Ăn nhiều thịt bò có tốt không, bao nhiêu là đủ?
Lợi ích của thịt bò với sức khỏe
- Cung cấp một lượng lớn L - Carnitine:
L-carnitine là một loại axit amin xuất hiện tự nhiên trong các sản phẩm thịt. Cơ thể tổng hợp L-Carnitine trong gan và quá trình này dựa trên các axit amin L-lysine và L-methionine. Chế độ ăn nhiều L-Carnitine có các tác động đến sức khỏe như sau:
Tim mạch: L-carnitine có tác động đến tăng huyết áp, căng thẳng oxy hóa, oxit nitric và viêm. Nghiên cứu cũng cho thấy L-carnitine có liên quan đến việc giảm 27% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân suy tim.
Bệnh tiểu đường: Lượng L-carnitine cao ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 giúp cải thiện mức đường huyết lúc đói và lượng cholesterol tổng thể.
- Cung cấp Glutathione - chất chống oxy hóa bậc nhất:
Glutathione được biết đến với tác dụng:
- Chống lão hóa.
- Tăng tuổi thọ.
- Phòng ngừa bệnh tật.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
- Tăng cường hệ miễn dịch.
Glutathione giúp bảo vệ mọi tế bào trong cơ thể chúng ta khỏi tổn thương tế bào, có thể dẫn đến nhiều bệnh mãn tính. Mặt khác, sự thiếu hụt glutathione góp phần gây ra căng thẳng oxy hóa và viêm.
Thịt bò đem lại nhiều lợi ích sức khỏe.
- Giúp cải thiện khối lượng cơ:
Thịt bò chứa nhiều axit amin tăng cường sức khỏe và là một trong những nguồn protein lớn nhất trong chế độ ăn uống của con người. Protein được cơ thể chúng ta sử dụng trong việc sửa chữa và tạo xương, da và sụn. Đủ protein sẽ giúp xây dựng và duy trì khối lượng cơ nạc.
Hàm lượng khoáng chất của thịt bò nạc gồm:
- Canxi 4%
- Đồng 8%
- Sắt 26%
- Magie 10%
- Mangan 2%
- Kali 18%
- Photpho 38%
- Selen 52%
- Kẽm 72%
- Ngăn ngừa thiếu máu:
Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu. Các triệu chứng chính gồm có mệt mỏi và suy nhược. Thịt bò là một nguồn giàu chất sắt, chủ yếu ở dạng sắt heme, cơ thể hấp thụ sắt heme hiệu quả hơn nhiều so với sắt non-heme.
Một số nghiên cứu cho thấy thịt bò có thể làm tăng hấp thu sắt non-heme ngay cả trong các bữa ăn có chứa axit phytic, một chất ức chế hấp thu sắt.
- Chứa Carnosine - một axit amin mạnh:
Carnosine (beta-alanyl-L-histidine) là một axit amin được tìm thấy khắp cơ thể và có một số vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Carnosine có đặc tính chống glycosyl hóa hay nói chính xác hơn carnosine làm giảm tác hại của một quá trình gọi là "glycation".
Glycation là trung tâm của quá trình lão hóa và dần dần gây hại cho cơ thể, có khả năng dẫn đến xơ vữa động mạch và các bệnh mãn tính khác
Ngoài ra, carnosine giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm. Axit amin cũng được cho là giúp ngăn ngừa quá trình peroxy hóa lipid trong tế bào của chúng ta.
- Thịt bò rất giàu vitamin:
Hàm lượng vitamin trong thịt bò (% RDA):
- Vitamin B12: 82%
- Vitamin B3: 50%
- Vitamin B6: 36%
- Vitamin B2: 18%
- Vitamin B5: 14%
Thịt bò còn chứa một lượng nhỏ vitamin E và vitamin K. Khi nhắc đến các loại vitamin trong thịt bò phải nói đến hàm lượng lớn vitamin B12 có trong nó. Vitamin B12 (cobalamin) là một chất dinh dưỡng thiết yếu đáng chú ý có nhiều lợi ích trong việc cải thiện làn da, tâm trạng tích cực, ngủ ngon hơn và tái tạo thần kinh. Không đủ vitamin B12 trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và các vấn đề về tinh thần.
- Chứa axit linoleic liên hợp:
Axit linoleic liên hợp là một chất béo được chuyển hóa tự nhiên. Theo như nghiên cứu, axit linoleic liên hợp giúp cải thiện độ nhạy của insulin thúc đẩy giảm cân.
- Chứa hàm lượng creatinin cao hiệu suất:
Những lợi ích sức khỏe mà creatine đem lại bao gồm:
- Cải thiện hiệu suất tập thể dục.
- Creatine hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cơ bắp.
- Cung cấp cho cơ bắp nguồn năng lượng lớn hơn và cải thiện sức bền.
- Tăng kích thước cơ bắp.
Tác dụng của thịt bò đối với nam giới?
Thịt bò chứa hàm lượng chất béo thấp, nhưng lại có sự kết hợp phong phú của axit linoleic hoạt động như chất chống oxy hóa để duy trì khối lượng cơ.
Thịt bò nhiều kẽm, magiê. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tổng hợp protein, thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp, chống ôxy hóa, tăng cường chức năng sinh sản, cải thiện chứng yếu sinh lý nam giới. Kẽm, glutamate và vitamin B6 hoạt động cùng nhau giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy kẽm trong thịt bò giúp bảo vệ tinh trùng khỏi tác dụng xấu của các gốc tự do. Vi lượng kẽm cũng ngăn cản sự chuyển đổi testosterone thành estrogen (nam giới sang nữ giới), do đó thúc đẩy ham muốn tình dục. Việc sử dụng thịt bò thường xuyên sẽ giúp nam giới tăng chất lượng cũng như số lượng tinh binh, từ đó giúp cải thiện khả năng “làm cha” một cách dễ dàng. Nhưng cũng nên sử dụng một lượng vừa đủ sẽ giúp cơ thể cân bằng hiệu quả hơn.
Ăn thịt bò nhiều có tốt không?
Nhiều nghiên cứu cho biết, mỗi loại thịt đều có công dụng và hạn chế riêng. Nếu dùng một cách vừa phải, chúng sẽ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Tương tự đối với thịt bò nếu quá lạm dụng sẽ đem lại rất nhiều điều có hại cho sức khỏe.
Gây ra bệnh tim mạch: Các nhà khoa học đã từng chứng minh mối liên hệ giữa thịt bò và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho người ăn nếu người đó tiêu thụ quá nhiều. Khi thịt bò được tiêu hóa trong dạ dày, các vi khuẩn đường ruột sẽ "khai quật" ra một hợp chất có tên là Carnitine. Chất này sẽ gây nên chứng xơ vữa động mạch, từ đó có tác động rất xấu đến hệ thống tim mạch của con người.
Làm tăng nguy cơ mắc ung thư: Thịt bò và mối liên hệ với căn bệnh ung thư từ lâu đã được nhắc đến. Những nghiên cứu cụ thể đã cho thấy thịt bò có khả năng gây ra bệnh ung thư ruột kết. Một nghiên cứu của Mỹ áp dụng trên gần 150.000 người cũng cho thấy ăn nhiều thịt bò làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu bạn ăn quá nhiều.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer: Nếu bạn ăn quá nhiều thịt bò, bạn sẽ bị thừa sắt bởi trong thịt bò có rất nhiều chất sắt. Nếu như bình thường, chất sắt rất có lợi cho sức khỏe, tốt cho máu, hệ tim mạch và sự phát triển trí não. Tuy nhiên, nếu thừa sắt, các protein có trong não có thể phá vỡ các tế bào thần kinh và tiêu diệt chúng. Đây chính là căn nguyên của bệnh alzheimer.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2: Trong thịt bò có chứa nhiều chất béo bão hòa - một loại chất béo xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế hấp thụ chất béo bão hòa, không để hàm lượng này vượt quá 7% tổng số calo tiêu thụ hàng ngày. Họ cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng gây bệnh tiểu đường.
Ngoài ra ăn thịt bò tái hoặc sống có thể mắc bệnh sán lá gan: loại sán này thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê…
Một tuần nên ăn bao nhiêu thịt bò?
Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, một người bình thường không nên ăn quá 300-500g thịt bò mỗi tuần. Và một tuần không nên ăn quá 2-3 lần, (khẩu phần 100-150g/lần ăn, tùy cân nặng và mức độ béo để tăng giảm phù hợp), và tốt nhất là luộc thịt, hầm thịt.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/an-thit-bo-nhieu-co-tot-khong-nhung-tac-dung-va-tac-hai-cua-thit-bo-ai-cung-nen-biet-c131a516321.html