhưng Tiểu Phương vẫn dang hai tay ra và nói: "Mẹ ôm" (Ảnh minh họa)
Nhìn hai đứa trẻ khóc nức nở và dang tay chờ được mẹ ôm, chị Lý đã bật khóc vì hối hận. Rằng các con hoàn toàn không có lỗi, lỗi là ở bản thân chị đã không kiểm soát được cảm xúc mà trút giận lên các con. Sau khi chia sẻ câu chuyện với các bà mẹ khác, chị Lý nhận ra rằng hầu hết con của các bà mẹ khác cũng như thế, luôn đòi cha mẹ ôm sau khi bị la mắng.
Tại sao con đòi ôm sau khi bị mắng?
Cha mẹ cần hiểu một điều rằng, đối với trẻ em, bạn chính là người mà con yêu thương nhất, là người luôn bảo vệ và cho con cảm giác an toàn nhất. Do đó, dù bị cha mẹ mắng, dù nước mắt còn chưa ngừng rơi thì việc trẻ làm đầu tiên sẽ không phải là giận dữ, la hét mà chính là ôm cha mẹ. Vì:
1. Con sợ hãi trước những lời trách móc lớn tiếng nên tìm kiếm sự an ủi bằng cái ôm
Trên thực tế, đôi khi trẻ mắc lỗi không phải do cố ý, nhưng bố mẹ lại chưa đủ bình tĩnh để suy xét sự việc. Khi bị mắng, con sẽ cảm thấy sợ hãi và chỉ có thể dùng tiếng khóc để bày tỏ sự tổn thương, oan ức của mình. Lúc này, điều trẻ cần nhất là một cái ôm ấm áp để trấn tĩnh nên sẽ dang tay ra đòi cha mẹ ôm.
Con sợ hãi nên tìm kiếm sự an ủi bằng chiếc ôm của cha mẹ (Ảnh minh họa).
2. Con biết rằng mình đã làm sai và xin ôm để được tha thứ
Khi lớn hơn một chút, trẻ bắt đầu nhận thức được việc mình làm là đúng hay sai. Và nếu làm sai, con cũng vẫn muốn được ôm cha mẹ như một cách xin lỗi.
3. Con mất đi cảm giác an toàn khi thấy mẹ giận dỗi và phớt lờ mình
Khi tức giận, rất khó để bạn có thể bình tĩnh mà ôm ấp con ngay được, thậm chí, một số ông bố bà mẹ nóng tính còn thẳng tay hất con ra khi trẻ đòi ôm. Chính hành động này đã khiến con cảm thấy sợ hãi. Con không hiểu được bạn chỉ đang tức giận nhất thời, thay vào đó, các bé sẽ lo lắng rằng cha mẹ không yêu mình nữa, không bảo vệ mình nữa.
4. Con yêu cha mẹ nhiều hơn cha mẹ nghĩ
Thay vì đẩy con ra khi trẻ đòi ôm, bạn hãy mở rộng vòng tay, ôm con vào lòng để xoa dịu cảm xúc của con và của chính mình (Ảnh minh họa)
Trong trái tim non nớt của một đứa trẻ, không ai có thể thay thế được cha mẹ của mình. Và dù có như thế nào đi nữa, thì các con vẫn không thể ngừng yêu thương cha mẹ. Do vậy, khi thấy bạn tức giận, buồn phiền, trẻ sẽ muốn dùng cái ôm của mình để an ủi lại.
Suy cho cùng, cơn nóng giận của bạn đối với con chỉ là nhất thời. Thế nên đừng vì việc nhất thời đó mà làm tổn thương trái tim non nớt của con. Thay vì đẩy con ra khi trẻ đòi ôm, bạn hãy mở rộng vòng tay, ôm con vào lòng để xoa dịu cảm xúc của con và của chính mình. Hãy để cho trẻ hiểu rằng dù con có làm gì sai thì cha mẹ vẫn yêu con.
Sau khi cả hai bên đều đã bình tĩnh, bạn sẽ từ từ nói chuyện, giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu để con thấy lỗi sai của mình. Từ đó, con sẽ biết sửa lỗi và không tái phạm nữa.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/tai-sao-con-doi-om-sau-khi-bi-mang-hieu-ro-roi-cha-me-se-khong-ngung-hoi-han-20220110223430483.chn