6 kiểu phanh... phá xe thường gặp
1. Thường xuyên phanh gấp
Hầu hết các chị em khi lái xe ô tô, nhất là những người mới luôn dễ mắc phải thói quen này. Tuy nhiên, việc liên tục phanh gấp sẽ gây căng thẳng hơn cho hệ thống phanh, làm mòn đĩa và kẹp phanh xe hơi nhanh hơn. Ngoài ra, nhiệt sinh ra trong quá trình này sẽ khiến tuổi thọ của phanh giảm sút đáng kể.
Để giảm bớt những tác động tiêu cực, chúng ta cần quan sát, dự đoán tình huống giao thông và đạp phanh từ xa.
2. Để quá nhiều vật dụng trên ô tô
Các chị em luôn có vô vàn thứ để mang theo, từ những vật dụng cá nhân cần thiết cho tới những thứ... không cần thiết lắm.
Hãy nhớ, tổng trọng lượng của xe tăng thêm chỉ khiến phanh phải tạo nhiều áp lực hơn để đưa xe dừng lại. Ngoài ra, nếu trong xe để quá nhiều đồ, đặc biệt là gần khu vực vô lăng sẽ vô tình tạo ra những cản trở trong quá trình lái xe.
3. Đặt chân trái lên bàn đạp phanh
Dù đây là 1 thói quen khá nguy hiểm, nhưng trên thực tế nó lại rất phổ biến. Điều này có thể dẫn đến tình huống vô tình đạp phanh trong khi đang lái xe bình thường, dẫn đến việc sử dụng phanh không cần thiết.
Cùng với đó, thói quen này có thể khiến chúng ta đạp nhầm chân phanh và ga trong một vài trường hợp mất tập trung. Vì vậy, các chị em hãy nhớ không cần sử dụng chân trái khi điều khiển xe số tự động. Trong trường hợp lái ô tô số sàn, các chị em nên đặt chân trái vào chân côn nhé.
4. Không thay dầu phanh theo định kỳ
Các chị em thường có xu hướng dễ bỏ qua việc kiểm tra, bảo dưỡng và thay dầu xe định kỳ hơn so với nam giới. Song, có 1 điều bạn cần biết chính là khi duy trì thói quen này, rất có thể sẽ gây ra tình trạng hư hỏng trên dây phanh.
Dầu phanh cũ hút hơi ẩm, có thể khiến xi lanh chính, đường phanh và pít-tông bị ăn mòn. Hậu quả này sẽ khiến hiệu quả của phanh bị giảm, thậm chí mất phanh hoàn toàn. Để bảo vệ bộ phận này, hãy nhớ thay dầu phanh mỗi năm 1 lần.
Dầu phanh ô tô thường được chứa trong một bình nhựa hình trụ màu trắng đục và nằm phía trên động cơ. (Ảnh: Viettimes.vn)
5. Kéo phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Kéo phanh tay khi xe chưa dừng hẳn sẽ khiến lực phanh tác động lên 2 bánh sau, gây ra hiện tượng trượt bánh, mất lái. Nguyên nhân là bởi, phanh tay vốn không được lắp đặt để dừng khi ô tô đang di chuyển mà chỉ được thiết kế để giữ xe đứng yên khi dừng hẳn.
Tuy nhiên, theo quán tính, rất nhiều chị em mắc phải lỗi này.
6. Không hạ phanh tay khi xe đang di chuyển
Điều này khiến guốc phanh và má phanh vẫn còn áp sát vào đĩa phanh, tạo ra ma sát rất lớn, có thể khiến cho má phanh bị cháy.
Ngoài ra, việc không hạ phanh tay cũng có thể làm hỏng các hệ thống cảm biến gắn trên bộ phận này chẳng hạn như hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Hậu quả tệ nhất trong trường hợp này là có thể phát sinh mức nhiệt cao khiến dầu phanh sôi, dẫn đến phanh mất tác dụng hoàn toàn.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, 1 số dòng xe mới sẽ phát tín hiệu bằng đèn cảnh báo bật sáng trên đồng hồ trung tâm để nhắc nhở người lái khi gặp phải những tình huống như thế này. Vậy nên, dẫu sao, các chị em cũng hãy chú ý thật kĩ và hạn chế tối đa tình trạng mắc phải thói quen tai hại này.
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/chi-em-luu-y-nhung-kieu-phanh-pha-xe-20220903142638087.chn