Ba Lan ngày càng xích lại gần Mỹ

00:00' 04-04-2024
Tăng cường mua vũ khí và hợp tác kinh tế, Ba Lan liên tục xích lại gần Mỹ để đảm bảo duy trì chiếc ô bảo vệ từ đồng minh, ngay cả khi ông Trump tái đắc cử.


    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước khiến châu Âu đứng ngồi không yên khi nói rằng Washington sẽ không bảo vệ thành viên NATO "không trả tiền" trong trường hợp bị tấn công. Ông Trump đã nhiều lần phàn nàn về việc đồng minh châu Âu đóng góp không đủ cho ngân sách quốc phòng, tức chưa đạt mức 2% GDP.

    Trong khi nhiều lãnh đạo châu Âu lo lắng cho viễn cảnh phải tự bảo vệ mình trong tình huống bị tấn công và chỉ trích gay gắt bình luận của ông Trump, Ba Lan chọn một cách tiếp cận khác: xích lại gần Mỹ hơn. Đối với Warsaw, đó là cách tiếp cận có thể làm hài lòng ông Trump, ứng viên nặng ký trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

    "Ông ấy muốn châu Âu trở thành khu vực chịu chi phối bởi lợi ích của Mỹ. Ông ấy là doanh nhân, nên muốn tăng cường các thương vụ Mỹ ở đây", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói.

    Đối với những quốc gia đang tìm cách ứng phó với kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng, Ba Lan có thể là một mô hình để học hỏi. Warsaw đã nỗ lực để đảm bảo có sự hiện diện của Mỹ trong hệ thống phòng thủ của nước này dù bất kỳ ai trở thành ông chủ Nhà Trắng. Họ đã chi rất mạnh tay cho các hợp đồng mua vũ khí và công nghệ thương mại của Mỹ.

    Trong hai năm qua, Ba Lan đã nhất trí mua tới 50 tỷ USD thiết bị quân sự của Mỹ, gồm trực thăng Apache, hệ thống pháo HIMARS và thế hệ radar trên không mới. Warsaw cũng đồng ý mua tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất.

    Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ tại căn cứ không quân Inowrocław, Ba Lan hồi tháng 1/2023. Ảnh: US Army

    Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ tại căn cứ không quân Inowrocław, Ba Lan hồi tháng 1/2023. Ảnh: US Army

    Các thỏa thuận mua vũ khí của Ba Lan được ký kết trong năm tài khóa qua đã chiếm một nửa doanh số bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ, khiến nước này trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Washington trong giai đoạn này.

    Không chỉ mua vũ khí, Ba Lan cũng ký kết nhiều thỏa thuận kinh doanh lớn với các công ty hàng đầu Mỹ, trong đó có nhà sản xuất chip Intel với kế hoạch xây nhà máy chất bán dẫn ở quốc gia Đông Âu này. Thỏa thuận nổi bật nhất là kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân với công ty Westinghouse Electric mà Warsaw đàm phán từ khi ông Trump còn là tổng thống.

    Người Ba Lan xem lựa chọn này là quyết định hợp lý để gắn kết lợi ích an ninh của họ với lợi ích kinh tế Mỹ. "Một trong những lý do chúng tôi lựa chọn đối tác Mỹ là loại hình đầu tư này sẽ lập tức mang tới những hợp tác lớn hơn", ông Duda nói.

    Dự án nhà máy điện hạt nhân "đại diện cho mối quan hệ đối tác 100 năm giữa Mỹ và Ba Lan trong lĩnh vực an ninh năng lượng", Patrick Fragman, giám đốc điều hành Westinghouse, nói.

    Quan chức Ba Lan lo ngại sự suy giảm ủng hộ của Mỹ sẽ khiến sườn đông NATO dễ gặp nguy hiểm và quốc gia của họ có thể là mục tiêu lớn nhất. Luôn cảnh giác với Nga, Ba Lan từ lâu đầu tư mạnh vào quốc phòng. Năm nay, nước này tăng ngân sách quốc phòng lên 4% GDP.

    Hầu hết hợp đồng của Ba Lan với Mỹ được ký kết dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Chính phủ Ba Lan khi đó muốn thúc đẩy quan hệ đối tác đặc quyền với chính quyền Trump. Năm 2018, họ thậm chí đề xuất đặt tên một căn cứ của Mỹ ở nước này là Fort Trump.

    Chính phủ trung dung hiện tại của Ba Lan tiếp tục duy trì quan hệ mạnh mẽ với Mỹ, trong khi thúc đẩy tái thiết quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều năm căng thẳng. EU tuần trước cho phép Ba Lan tiếp cận hơn 145 tỷ USD trong ngân sách của khối.

    Chính phủ Ba Lan dự kiến duy trì các đơn đặt hàng vũ khí lớn của Mỹ bất chấp giao hàng chậm trễ, theo Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski. Ông thêm rằng Warsaw đồng thời cũng ưu tiên phát triển các thiết bị bay không người lái dựa vào bài học từ xung đột Ukraine.

    Ông Duda, người tự mô tả có lập trường bảo thủ, nói rằng yêu cầu của ông Trump rằng các nước thành viên NATO nên chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, như đã nhất trí năm 2014, "hợp lý".

    "Đối với tôi, điều này là hiển nhiên", ông nói. "Tất nhiên chúng tôi tin tưởng vào đồng minh NATO, chủ yếu là Mỹ, song chúng tôi hiểu rằng đây sẽ chỉ là sự hỗ trợ. Người Ba Lan phải có khả năng tự bảo vệ mình".

    Xung đột Ukraine xảy ra vào thời điểm Ba Lan đang trong quá trình hiện đại hóa quân sự sau nhiều thập kỷ sử dụng vũ khí Liên Xô. Quá trình chuyển đổi giúp Ba Lan có nguồn máy bay và xe tăng Liên Xô sẵn có để hỗ trợ Ukraine, song cũng khiến họ phải nhanh chóng mua vũ khí mới bổ sung vào kho dự trữ.

    Dù đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và Đức, Ba Lan vẫn mua số lượng lớn vũ khí từ Mỹ để ràng buộc cường quốc này vào mối quan hệ lâu dài với Warsaw. Điều này cũng đồng nghĩa lực lượng Mỹ có thể dễ dàng hỗ trợ Ba Lan trường hợp xảy ra khủng hoảng.

    "Tất cả những nhà hoạch định chính sách quốc phòng Ba Lan đều đang làm mọi thứ để tăng khả năng tương thích và tương tác đối đa giữa lực lượng của họ với quân Mỹ", Tony Housh, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Ba Lan, nói.

    Ông Housh cho biết mục tiêu của Ba Lan là khi bất kỳ lực lượng Mỹ nào được gửi tới sườn đông, họ có thể phát huy tối đa khả năng với việc sử dụng những vũ khí quen thuộc như F-35, HIMARS và Patriot.

    Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trong cuộc diễu binh của lực lượng vũ trang ở thủ đô Warsaw hồi tháng 8/2023. Ảnh: AFP

    Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trong cuộc diễu binh của lực lượng vũ trang ở thủ đô Warsaw hồi tháng 8/2023. Ảnh: AFP

    Đầu tư cho công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Warsaw. Những thỏa thuận với Mỹ mang lại cho Ba Lan một số thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới, trong khi các lãnh đạo Mỹ giành được một khối cử tri gốc Ba Lan và theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.

    Ba Lan xem việc thu hút các nhà đầu tư Mỹ như củng cố lợi ích của Washington ở quốc gia này. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Ba Lan, chỉ sau Đức, quốc gia láng giềng chung biên giới. Thỏa thuận xây nhà máy với Intel ở thành phố Wroclaw đã đưa Ba Lan gia nhập chuỗi cung ứng châu Âu của công ty Mỹ, gồm một nhà máy khác ở Ireland và một nhà máy dự kiến xây dựng ở Đức.

    Năm 2021, Google chọn Ba Lan là nơi đầu tiên ở Đông Âu triển khai hệ thống lưu trữ đám mây, từ đó phục vụ phần còn lại của khu vực.

    Nhà máy điện hạt nhân sẽ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế và quốc phòng. Cuối năm 1990, Ba Lan từng hủy bỏ một dự án lò phản ứng của Liên Xô đang xây dựng dở. Việc Ba Lan giờ chấp nhận một lò phản ứng do Mỹ xây dựng sẽ được xem là động thái cho thấy rõ sự xoay trục của Warsaw về phương Tây.

    Westinghouse cho biết dự án sẽ tác động mạnh mẽ tới Ba Lan như giúp tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và sản xuất năng lượng sạch. Công ty Mỹ cũng thiết lập một trung tâm kỹ thuật khu vực và thu hút hàng trăm nhà cung cấp Ba Lan. "Điều này rất quan trọng cho việc hỗ trợ các dự án khác trên toàn khu vực", Fragman nói.

    Tổng thống Duda cho biết ông không lo lắng về kịch bản ông Trump rút Mỹ khỏi NATO hay những bình luận ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin của cựu tổng thống Mỹ. "Ông Trump nhìn chính trị qua lăng kính kinh doanh. Tôi nghĩ ông ấy biết rằng sự thống trị của Nga ở châu Âu không đem lại lợi ích cho Mỹ", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/lay-long-my-ba-lan-chuan-bi-cho-kich-ban-trump-tro-lai-4718416.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ