Áp dụng quy luật bể cá trong việc dạy dỗ con cái
Tôi từng đọc thấy một câu chuyện như thế này:
Ở lối vào của một công ty nọ có đặt một bể cá rất đẹp, trong đó có hàng chục con cá nhiều màu sắc, chúng dài khoảng 7cm. Đàn cá nhiều màu này ngày nào cũng thu hút sự chú ý của mọi người.
Đã 2 năm trôi qua, kích thước của những con cá dường như không có sự thay đổi nhiều, vẫn khoảng 7cm như cũ.
Vào một ngày nọ, con trai của giám đốc đến công ty, trong một lúc nghịch ngợm, câu bé làm vỡ bể cá thành từng mảnh. Mọi người nhanh chóng vớt những con cá cho tạm vào đài phun nước trong sân.
2 tháng sau, người ta đến để vớt cá ra và họ ngạc nhiên khi thấy kích thước những con cá này đã tăng lên gần gấp đôi.
Mọi người nhận ra rằng, vì thay đổi môi trường sống nên những con cá này dù mới sống trong đài phun nước 2 tháng nhưng phát triển rất nhanh.
Đây chính là quy luật bể cá, nó cũng được áp dụng tương tự trong việc nuôi dạy con cái. Nếu muốn con cái khỏe mạnh, lớn nhanh, phát triển tốt, chúng cần được tự do vận động thay vì suốt ngày bị “cầm tù” trong một cái “bể cá nhỏ”.
Môi trường hạn chế như “bể cá” sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ
Nếu bạn muốn con mình trở nên tự lập, nổi bật, cần phải cho trẻ không gian tự do phát triển.
Có người hỏi rằng, nếu con cái được tự do thoải mái, bố mẹ không la mắng hay kiểm soát, liệu đứa trẻ có trở nên hư hỏng?
Trên thực tế, bạn cần hiểu rằng, trẻ tự do không có nghĩa là không có luật lệ và không cần bố mẹ quản lý. Bạn cần hiểu rõ khái niệm này nếu không sẽ cảm thấy mâu thuẫn trong quá trình nuôi dạy con cái.
Bố mẹ là người hướng dẫn, không phải người điều khiển cuộc đời đứa trẻ. Dù bố mẹ là người sinh ra trẻ nhưng không có nghĩa rằng, trẻ em là “món đồ” để bố mẹ muốn làm tùy thích.
Trẻ em vẫn là một cá thể độc lập, có suy nghĩ và cảm xúc riêng, bố mẹ cần phải tôn trọng dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Trước khi trẻ có suy nghĩ riêng (trước 2 tuổi), bố mẹ là người giám hộ và người nuôi dưỡng, lúc này điều trẻ cần nhất là sự quan tâm bầu bạn từ bố mẹ. Sau khi trẻ được 2 tuổi, chúng có thể nói “không” trước những gì bản thân không thích. Điều đó chứng tỏ trẻ đã có ý thức riêng. Lúc này, bố mẹ cần điều chỉnh lại vị trí, cần đối xử con mình một cách tôn trọng hơn.
Ví dụ: Đừng chạy khi chưa biết đi vì rất dễ ngã.
Tất cả người lớn đều biết sự thật này nhưng trẻ em lại không hiểu điều đó. Tuy nhiên, mỗi người lại có những phản ứng khác nhau trong tình huống này.
Một số người mẹ hoặc ông bà sẽ chọn cách luôn nắm tay dắt trẻ đi, kiểm soát tốc độ trẻ di chuyển để đảm bảo sự an toàn.
Ngược lại, một số khác không nắm tay mà chọn cách cứ để trẻ tập đi theo cách mình muốn, đồng thời nhắc nhở cần cẩn thận có thể bị ngã khi chạy. Nếu trẻ vẫn muốn chạy, họ không bắt trẻ dừng lại mà để chúng trải qua cảm giác chạy rồi bị ngã. Điều này có thể giúp trẻ học được bài học cho chính mình. Nếu trẻ có bị ngã, họ cũng sẽ an ủi trẻ cố gắng thêm lần nữa.
Ngoài ra, còn một phản ứng nữa đó là bố mẹ không quan tâm trẻ chạy hay ngã, để chúng tự xử lý hết mọi việc của mình.
Ngày nay, có không ít những gia đình chỉ sinh con một. Vì thế cả nhà dành hết tình yêu thương cho đứa trẻ, chăm sóc mọi mặt, điều này vô tình tước đi sự tự do của trẻ và cơ hội khám phá giá trị bản thân.
Khi nhìn đứa trẻ, bà nội biết cháu khát, liền đưa cốc nước vào tay cháu. Khi đứa trẻ đứng lên, người mẹ biết con mình muốn lấy thứ gì liền lập tức đi lấy. Khi đứa trẻ định mở miệng nói gì đó, người bố đã nói hộ thay.
Liệu rằng, một đứa trẻ sống trong môi trường đã có người khác làm thay tất cả mọi thứ như vậy chúng có cảm thấy hạnh phúc và tốt cho sự phát triển? Bạn hãy tự đưa ra câu trả lời cho chính mình.
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/ap-dung-quy-luat-be-ca-bo-me-se-it-gap-kho-khan-trong-viec-day-do-con-cai-c216a1308469.html