ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới
Tòa nhà trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Đỗ Quyên)
Phát biểu trước các học giả và các nhà nghiên cứu về ASEAN tại Nhật Bản, Tiến sỹ Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN, khẳng định giống như như lời Bài ca ASEAN, ASEAN giờ đây đã thực hiện được một số giấc mơ khi ASEAN đã trở nên thống nhất hơn và nền kinh tế đã hội nhập hơn.
Theo Tiến sỹ Rillo, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP lên tới 2.900 tỷ USD năm 2018 và là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu với tổng dân số hơn 649 triệu người.
Trong giai đoạn 2007-2018, tổng kim ngạch thương mại của ASEAN đã tăng gần gấp đôi lên 2.767,1 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm tỷ lệ cao nhất (22,9%).
Năm 2018, các nền kinh tế ASEAN đã thu hút 151,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó dòng vốn FDI nội khối chiếm tỷ trọng cao nhất (14,8%).
Phó Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh với tốc độ tăng trưởng dự báo vào khoảng 5,5%/năm, ASEAN có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025 sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ…
Sự phát triển quan trọng này được hỗ trợ bởi sự năng động đang gia tăng của thị trường ASEAN, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu với tiềm năng chi tiêu tăng và một lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới. Tất cả các nhân tố này kết hợp lại sẽ tạo ra các cơ hội cho đầu tư và thương mại trong khu vực.
Phó Tổng Thư ký ASEAN khẳng định: “Nếu nhìn vào tiềm năng của ASEAN và những thành tựu mà khu vực này đã đạt được trong những năm qua, tôi không cho rằng những thành công trong quá trình hội nhập khu vực của ASEAN đến một cách ngẫu nhiên. Các chuyển đổi kinh tế quan trọng của ASEAN đến từ những nỗ lực của các nước thành viên trong việc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.”
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký ASEAN chỉ ra một số thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước lớn và vấn đề lão hóa dân số.
Đáng chú ý, theo tiến sỹ Rillo, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, 5 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất ở ASEAN gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam (ngoại trừ Malaysia) đều có tốc độ tăng trưởng suy giảm trong quý 2/2019.
Mặc dù những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể thấy rõ ràng nhất trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nhưng Phó Tổng Thư ký ASEAN cho biết điều khiến ông lo ngại hơn chính là những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước này sẽ tác động tới tâm lý thị trường.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng lão hóa dân số và tác động của tình trạng này tới sự phát triển kinh tế-xã hội ở các nước ASEAN.
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc Lee Hyuk cho rằng vấn đề lão hóa đã trở thành vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng trên thế giới.
Trên thực tế, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều đang chuyển sang “các xã hội siêu lão hóa,” nơi có hơn 30% dân số trên 60 tuổi.
Ông Lee Hyuk nhấn mạnh ASEAN cũng không thoát khỏi xu thế đó. Singapore đứng đầu trong danh sách này với khoảng 33% dân số trên 65 tuổi vào năm 2050. Brunei, Thái Lan và Việt Nam cũng sẽ có ít nhất 21% dân số trên 65 tuổi vào thời điểm đó.
Mặc dù lão hóa dân số là thách thức đối với các quốc gia nhưng theo ông Lee Hyuk, đây cũng là cơ hội cho các nền kinh tế và là một nguồn lực tăng trưởng mới. Sự gia tăng về nhu cầu chăm sóc y tế sẽ dẫn tới các tiến bộ công nghệ.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/thanh-cong-trong-qua-trinh-hoi-nhap-asean-khong-den-ngau-nhien/591949.vnp