Bác sĩ nhi hướng dẫn cách xử lý đúng, kịp thời khi trẻ nuốt phải thủy ngân
Nhiễm độc thủy ngân chỉ vì sự vô ý trong sinh hoạt
Bác sĩ Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi khoảng hơn 1 tuổi, nhập viện vì nuốt phải thủy ngân vào bụng.
Theo chia sẻ của người thân, khi đang chơi ở nhà, do người lớn không để ý, bé đã lấy được chiếc nhiệt kế thủy ngân và không may cắn vỡ, nuốt thủy ngân vào bụng. Thấy vậy gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Tại bệnh viện, sau khi chụp XQ, các bác sĩ phát hiện có nốt trắng (thủy ngân) trong bụng và tiến hành xử lý. Rất may tình trạng bệnh nhi dần ổn định và không có biến chứng gì.
Hình ảnh thủy ngân cháu bé nuốt phải quan sát qua phim chụp.
Việc trẻ bị nhiễm độc thủy ngân không hiếm gặp. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 11 tuổi bị nhiễm độc thủy ngân qua da. Theo đó, khi đang vẩy chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ, do sơ ý chiếc nhiệt kế bị vỡ và chọc mạnh vào tay trái của trẻ, gây vết thương ở ngón trỏ.
Lo lắng, gia đình đã đưa cháu tới Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. Thời điểm này, vết thương của cháu đã bị nhiễm trùng và áp xe. Qua chụp XQ phát hiện ngón tay của bệnh nhi này có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong và đã bị nhiễm độc. Tình trạng đã được các bác sĩ tiến hành xử lý, điều trị.
Bác sĩ Đồng cho biết, thủy ngân là một kim loại ở dạng lỏng, màu trắng bạc, không màu, không mùi, bay hơi chậm ở nhiệt độ phòng (25 độ C). Thủy ngân thường được sử dụng trong nhiệt kế, ẩm kế, bóng đèn huỳnh quang… và có thể gây độc cho cơ thể ở ngưỡng nhỏ hơn 4-5 Micromol/L hoặc dưới 1,6 microgram/kg/ngày.
Xử lý khi bị vỡ nhiệt kết, vật dụng chứa thủy ngân
Theo BS Đồng, một cây nhiệt kế thủy ngân chỉ chứa hàm lượng thủy ngân khoảng 0.61 grams. Khi nhiệt kế thủy ngân vỡ, đa số các trường hợp sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nếu thủy ngân được dọn sạch ngay đúng cách.
BS Đồng khuyến cáo, khi vật dụng chứa thủy ngân vỡ, không được dùng máy hút bụi để dọn vì hơi nóng từ máy hút sẽ làm thủy ngân bốc hơi và gây nhiễm độc cơ thể.
Cũng không nên dùng chổi để quét dọn thủy ngân vì điều này làm thủy ngân phân tán thành những hạt nhỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, không đổ thủy ngân vào bồn rửa vì thủy ngân có thể ứ đọng lâu trong đường ống thoát nước.
Việc tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân (dạng bay hơi) trong thời gian dài sẽ gây nhiễm độc thần kinh (thay đổi tính tình, nói lắp, run tay chân, mệt mỏi, đau đầu, co giật, hôn mê), tăng huyết áp, viêm phổi, phù phổi, suy thận.
Trẻ vô tình nuốt thủy ngân đa số thường không gây hại đến sức khỏe . Vì hệ tiêu hóa chỉ hấp thu được dưới 0.01% hàm lượng thủy ngân được nuốt vào (lượng thủy ngân này rất thấp không đủ để gây nhiễm độc cho cơ thể), phần còn lại sẽ được cơ thể trẻ thải ra ngoài”, BS Đồng cho hay.
Nhiệt kế bị vỡ cần phải dọn dẹp và xử lý đúng cách để không bị nhiễm độc.
Phải làm gì khi trẻ làm vỡ nhiệt kế thủy ngân tại nhà
Khi trẻ vô tình làm vỡ nhiệt kế thủy ngân, phụ huynh cần:
- Đưa trẻ rời khỏi phòng;
- Mở cửa phòng có thủy tinh vỡ để tạo sự thông thoáng (trong 24 giờ) và đóng tất cả các cửa phòng khác;
- Cần mang găng tay trước khi dọn dẹp;
- Cẩn thận nhặt các mảnh vỡ thủy tinh, cuộn vào khăn giấy để bỏ túi zip;
- Dùng thẻ nhựa hoặc cây gạt nước sàn nhà để thu nhặt các giọt thủy ngân, gói vào giấy, bỏ túi zip niêm phong lại;
- Dùng băng dính để thu nhặt những giọt thủy ngân hay mảnh vỡ thủy ngân còn sót lại, bỏ túi zip;
- Liên hệ với trạm y tế hay trung tâm y tế dự phòng gần nhất để gửi xử lý túi chất thải;
- Không sử dụng lại găng tay, quần áo hay các vật dụng có dính thủy ngân.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/be-hon-1-tuoi-nuot-phai-thuy-ngan-trong-nhiet-ke-bac-si-nhi-huong-dan-cach-xu-ly-dung-c131a483351.html