Bánh mì buổi sáng không là món ngon với những người này, thèm mấy cũng không nên ăn
Bánh mì là một thực phẩm phổ biến trên khắp thế giới trong hàng ngàn năm. Có nhiều loại bánh mì khác nhau, được làm theo nhiều cách khác nhau và sử dụng nhiều loại nguyên liệu. Ví dụ bánh mì trắng làm từ ngũ cốc tinh chế, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì ngô, bánh mì có men và không men...
Người Việt Nam cũng rất quen thuộc với bánh mì và có thể ăn nó bất kể sáng, trưa hay tối. Món bánh mì kẹp các loại nhân thịt, pate, trứng, ruốc... quả thực là món ăn sáng hấp dẫn và nhiều dinh dưỡng, được không ít người lựa chọn. Mặc dù thân thuộc là vậy nhưng có một thực tế là không phải ai cũng nên ăn bánh mì, một số người được khuyên nên tránh hoặc hạn chế ăn bánh mì để bảo vệ sức khỏe.
1. Người không dung nạp gluten
Một số người không thể dung nạp gluten do mắc bệnh celiac. Hệ thống miễn dịch của họ nhầm gluten là mối nguy hiểm, gây ra phản ứng tấn công cơ thể, gây tổn thương đường ruột. Đối với những người bị bệnh celiac, họ cần tránh bất kỳ thực phẩm nào có chứa gluten, bao gồm bánh mì.
Những người cần tránh gluten có thể lựa chọn những loại bánh mì không chứa gluten để đảm bảo an toàn hơn. Để biết bạn có bị bệnh celiac hay không, hãy đến gặp bác sĩ để biết rõ hơn.
2. Người dị ứng với lúa mì
Một số người nhạy cảm hoặc dị ứng với lúa mì chứ không phải với gluten. Những người bị dị ứng lúa mì không nên ăn bánh mì có chứa bột mì, nhưng họ có thể chọn loại làm từ lúa mạch đen hoặc các loại bột mì khác.
Nếu một người bị dị ứng với lúa mì, tốt nhất nên tránh hoàn toàn bánh mì làm từ lúa mì vì trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây nguy hiểm tính mạng.
Với một số người không bị dị ứng nhưng cơ thể không dung nạp lúa mì thì có thể gặp tình trạng đầy hơi và khó chịu khi ăn. Ăn bánh mì không nguy hiểm đối với những người không dung nạp lúa mì nhưng chọn lúa mạch đen hoặc các loại bánh mì khác có thể làm giảm cảm giác khó chịu.
3. Người bị tiểu đường tuýp 2
Ăn bánh mì và các loại thực phẩm làm từ bột mì đã qua tinh chế khác cho thấy sự gia tăng đáng kể lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.
Ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, cơ thể bạn gặp vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Cắt giảm ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn là cách tốt nhất. Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất xơ hơn loại tinh chế và chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate.
4. Người đang muốn giảm cân
Ăn bánh mì trắng có thể gây béo phì vì nó chứa các hóa chất nhân tạo (để tẩy trắng chẳng hạn), chất bảo quản và đường thêm vào. Theo một nghiên cứu, thường xuyên ăn bánh mì trắng sẽ khiến bạn dễ thừa cân hoặc béo phì hơn là bánh mì nguyên hạt. Cụ thể, những người chỉ ăn bánh mì trắng và ăn nhiều hơn 2 phần mỗi ngày có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì cao hơn 40% so với người ăn ít hơn 1 phần bánh mì trắng mỗi tuần.
Do đó, nếu bạn đang có kế hoạch giảm cân, nên tránh hoặc hạn chế ăn bánh mì trắng.
5. Người bị huyết áp cao
Dù là bánh mì nâu hay trắng, chúng thường chứa nhiều tinh bột không lành mạnh có thể làm trầm trọng các triệu chứng tăng huyết áp.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp, Tiêu dùng và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Illinois (Mỹ) chỉ ra rằng bánh mì có thể là nguyên nhân chính gây ra lượng natri quá mức cho một người nào đó. Đặc biệt với những loại bánh mì đóng gói sẵn có thể chứa nhiều muối hơn bạn tưởng rất nhiều. Nạp lượng natri cao có thể dẫn tới tăng huyết áp, gây ảnh hưởng tới cả tim mạch.
6. Người hay bị táo bón
Bánh mỳ ít chất xơ nên nếu bạn là người hay gặp vấn đề về tiêu hóa như táo bón thì nên hạn chế ăn bánh mì để không khiến hệ tiêu hóa gặp áp lực.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/du-them-toi-may-nhung-nguoi-nay-cung-khong-nen-an-banh-mi-buoi-sang-keo-ruoc-hoa-vao-than-c131a501468.html