Ẩn ý đằng sau những chiếc mặt nạ nổi tiếng trên phim

15:00' 10-04-2020
Mặt nạ không chỉ là công cụ để nhân vật trong phim che giấu danh tính, mà còn được các đạo diễn lồng ghép cho nhiều tầng ý nghĩa.


    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 1 m1.jpg

    Mặt nạ Darth Vader trong loạt Star Wars: George Lucas chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đạo diễn Akira Kurosawa và văn hóa Nhật Bản trong quá trình tạo ra Star Wars. Ông thừa nhận rằng Jedi và Sith có nguyên mẫu từ các samurai. Cụ thể, bộ trang phục trứ danh của Darth Vader lấy cảm hứng từ mũ giáp và mặt nạ hình quỷ của các chiến binh xứ sở hoa anh đào. Nó được thiết kế không chỉ để bảo vệ, mà còn như biểu trưng cho uy quyền và sự đe dọa. Qua đó, nhân vật có thể khiến người xem phải e sợ ngay cả khi không lộ mặt thật.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 2 m2.jpg

    Mặt nạ đầu heo trong loạt Saw: John Kramer (Tobin Bell) là phản diện chính trong loạt phim Saw do James Wan và Leigh Whannell sáng tạo. Sau khi phát hiện bản thân bị ung thư đại tràng, gã quyết định tạo ra những thí nghiệm kinh hoàng nhằm thử thách ý chí sinh tồn của con người. John và đồng phạm thường xuyên đeo chiếc mặt nạ đầu heo trong quá trình bắt cóc nạn nhân. Chiếc mặt nạ đại diện cho năm Hợi trong văn hóa Á Đông - thời điểm mà gã bắt đầu hành vi tội ác. Ngoài ra, con heo, vốn tượng trưng cho sự ham ăn vô độ, còn biểu thị cái nhìn bi quan của nhân vật về thế giới và căn bệnh mà mình mắc phải.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 3 m3.jpg

    Mặt nạ thỏ trong Donnie Darko (2001): Trong bộ phim cùng tên, Donnie Darko (Jake Gyllenhaal) được một nhân vật trong bộ trang phục thỏ kỳ dị tên Frank báo trước thời điểm tận thế. Tạo hình được đạo diễn Richard Kelly lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Watership Down (1972) của Richard Adams, vốn kể về một cộng đồng thỏ với tính cách, văn hóa, ngôn ngữ, thơ ca và thần thoại riêng. Chiếc mặt nạ ghê rợn hàm ý Frank đến từ thế giới của người chết. Ngoài ra, hình ảnh con thỏ còn để gây liên tưởng đến White Rabbit - một nhân vật trong Alice in Wonderland đã dẫn cô bé Alice vào thế giới song song huyền bí.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 4 m4.jpg

    Mặt nạ Guy Fawkes trong V for Vendetta (2005): V for Vendetta là tác phẩm mang đậm ý nghĩa chống cường quyền của Alan Moore. Trong phim, V (Hugo Weaving) đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes và lên kế hoạch lật đổ nhà cầm quyền độc tài Anh quốc. Đây là một một nhân vật lịch sử có thật. Ngày 5/11/1605, Guy Fawkes ám sát vua James I và thành viên Nghị viện Anh bằng thuốc nổ. Tuy nhiên, kế hoạch bại lộ khiến ông bị kết tội phản quốc và chịu xử tử. Cho đến ngày nay ở Anh, Guy Fawkes vẫn được nhắc đến như một nhân vật tiêu biểu cho tư tưởng vô chính phủ. Nguyên tác truyện tranh V for Vendetta cũng truyền cảm hứng cho nhóm tin tặc nổi tiếng Anonymous sử dụng chiếc mặt nạ này.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 5 m5.jpg

    Mặt nạ Rorschach trong Watchmen (2009): Watchmen là một tác phẩm khác của Alan Moore mang nhiều ẩn ý sâu sắc. Trong đó, Rorschach (Jackie Earle Haley) là nhân vật nổi bật dù không sở hữu siêu năng lực. Chiếc mặt nạ của anh chỉ mang hai màu trắng đen, nhằm thể hiện hàm ý quan điểm tốt xấu phân biệt rạch ròi. Điều này thể hiện rõ khi nhân vật chịu chết, chứ nhất quyết không chấp nhận thứ hòa bình giả tạo do Ozymandias (Matthew Goode) tạo ra bằng cách giết hại hàng triệu người vô tội. Ngoài ra, họa tiết đen trên mặt nạ cũng thay đổi thành những hình thù kỳ dị dựa trên cảm xúc của Rorschach. Mỗi hình ảnh tượng trưng cho một tội lỗi của con người trong quá trình hành hiệp của siêu anh hùng. Do đó, chiếc mặt nạ còn như đại diện cho hố sâu tội ác hay sự trừng phạt đang nhìn thẳng vào nhân loại.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 6 m6.jpg

    Mặt nạ cười trong The Purge (2013): The Purge là thương hiệu kinh dị ăn khách của Blumhouse. Loạt phim lấy bối cảnh tương lai khi xã hội ngày càng rối ren, tỷ lệ tội phạm tăng cao. Nước Mỹ thông qua đạo luật cho phép mỗi năm có một ngày thanh trừng: thời điểm mọi tội ác đều không bị xét xử. Vì cứu một người đàn ông trọng thương gia đình Sandin trở thành mục tiêu của nhóm thanh niên đeo mặt nạ cười. Theo nhà sản xuất Jason Blum, chiếc mặt nạ không chỉ tạo ra cảm giác lạnh sống lưng, mà còn thể hiện sự suy đồi đạo đức của con người trong phim khi ngày một thích thú cảm giác giết chóc.

    An y dang sau nhung chiec mat na noi tieng tren phim hinh anh 7 m7.jpg

    Mặt nạ Salvador Dalí trong series Money Heist: Trái ngược với V for Vendetta, chiếc mặt nạ của nhóm cướp trong Money Heist ẩn chứa sự châm biếm. Bởi Salvador Dalí là người ủng hộ chế độ độc tài của Francisco Franco. Điều này trái ngược hẳn với tinh thần phản kháng của The Professor (Álvaro Morte) và đồng bọn. Chiếc mặt nạ như một cách mỉa mai sự khờ dại của vị họa sĩ đại tài, đặc biệt là khi băng cướp hát vang ca khúc chống phát xít Bella Ciao. Đồng thời, nó gợi nhắc hệ tư tưởng đã khiến Tây Ban Nha rơi vào cơn khủng hoảng trong suốt 30 năm trời. Ngoài ra, mặt nạ Salvador Dalí còn mang hàm ý thiên tài và sự điên loạn thường gắn liền với nhau khi ông đã đẩy nghệ thuật đến mức cực đoan. Trong đó, The Professor chính là thiên tài, còn anh trai Berlin (Pedro Alonso) luôn xem các vụ cướp là thứ nghệ thuật cực đoan.

     


    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/an-y-dang-sau-nhung-chiec-mat-na-noi-tieng-tren-phim-post1070805.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ