Nga biến bom thành tên lửa để tập kích Ukraine

22:00' 03-04-2024
Nga sử dụng ngày càng nhiều bom lượn để oanh tạc phòng tuyến Ukraine, trong khi Kiev chưa tìm ra phương án hiệu quả để đối phó.


    Không giống bom thông thường rơi tự do sau khi thả, bom lượn của Nga được trang bị hệ thống điều khiển hoặc chuyển hướng, cho phép chúng có thể thay đổi quỹ đạo bay để tấn công mục tiêu ở xa hơn.

    Một số loại bom có điều khiển của Nga còn được trang bị động cơ đẩy phía sau, biến chúng thành tên lửa hành trình giá rẻ. Các loại vũ khí này giúp oanh tạc cơ và tiêm kích bom Nga không phải bay vào vùng phòng không Ukraine để tấn công mục tiêu.

    Bom lượn cho phép Nga tấn công phòng tuyến Ukraine từ vị trí xa hơn tầm bắn của pháo binh, đồng thời giúp chiến đấu cơ nước này tránh được tên lửa phòng không đối phương. Sức công phá lớn của những quả bom, có thể nặng tới ba tấn, bù đắp cho tính thiếu chính xác, khi chúng có thể phá hủy cả một tòa nhà kiên cố và gây thương vong nặng nề cho bộ binh đối phương trong bán kính hàng trăm mét.

    Giới chuyên gia nhận định bom lượn là một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất giúp Nga giành nhiều bước tiến trên chiến trường gần đây. Chúng cũng có nguy cơ khiến Ukraine mất thêm nhiều binh sĩ giàu kinh nghiệm, khi họ gần như không có biện pháp hiệu quả nào để đối phó.

    Thời gian bay ngắn, tiết diện radar nhỏ và quỹ đạo bay khó đoán khiến bom lượn rất khó bị đánh chặn. Ukraine từng cảnh báo rằng bom lượn có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng và những đợt oanh tạc của Nga vài tháng qua chứng minh điều này là đúng.

    "Lực lượng Nga tăng cường đáng kể những trận oanh tạc bằng bom lượn có điều khiển hoặc không điều khiển vào vị trí của Ukraine trên tiền tuyến và khu vực hậu phương", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, nhận định. "Nga liên tục oanh tạc bằng bom lượn để đạt hiệu quả chiến thuật trong chiến dịch công phá thành trì Avdeevka, nơi họ kiểm soát vào tháng 2".

    Cả Nga và Ukraine đều sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến, do đó không bên nào giành được ưu thế trên không trong hai năm đầu của xung đột. Tuy nhiên, khi Nga áp sát thành trì Avdeevka, bom lượn bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Ukraine ghi nhận tần suất oanh tạc bằng bom lượn gia tăng trong những ngày cuối bám trụ Avdeevka.

    Bom FAB-3000 nặng ba tấn tại một nhà máy vũ khí của Nga. Ảnh: BQP Nga

    Bom FAB-3000 nặng ba tấn tại một nhà máy vũ khí của Nga. Ảnh: BQP Nga

    George Barros, chuyên gia tại ISW, nhận định Nga đang hiểu rõ hơn về cách thức tiến hành các đợt tập kích diện rộng vào thành phố hoặc hạ tầng quan trọng của Ukraine để thăm dò năng lực phòng không đối phương.

    "Khi khả năng ứng phó của phòng không Ukraine đạt đến cực hạn, Nga sẽ điều chiến đấu cơ tiến hành các đợt không kích bằng bom lượn", Barros nói.

    Tại Avdeevka, bom lượn với sức công phá cực lớn liên tiếp được trút xuống công sự Ukraine. Các chuyên gia cho rằng tần suất oanh tạc cao, không phải tính chính xác, của bom lượn là lý do chính khiến các vị trí của Ukraine không thể trụ vững.

    Tiêm kích bom Su-34 Nga thường thả bom lượn ở vị trí cách tiền tuyến 50 km hoặc hơn, ngoài tầm bắn của gần như toàn bộ tổ hợp phòng không mà Ukraine sở hữu, trừ hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo, chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết.

    Theo Bronk, bom lượn chỉ có khả năng tấn công mục tiêu cố định, nhưng lại rất hiệu quả khi dùng để công phá các công trình kiên cố trong khu vực giao tranh kéo dài như Avdeevka.

    "Điều này khiến chiến thuật oanh tạc bằng vũ khí tầm xa như bom lượn trở nên khá thực tế. Chúng mang lượng thuốc nổ lớn hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket, đặc biệt là bom 1,5 tấn", Bronk nói. "Loại vũ khí này gây tác động tâm lý lớn hơn đạn pháo về nhiều mặt".

    Phòng không Ukraine từng phát huy hiệu quả trong ngăn không quân Nga kiểm soát vùng trời, nhưng năng lực của họ ngày càng suy giảm do thiếu tên lửa phòng không Patriot, trong khi gói viện trợ bổ sung của Mỹ vẫn chưa đến được nước này.

    "Nếu Ukraine có hệ thống phòng không tốt hơn, họ có thể ngăn Nga dùng bom lượn bằng cách buộc chiến đấu cơ đối phương hoạt động xa chiến tuyến hơn", Barros nói.

    Trung tướng Ivan Gavrylyuk, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, ngày 18/3 cho biết Nga đã ném hơn 3.500 quả bom xuống các vị trí của Ukraine từ đầu năm, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Bất chấp tần suất oanh tạc như vậy, kho dự trữ bom của Nga dường như không có dấu hiệu cạn kiệt.

    Bộ Quốc phòng Nga tuần trước thông báo ngành công nghiệp quốc phòng nước này tăng sản lượng một số loại bom đạn, trong đó có bom FAB-500 nặng nửa tấn, bom FAB-1500 nặng 1,5 tấn và bom FAB-3000 nặng ba tấn. Phần lớn những quả bom này đều có thể lắp bộ chuyển đổi để trở thành bom lượn.

    "Nga đang củng cố thành công của họ với chiến thuật dùng bom lượn", Barros nhận định. "Nga đã tìm ra cách đánh hiệu quả, do đó họ nhanh chóng tăng sản lượng bom".

    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

    Các chuyên gia phương Tây cho rằng để giảm mối đe dọa từ bom lượn, Ukraine cần tăng cường đáng kể năng lực phòng không. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần nói rằng kho vũ khí phòng không hiện nay không đủ để bảo vệ Ukraine khỏi các đợt tập kích liên tục, đồng thời thường xuyên kêu gọi đối tác phương Tây hỗ trợ thêm.

    Tuy nhiên, quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng tranh cãi. Gói viện trợ này hứa hẹn sẽ cung cấp lô vật tư quân sự mà Ukraine đang mong đợi, trong đó có các tổ hợp phòng không và đạn tên lửa cho hệ thống Patriot.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phương Tây cảnh báo bom lượn của Nga không phải yếu tố duy nhất quyết định cục diện chiến sự, bởi nước này có lợi thế vượt trội về pháo binh so với Ukraine. Những lợi thế của Nga, tình trạng vật tư quân sự của Ukraine ngày càng cạn kiệt và tương lai không chắc chắn từ viện trợ phương Tây đang khiến triển vọng chiến trường ngày càng u ám với Kiev.

    "Nếu Mỹ không thông qua khoản viện trợ bổ sung, Ukraine rất khó tránh khỏi nguy cơ mất rất nhiều lãnh thổ khi Nga mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào mùa hè sắp tới", Bronk cảnh báo.

    Chuyên gia Barros đồng tình rằng nếu không nhận được viện trợ vũ khí, Ukraine sẽ phải tiếp tục rút khỏi nhiều vùng lãnh thổ và điều này không phải chỉ do bom lượn của Nga.

    "Nếu tình hình chiến trường không thay đổi, Nga tiếp tục duy trì cách đánh và khả năng thích ứng với tình thế như hiện nay, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ không quân nước này sẽ kiểm soát hoàn toàn vùng trời Ukraine, điều sẽ tác động lớn đến cục diện chiến trường", Barros nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bom-luon-nga-thach-thuc-phong-tuyen-ukraine-4727790.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ