Bài toán khó công nhận người bản địa tại Úc
Mặc dù ban đầu tin tưởng rằng chính phủ Australia sẽ thuận lợi trong việc thuyết phục người dân ủng hộ điều này song tình hình thực tế lại dường như đang theo chiều hướng ngược lại.
Người dân Australia còn vài ngày để đưa ra quyết định về việc có ủng hộ hay không việc thay đổi Hiến pháp để thể hiện sự tôn trọng người bản địa và người dân đảo Torres Strait, là những nhóm người đầu tiên sống tại Australia cách đây khoảng 65 nghìn năm và công nhận quyền của nhóm người này. Nếu nhận đủ số lượng ủng hộ thì cuộc trưng cầu dân ý cũng mở đường cho việc thành lập một ủy ban gọi là “The Voice” - được tạm dịch là Tiếng nói người bản địa và ủy ban này cử đại diện tại Quốc hội và chính phủ để có thể đóng góp ý kiến vào những vấn đề có liên quan đến những người bản địa.
Trước khi quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, trong dư luận Australia ngày càng nhiều người quan tâm và muốn hỗ trợ để những người bản địa có cuộc sống tốt hơn. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận vào tháng 8/2022, tỷ lệ người sẽ ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp để công nhận người bản địa ở mức 63% và tỷ lệ người không ủng hộ ở mức 37%. Tuy nhiên, theo số liệu công bố mới đây, tỷ lệ này đã đảo chiều. Số lượng người ủng hộ giảm xuống chỉ còn 44% còn số người không ủng hộ tăng lên 56%. Thực tế này đang đặt chính phủ Australia đối mặt với bài toán khó.
Phân tích dư luận Australia cho thấy, ngày càng nhiều người dân nước này thận trọng trong cuộc trưng cầu dân ý bởi phong trào vận động người dân nói “Không” với đề xuất của chính phủ đang ngày càng thu hút sự chú ý. Theo đó, phong trào nói “Không” cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến việc thay đổi Hiến pháp có thể trở thành cơ sở tạo ra nhiều thay đổi trong tương lai mà mọi người không lường trước được. Lo ngại thứ hai đó là việc làm này sẽ làm cho xã hội Australia thêm phần chia rẽ. Và thứ ba là những thay đổi mà cuộc trưng cầu dân ý tạo ra có thể làm phát sinh những thách thức về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, có một điểm đáng chú ý khác là, mặc dù cuộc trưng cầu dân ý do chính phủ liên bang do Công đảng lãnh đạo đề xuất và được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính phủ trong nhiệm kỳ từ năm 2022 đến năm 2025 song tại 6/7 bang và vùng lãnh thổ, nơi Công đảng đang nắm quyền, tỷ lệ không ủng hộ đề xuất của chính phủ cao hơn tỷ lệ ủng hộ. Trong khi bang Tasmania, nơi duy nhất tại Australia mà chính quyền do đảng Tự do đối lập lãnh đạo lại ủng hộ đề xuất của chính phủ liên bang. Thực tế này cho thấy trong cuộc trưng cầu dân ý này, ý kiến của người dân dường như không bị tác động bởi yếu tố đảng phái.
Theo thông tin từ Ủy ban bầu cử Australia, đã có 17,6 triệu người dân, tương đương với 97,7% cử tri Australia đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 14/10 tới. Đây là số lượng người kỷ lục đăng ký tham gia cuộc trưng cầu dân ý và thực tế này cho thấy người dân Australia rất quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý và muốn nói lên tiếng nói của mình trong một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của nước này.
Article sourced from VOV.