5 món canh dân dã đưa cơm ngày hè
Rau mồng tơi nấu cua
Các món canh sau đây, nấu một nồi canh cho gia đình từ 4 - 6 người ăn.
1.Canh cua rau đay, rau mồng tơi, rau muống
Theo Đông y, rau đay có vị cay, tính lạnh, không độc, công dụng giải nhiệt, nhuận tràng, tiêu đàm, cảm nắng,...
Cua đồng là món ăn bổ dưỡng có công dụng giải nhiệt, kích thích ăn uống, dễ tiêu hóa
Rau mồng tơi: có vị ngọt, nhạt, nhớt, tính mát. Có tác dụng lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường. Công hiệu giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dày và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận và huyết tụ.
Rau muống: Theo Đông y, có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm), đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị nhiễm các chất độc của nấm, cá, thịt độc, lá ngón, khuẩn độc hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn…
Rau muống còn có tác dụng cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước, ù tai chóng mặt, đau đầu do tăng huyết áp, đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng, say hay ngộ độc sắn, giải độc do ngộ độc thức ăn, các chứng chảy máu, lở ngứa, rôm sảy, ong đốt…
Nguyên liệu:
Mua 3 - 5 lạng cua đồng, rửa sạch, xé bỏ mai yếm, giã nhuyễn lọc lấy nước (khoảng 2 - 3 lít); ngoáy lấy gạch cua để riêng ra một bát con. Rau đay, (rau mồng tơi, hay rau muống) rửa sạch thái nhỏ. Mướp một quả gọt vỏ, bổ dọc, thái miếng chéo. Rau rút một bó nhỏ, rửa sạch ngắt đoạn ngắn 2-3cm. Mắm tôm 1 thìa canh, một chút muối và dầu ăn.
Cách nấu:
Tra mắm tôm, một chút muối vào nước lọc cua rồi cho lên bếp đun sôi nước canh, bỏ rau và mướp vào tiếp tục đun sôi chừng 5- 7 phút. Cho rau rút vào, sôi đều là bắc nồi canh ra. Dùng dầu ăn xào chín gạch cua đổ vào nồi canh. Nêm thêm nước mắm hoặc muối cho vừa ăn.
2.Canh hến nấu bầu:
Theo Đông y, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác): có vị mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn. Món canh này, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thanh nhiệt, giải khát.
Nguyên liệu:
Hến sông 1 - 2 kg, bầu sao hay bầu trắng 1 quả non, mỡ, mắm, muối, hành, thì là và gia vị vừa đủ.
Hến nấu bầu
Cách nấu:
Hến ngâm trong nước sạch 3 giờ, đãi sạch đất cát; luộc hến bằng nước lạnh, khi nước sôi, đảo đều đến khi các con hến đều mở miệng thì tắt bếp; gạn lấy nước luộc hến; đãi lấy thịt để riêng.
Đun nước luộc hến đến sôi, thả bầu đã băm hoặc thái chỉ vào đến khi miếng bầu trong, hết đục (hơi sủi tăm) cho hành và thì là thái khúc vào.
Đun sôi mỡ, thả hành thái vào, đến khi có mùi thơm (phi hành) thì cho thịt hến vào, cho mắm muối gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Hến xào để riêng hoặc cho vào canh trên.
3. Hoa Thiên lý nấu cua
Vị ngọt của cua kết hợp với vị thanh mát của hoa thiên lý giúp bạn cảm thấy món canh ngọt, mát. Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, đỡ mệt mỏi đau lưng, có tác dụng chống viêm, thúc đẩy chóng lên da non
Hoa Thiên lý nấu cua
Nguyên liệu:
300 g cua đồng, 200 g hoa thiên lý, 600 ml nước, gia vị gồm muối, bột canh, mì chính.
Cách nấu:
Bắc nồi nước cua lên bếp, để lửa to. Dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ để thịt cua không bị lắng xuống đáy nồi, cho đến khi nước cua chuyển sang màu đục.
4.Canh bí đao nấu thịt lợn hoặc ngao
Bí đao có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, thanh nhiệt, tiêu viêm. Bí đao là loại rau xanh thường dùng trong các bữa ăn của nhân dân ta. Có thể dùng bí đao ăn luộc hoặc nấu canh tôm, canh cua, làm nộm, xào thịt gà, thịt lợn. Ăn bí đao thông tiểu, tiêu phù, giải khát, mát tim, trừ phiền nhiệt, bớt mụn nhọt.
Nguyên liệu: thịt lợn hay xương ống và xương sườn lợn hoặc ngao, bí đao, hành lá, dầu ăn, mắm muối. Thịt lợn thái nhỏ, xương lợn chặt miếng nhỏ. Ngao rửa sạch, luộc chín lấy ruột và gạn lấy nước luộc ngao trong, bỏ vỏ. Bí đao gọt vỏ, bổ dọc làm 3 hay 4 tùy quả to nhỏ, cắt miếng chéo.
Bí nấu thịt nạc
Cách nấu:
Thịt lợn xào chín với dầu, nêm mắm muối; xương lợn hầm nhừ; tra đủ 2 - 3 lít nước nấu sôi, cho bí vào nấu tới khi chín mềm, nêm gia vị và hành lá bắc ra.
Nấu canh ngao: nấu sôi nước luộc ngao, bỏ bí vào nấu chín mềm. Cho ruột ngao vào, nấu sôi lại là được.
Thịt ngao theo Đông y có tính hàn, vị ngọt mặn, không độc, có công năng giải độc, tiêu khát, tư âm, lợi thủy, hóa đờm, trị được chứng ho nhiều đờm, loét dạ dày hành tá tràng, băng huyết, trĩ.
5.Canh rau dền nấu tôm
Theo Đông y, rau dền cơm vị ngọt tính hàn. Rau dền tía vị ngọt mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Tôm chứa nhiều protein, chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ hemoglobin trong tôm có tác dụng bổ sắt hiệu quả. Món canh này có tác dụng mát bổ, kích thích tiêu hóa.
Nghiên cứu mới đây cho biết, rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no.
Canh rau dền nấu tôm
Nguyên liệu:
1 bó rau dền; 150 g tôm sú, hạt nêm, đường, muối, hành.
Cách chế biến:
Rau dền nhặt bỏ lá sâu, cọng già, rửa qua nước muối pha loãng, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo nước. Tôm lột bỏ vỏ, rửa sạch, giã hơi dập với đầu hành.
Phi thơm dầu, cho tôm vào xào sơ với ít hạt nêm, muối, đường. Cho nước vào đun sôi, cuối cùng cho rau dền vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Lưu ý khi cho rau vào thì không đậy nắp để rau không bị thâm đen.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1771907