Alibaba nỗ lực giữ vững ngôi vương
Theo đó, lãnh đạo ở từng ngành đang hoạt động như những "CEO nhỏ" (mini-CEO).
Chiến lược này nhằm tăng tốc độ ra quyết định để mỗi bộ phận để có thể cạnh tranh tốt hơn, phục hồi doanh số bán hàng và định hình lại hình ảnh tập đoàn sau loạt chính sách siết chặt hoạt động của chính phủ.
Cùng lúc đó, Ant Group, gã khổng lồ công nghệ tài chính mà Alibaba nắm giữ 33% cổ phần, đã bắt đầu tách mình khỏi Alibaba. Ant đã tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định, sau khi Bắc Kinh yêu cầu dừng IPO vào năm ngoái.
Sự thay đổi trong các quản trị của Alibaba đã diễn ra trong vài tháng qua, đảo ngược hoàn toàn so với cách thức tập trung hóa bắt đầu từ gần ba năm trước. Mô hình quản trị khi ấy đã đưa các công ty con và chi nhánh của Alibaba xích lại gần nhau, hình thành cái gọi là "Nền kinh tế Alibaba", dưới sự lãnh đạo của Jack Ma.
Linh vật đại diện của Alibaba tại trụ sở chính ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Về lâu dài, mô hình mới có thể mở đường cho Alibaba thu hút các công ty con nhỏ hơn và giúp các mảng kinh doanh tự IPO riêng. Các đơn vị có thể chín muồi trong tương lai bao gồm Cainiao Smart Logistics Network, chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo, một bộ phận dịch vụ địa phương bao gồm một số ứng dụng dịch vụ dựa trên vị trí, cũng như các nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài như Lazada và Trendyol.
Sự thay đổi phản ánh những thách thức ngày càng tăng đối với các ông trùm Internet của Trung Quốc, vốn đang bị Bắc Kinh giám sát chặt chẽ hơn. Giá trị thị trường của Alibaba đã giảm một nửa, xóa sổ khoảng 400 tỷ USD kể từ tháng 10/2020, lúc Ant đang định IPO. Tuần trước, Alibaba đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng doanh thu cho năm tài chính hiện tại, do doanh số bán hàng tăng trưởng chậm chạp vào Ngày Độc thân.
Giống như nhiều công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc và Mỹ, Alibaba đã mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp các dịch vụ đa dạng, từ mua sắm, du lịch đến thanh toán và hậu cần.
Mô hình quản lý mới chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, "xây dựng một tổ chức nhanh nhẹn" đã trở thành một biện pháp phổ biến trong Alibaba, theo nguồn tin thân cận của WSJ.
Gần ba năm trước, các đơn vị khác nhau của Alibaba cộng với Ant, đã xích lại gần nhau để tạo thành một mặt trận thống nhất và đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ bao gồm Tencent, Pinduoduo và Meituan. Một ủy ban bao gồm 13 giám đốc điều hành cấp cao đã được thành lập vào mùa xuân năm 2019 để điều hành "Cơ quan kinh tế Alibaba", do ông Zhang đứng đầu và Chủ tịch Ant Eric Jing làm phó. Họ kêu gọi sự phối hợp nhiều hơn trên đế chế kinh doanh rộng lớn của Alibaba.
"Nền kinh tế Alibaba" là cách gọi của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn khi ấy. Nó lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà sáng lập Jack Ma vào năm 2017. Ông nói với các nhà đầu tư rằng Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, so sánh tổng giá trị hàng hóa trên tất cả nền tảng của họ với GDP của các quốc gia.
"Nếu công ty của bạn có thể hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp có lợi nhuận trên nền tảng của mình, thì đây được gọi là một nền kinh tế", Jack Ma nói tại "Ngày nhà đầu tư Alibaba" vào tháng 6/2017. Lúc đó, ông dự báo Alibaba sẽ phục vụ 2 tỷ người tiêu dùng vào năm 2036 và tạo ra 100 triệu việc làm.
Chủ tịch kiêm CEO Alibaba Daniel Zhang. Ảnh: Bloomberg
Ông Zhang, người tiếp quản vị trí CEO vào năm 2015 và chủ tịch vào năm 2019, được biết đến là một nhà điều hành rất thực tế. Ông từng tổ chức các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các đơn vị hai tuần một lần, trực tiếp ký các quyết định lớn và nhỏ. Nhưng những tháng gần đây, ông đã ít tổ chức các cuộc họp như vậy.
Trong khi Alibaba và Ant tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, cấu trúc cũ cũng tạo ra nhiều vấn đề. Do việc ra quyết định tập trung, tính linh hoạt bị giảm đi và công ty đôi khi phản ứng chậm với những thay đổi nhanh chóng giữa các ngành.
Kể từ khi Ant bị dừng IPO tháng 11 năm ngoái, rất ít người trong công ty đề cập đến thuật ngữ "Nền kinh tế Alibaba" và ủy ban 13 người trên thực tế đã không còn hoạt động. Sau nhiều tháng thảo luận, các lãnh đạo hàng đầu của công ty đồng ý rằng Ant sẽ vạch ra một con đường độc lập hơn với Alibaba trong tương lai.
Theo cấu trúc "Nền kinh tế Alibaba", Ant gắn chiến lược của mình với Alibaba. Alipay - một ứng dụng thanh toán và phong cách sống được hơn 1 tỷ người ở Trung Quốc sử dụng - đã giúp chuyển hướng lưu lượng truy cập đến các nền tảng của Alibaba. Các dịch vụ cho vay tiêu dùng của nó đã bổ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Alibaba. Bước tiến lớn của Ant với hoạt động cho vay đã khiến các nhà quản lý Trung Quốc để ý, xem đó là rủi ro đối với hệ thống tài chính của đất nước.
Hiện tại, ông Zhang vẫn trực tiếp giám sát mảng kinh doanh thương mại điện tử. Các đơn vị kinh doanh khác, chẳng hạn như thương mại điện tử công nghiệp và cộng đồng, điện toán đám mây và dịch vụ địa phương, có chủ tịch riêng. Dịch vụ địa phương được chính thức công bố vào tháng 7, với tư cách là một đơn vị bao gồm một số dịch vụ dựa trên vị trí như ứng dụng điều hướng AutoNavi, cổng du lịch Fliggy và ứng dụng giao hàng Ele.me.
Trong vài năm qua, các đối thủ nhỏ hơn đã bám sát Alibaba trên nhiều mặt trận. Thị phần của Alibaba trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đã bị suy yếu bởi JD.com và Pinduoduo. Ele.me, một nền tảng giao hàng của Alibaba, đã phải vật lộn để cạnh tranh với Meituan. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, nơi Alibaba có lợi thế là người đi đầu, cũng đang chịu nhiều áp lực.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-giu-ngoi-vuong-cua-alibaba-4395124.html